70% trẻ bị lác có kèm theo các tật khúc xạ do không được chỉnh kính

Thứ năm, 18/06/2020 19:38
(ĐCSVN) - Khoảng 3 triệu trẻ em Việt Nam đang mắc tật khúc xạ cần được chỉnh kính, trong đó tỷ lệ trẻ em mắc khúc xạ ở các thành phố lớn lên tới 60-70%. Cận thị thường xảy ra ở những đối tượng trẻ như học sinh, sinh viên,... nhưng lại không được quan tâm đúng mức. Đáng chú ý có tới 70% trẻ bị lác có kèm theo các tật khúc xạ do không được chỉnh kính.

Đây là thông tin được đưa ra tại buổi họp báo “Nâng cao nhận thức chăm sóc và bảo vệ mắt cho trẻ em” do Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 tổ chức ngày 18/6 tại Hà Nội.

PGS.TS.BS Nguyễn Đức Anh, Trưởng khoa Khúc xạ Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 chia sẻ: Đôi mắt chính là một trong những tài sản quý giá nhất của con người, đặc biệt là với trẻ thơ vì một đôi mắt sáng và khỏe mạnh quyết định rất nhiều tới cuộc sống và tương lai của các con.

Tại Việt Nam, trẻ em mắc các tật khúc xạ, lác và sụp mí đang ngày càng tăng.
(Ảnh minh họa. Ảnh: TL) 

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Đức Anh, tại Việt Nam, có khoảng 3 triệu trẻ em đang mắc tật khúc xạ cần được chỉnh kính, trong đó tỷ lệ trẻ em mắc khúc xạ ở các thành phố lớn lên tới 60-70%. Cận thị thường xảy ra ở những đối tượng trẻ như học sinh, sinh viên,... nhưng lại không được quan tâm đúng mức. Nhiều người thờ ơ cho rằng đây là tình trạng quá bình thường, không có gì nguy hiểm. Các chuyên gia nhãn khoa nhấn mạnh độ tuổi học sinh là giai đoạn độ cận tiến triển nhanh, có thể dẫn tới các biến chứng gây mù lòa.

Đáng chú ý là có tới 70% trẻ bị lác có kèm theo các tật khúc xạ do không được chỉnh kính. Nhiều nghiên cứu về tình trạng mắt trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh ở Việt Nam, đã chỉ ra hiện nay có khoảng 2-3 triệu trẻ bị lác, chiếm khoảng 2-4% tổng dân số của nước ta. Đáng nói là hiện tượng bị lác ở trẻ em ngày càng tăng và nhiều con không được khám, chữa kịp thời đã gây ảnh hưởng nặng nề tới thẩm mỹ và cả thị lực.

Cùng với đó, theo thống kê, 19% người bị sụp mí đều có thị lực kém hơn, số khác gây ra mắt lác hoặc các tật khúc xạ như cận, loạn thị. Trong đó, 75% do sụp mí bẩm sinh, số lượng trẻ sơ sinh chiếm 1,8%, còn lại là do bất thường khúc xạ, dị dạng hoặc ảnh hưởng trong quá trình mang thai. Với các trường hợp sụp mí bẩm sinh, lâu dần mí mắt chùng xuống ảnh hưởng tới tầm nhìn, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống hiện tại cũng như tương lai của trẻ.

Theo các chuyên gia nhãn khoa, số lượng trẻ em mắc các tật khúc xạ, lác và sụp mí đang ngày càng tăng nhưng nếu không được chăm sóc, phát hiện và bảo vệ kịp thời, các con có nguy cơ cao bị nhược thị gây mất thị lực vĩnh viễn. Khi đó, “cửa sổ tâm hồn” của các con sẽ gặp nhiều vấn đề về thẩm mỹ, về thị lực, khả năng nhìn nhận, ảnh hưởng tới tương lai của chính các con và cả thế hệ trẻ của đất nước. Chính vì thế, tăng cường bảo vệ và chăm sóc mắt ngay từ khi còn nhỏ chính là giải pháp tiên phong trong việc bảo vệ thị lực, chủ động ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm gây mù lòa cho con sau này./.

Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực