Thủ tướng lưu ý Bộ Giáo dục và Đào tạo 6 vấn đề

Thứ tư, 28/03/2018 16:49
(ĐCSVN) - Thủ tướng Chính phủ giao Tổ công tác truyền đạt ý kiến của Thủ tướng về 6 vấn đề đang được dư luận rất quan tâm để Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo giải trình, báo cáo thêm, có giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
 

Ngày 28/3, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ làm việc với Bộ GD&ĐT. (Ảnh: Bá Hải)

Ngày 28/3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng dẫn đầu đoàn làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về tình hình thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Phát biểu mở đầu buổi kiểm tra, Tổ trưởng Tổ công tác truyền đạt ý kiến Thủ tướng ghi nhận sự cố gắng rất lớn của cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành giáo dục thời gian qua, nhất là tập trung cho xây dựng chương trình giáo dục phổ thông, sửa đổi Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học. Trong năm 2017, Bộ GD&ĐT đã hoàn thành 100% nhiệm vụ xây dựng văn bản.

Lãnh đạo Bộ và cá nhân Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã có nhiều nỗ lực trong tiếp cận những xu thế mới của khu vực và thế giới để hội nhập và cải cách mạnh mẽ. Từ đầu năm 2017 tới ngày 15/3/2018, Bộ được giao 684 nhiệm vụ, đã hoàn thành 525 nhiệm vụ (trong đó hoàn thành quá hạn 51 nhiệm vụ), còn 156 nhiệm vụ chưa hoàn thành (trong hạn).

Tuy vậy, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng cho hay, Thủ tướng cũng giao Tổ công tác truyền đạt ý kiến của Thủ tướng về 6 vấn đề đang được dư luận rất quan tâm để Bộ trưởng giải trình, báo cáo thêm, có giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Một là, vấn đề tổ hợp trong tuyển sinh khi có tình trạng các ngành kỹ thuật, tài chính, ngân hàng… lại tuyển sinh qua các môn văn, sử, địa… Đây là việc khác so với trước đây nên được xã hội quan tâm, tuy đã giao quyền tự chủ cho các trường nhưng cũng phải xem xét, cân nhắc kỹ.

Hai là, vấn đề biên chế giáo viên như vụ 500 giáo viên Đắk Lắk mất việc làm; tình trạng giáo viên làm hợp đồng 10 năm nhưng lương thấp hơn lương cơ bản. Đây tuy không phải là trách nhiệm của Bộ nhưng Bộ có trách nhiệm kiểm soát chung.

Ba là, vấn đề nhức nhối của xã hội liên quan tới đạo đức, phẩm chất của nhà giáo, như tình trạng ép học sinh học thêm, bạo lực, chạy điểm, chạy trường, gây bức xúc cho xã hội. Đặc biệt, liên tục xảy ra các vụ việc xúc phạm danh dự nhà giáo, hành hung giáo viên.

Bốn là, dư luận rất quan tâm việc công nhận chức danh GS, PGS.

Năm là, sau khi Thủ tướng làm việc với Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Đại học Đà Nẵng… với quyết tâm xây dựng các trường có thương hiệu nổi trội trong khu vực và quốc tế, thì đến nay Thủ tướng chưa nhận được báo cáo về tình hình thực hiện các kết luận của Thủ tướng.

Sáu là, vấn đề công tác cải cách hành chính của Bộ. Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao những đổi mới tích cực vừa qua nhưng cần tiếp tục triển khai mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt là cơ chế 1 cửa, 1 cửa liên thông, Bộ đang triển khai nhưng chưa hiệu quả lắm so với các bộ khác.

Tại buổi làm việc, các thành viên Tổ công tác của Thủ tướng cũng đánh giá cao về kết quả hoàn thành nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao năm 2017 và kế hoạch năm 2018, kết quả cải cách hành chính của Bộ GD&ĐT.

Các ý kiến cũng đánh giá cao 2 dự án Luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục đại học được Chính phủ thông qua, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 và xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.

Phát biểu kết luận buổi làm việc và giao nhiệm vụ trong thời gian tới, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng mong muốn trong thời gian tới Bộ GD&ĐT tiếp tục đổi mới hơn nữa, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để trở thành Bộ đi đầu trong thời đại công nghiệp 4.0.

Nhấn mạnh rằng GD&ĐT là ngành liên quan đến toàn xã hội, đến mọi người, mọi nhà, do vậy, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng yêu cầu Bộ GD&ĐT xây dựng kế hoạch khắc phục những vấn đề đang tồn tại trong dư luận xã hội.

Về cắt giảm các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục, cắt giảm thủ tục hành chính, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng đề nghị Bộ GD&ĐT tiếp tục rà soát để bằng nhiều cách cắt giảm bớt những thủ tục không cần thiết để đầu tư tư nhân có được điều kiện thông thoáng, thuận lợi hơn khi bỏ vốn đầu tư vào lĩnh vực GD&ĐT./.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực