Trí thức trẻ đóng góp cho sự nghiệp đổi mới giáo dục

Thứ sáu, 17/11/2017 17:24
(ĐCSVN) – Vừa qua, 3 công trình, sáng kiến đóng góp cho sự nghiệp đổi mới giáo dục và đào tạo của các trí thức trẻ tuổi dưới 35 đã vượt qua 326 công trình, sáng kiến khác giành giải cao nhất chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục”.

Xuất phát từ nhiệm vụ đặt ra của chương trình giáo dục phổ thông là phát huy năng lực của người học, vận dụng có hiệu quả kiến thức vào thực tiễn, trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, những đoàn viên của Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam nhận thấy cần đổi mới về phương pháp và nội dung tiếp cận, học hỏi kinh nghiệm từ các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới để xây dựng một môi trường học tập có tính sáng tạo, hiệu quả và phù hợp với bậc học phổ thông ở Việt Nam.

3 công trình, sáng kiến giành giải cao nhất chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” - Ảnh: Quế Chi

Với phương châm đó, nhóm tác giả Nguyễn Hữu Hải, Phạm Thành Nam, Đỗ Minh Nhiên, Nguyễn Việt Hoàng, Phạm Thị Phương Thảo đã cùng trao đổi ý tưởng, phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học hoàn toàn mới có tên gọi “Open classroom” tại địa chỉ www.openclassroom.edu.vn   

Theo thiết kế, Open classroom cung cấp môi trường giáo dục trực tuyến chất lượng cao với các bài học trực quan, các phòng thí nghiệm ảo sinh động đáp ứng nhu cầu học tập của hàng triệu học sinh, mang tới trải nghiệm thú vị hơn so với các bản tài liệu, trình chiếu powerpoint, video, cho phép học tập thông qua tương tác. Open classroom còn giúp học sinh chủ động, phát triển tư duy sáng tạo và kỹ năng phù hợp với yêu cầu của cuộc sống.

Nguyễn Hữu Hải, thành viên của nhóm cho biết, khác với các hệ thống giáo dục trực tuyến hiện nay, Open classroom tập trung vào thực hành và áp dụng kiến thức đã học vào thực tế, đảm bảo học đi đôi với hành. Thông qua cách học tương tác, học sinh có cảm hứng học tập, dễ dàng nắm bắt nội dung bài học và khám phá tri thức mới.

Về nguồn nội dung, Open classroom khai thác kho tàng tri thức từ các nền giáo dục hàng đầu thế giới và các tổ chức khoa học quốc tế có uy tín, hỗ trợ tất cả các trình độ từ lớp 1 đến lớp 12 với hầu hết các môn học. Ngoài ra, Open classroom còn cung cấp các công cụ giúp giáo viên dễ dàng chia sẻ kiến thức, hỗ trợ phụ huynh nắm bắt được tình hình học tập của con em mình. “Là công dân lại có kiến thức chuyên môn nên chúng tôi tự nhủ phải phát triển phần mềm này với tinh thần cống hiến”, Hải chia sẻ.

Cũng theo hướng phát triển phần mềm trực tuyến, “Full Look - Phần mềm học song ngữ phát triển năng lực toàn diện” tại địa chỉ www.fulllooksongngu.com lại cung cấp giải pháp cho việc học tiếng Anh tích hợp các môn học, các lĩnh vực như Toán, Khoa học, Văn học, Lịch sử, Kỹ năng sống, Kiến thức xã hội qua 3 chế độ hiển thị ngôn ngữ là tiếng Việt, tiếng Anh, song ngữ và qua bộ từ vựng tiếng Anh chuyên ngành. Thông qua quá trình sử dụng phần mềm, có thể đánh giá khá sát về thực trạng và xu hướng học tập của học sinh, khuyến khích học sinh tự học cũng như hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm.

Trần Thị Mai Phương và Lê Thị Thu Ngân (Hà Nội), tác giả của Full Look cho biết, phần mềm được thiết kế gồm 3 mục cơ bản: mục Luyện tập được chia làm 10 môn học và lĩnh vực, mỗi môn được thiết kế theo 35 tuần học theo phân phối chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Mỗi môn học và lĩnh vực gồm 2 mục: Từ vựng và Lý thuyết; Luyện tập. Mục Đề luyện tập và Đề kiểm tra toàn diện có cấu trúc 30 câu, kiểm tra kiến thức nhiều lĩnh vực nhằm khảo sát và phát triển năng lực toàn diện cho người học. Mục quà tặng và game giúp học sinh vừa giải trí, vừa ôn luyện, mở rộng vốn từ ở nhiều chủ đề.

Biết thông tin về chương trình "Tri thức trẻ về giáo dục", Nguyễn Trường Vũ (Thừa Thiên Huế) đã bắt tay triển khai đề tài “Phổ biến thí nghiệm Vật lý” thông qua các thí nghiệm trực quan, sinh động, dễ hiểu với mọi người. Vì vậy, Vũ đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, chế tạo mới, cải tiến nhiều bộ thí nghiệm hay, trong đó có những bộ thí nghiệm chưa sản xuất ở Việt Nam như bộ thí nghiệm chân không, ống kính chụp quang phổ cho smartphone, ống tạo tia âm cực, tạo mây trong phòng thí nghiệm...

Nguyễn Trường Vũ tiến hành thí nghiệm đo vận tốc âm thanh - Ảnh: NVCC

“Các bộ thí nghiệm được chế tạo với chi phí rất rẻ, chẳng hạn như bộ thí nghiệm chân không được chế tạo với giá vật liệu chỉ 250 nghìn đồng nhưng nếu mua các thiết bị trên thị trường để tiến hành các thí nghiệm tương tự phải tốn khoảng 6 triệu đồng. Động cơ tịnh tiến được chế tạo với 100 nghìn đồng nhưng giá mua trên ebay là 200 đô la”, Vũ nói.

Sau khi chế tạo thiết bị thí nghiệm thành công, Vũ đã làm video rồi đưa lên các trang mạng xã hội để phổ biến với mọi người và nhận được nhiều phản hồi tích cực. “Tương lai phát triển của đề tài là mở trung tâm thí nghiệm vật lý để nhiều học sinh có nơi học bổ ích, thú vị, xây dựng đam mê với khoa học”, Vũ chia sẻ.

Đánh giá về các công trình, đề tài sáng tạo này, TS Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, các công trình đã bám sát và nghiên cứu sâu các vấn đề của thực tiễn để đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đều có thể ứng dụng vào thực tế.

Theo GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông, các công trình đều xuất phát từ thực tế giảng dạy, học tập, nếu được hoàn thiện hơn, các công trình sẽ góp phần phát triển năng lực của học sinh, tăng trải nghiệm thực tế, kỹ năng sống với chi phí thấp.

Quế Chi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực