Cảnh báo về bạo lực, xâm hại tình dục và giết người với trẻ em

Thứ tư, 01/11/2017 15:27
(ĐCSVN) - Báo cáo mới công bố ngày 1/11 của Quỹ Nhi đồng liên hợp quốc (UNICEF) đã tiết lộ một con số lớn kinh ngạc: trẻ em – kể cả những trẻ chỉ mới 12 tháng tuổi – đang bị bạo lực, thường là bởi chính những người được giao phó chăm sóc các em.
Hình ảnh chụp lại từ báo cáo (Ảnh: HNV)

Ông Cornelius Williams, Trưởng Ban Bảo vệ trẻ em của UNICEF cho biết “Tổn hại đối với trẻ em trên toàn thế giới thực sự rất đáng lo ngại. Trẻ nhỏ bị tát vào mặt; trẻ em gái và trẻ em trai bị ép tham gia các hành vi tình dục; trẻ vị thành niên bị giết hại tại chính cộng đồng của các em – bạo lực đối với trẻ em không chừa một ai và không có ranh giới.”

Theo đó, bạo lực đối với trẻ nhỏ trong gia đình các em, các số liệu cho thấy, ba phần tư số trẻ em 2-4 tuổi trên toàn thế giới – khoảng 300 triệu trẻ - chịu các hành vi gây sức ép về tâm lý và/hoặc bị trừng phạt thân thể bởi chính những người chăm sóc các em ở nhà; tại 30 quốc gia có dữ liệu, khoảng 6 trong 10 trẻ 1 tuổi thường xuyên bị kỷ luật bằng bạo lực. Gần một phần tư trẻ 1 tuổi bị lắc người để trừng phạt và gần 1 trong 10 em bị đánh hoặc bị tát vào mặt, đầu hoặc tai. Trên toàn thế giới, một phần tư trẻ dưới 5 tuổi – khoảng 176 triệu trẻ - đang sống với mẹ là nạn nhân bị bạo lực từ bạn tình.

Còn bạo lực tình dục đối với trẻ em gái và trẻ em trai, trên toàn thế giới, khoảng 15 triệu trẻ em gái vị thành niên độ tuổi 15-19 từng bị ép quan hệ tình dục hoặc bị ép tham gia hành vi tình dục; Chỉ 1% trẻ em gái vị thành niên từng bị bạo lực tình dục nói rằng các em đã tìm đến các dịch vụ chuyên nghiệp để được giúp đỡ. Tại 28 quốc gia có dữ liệu, trung bình 90% trẻ em gái vị thành niên từng bị ép quan hệ tình dục nói rằng thủ phạm của vụ xâm hại đầu tiên là người quen của các em. Dữ liệu từ 6 quốc gia cho thấy thủ phạm của bạo lực tình dục với trẻ em trai vị thành niên thường là bạn bè, bạn cùng lớp và bạn tình.

Đối với tử vong do bạo lực ở trẻ vị thành niên, trên toàn cầu, cứ 7 phút lại có 1 trẻ vị thành niên tử vong do bạo lực. Tại Hoa Kỳ, trẻ em da đen không thuộc gốc Hispanic độ tuổi 10-19 có nguy cơ bị giết cao gần gấp 19 lần so với trẻ em da trắng không thuộc gốc Hispanic cùng độ tuổi. Nếu tỷ lệ giết trẻ vị thành niên da đen không thuộc gốc Hispanic này áp dụng trên toàn quốc thì Hoa Kỳ sẽ là một trong 10 quốc gia nguy hiểm chết người nhất trên thế giới. Năm 2015, nguy cơ một trẻ em trai vị thành niên da đen không thuộc gốc Hispanic ở Hoa Kỳ bị giết chết ngang bằng với nguy cơ một trẻ em trai vị thành niên sống tại Nam Sudan đang có chiến tranh tàn khốc bị giết chết do bạo lực tập thể. Mỹ Latinh và Caribbean là khu vực duy nhất có tỷ lệ trẻ vị thành niên bị giết gia tăng; gần một nửa số trường hợp trẻ vị thành niên bị giết trên toàn cầu xảy ra tại khu vực này trong năm 2015.

Đối với bạo lực học đường, một nửa số trẻ em độ tuổi đến trường – 732 triệu trẻ - sống tại các quốc gia nơi việc trừng phạt thân thể ở trường học chưa bị cấm tuyệt đối. Ba phần tư số vụ nổ súng tại trường học được ghi nhận xảy ra trong 25 năm qua là ở Hoa Kỳ.

UNICEF ưu tiên nỗ lực để chấm dứt bạo lực trong tất cả hoạt động của mình, bao gồm hỗ trợ các nỗ lực của chính phủ để cải thiện dịch vụ cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi bạo lực, xây dựng các chính sách và luật pháp về bảo vệ trẻ em, và giúp các cộng đồng, các bậc phụ huynh và trẻ em phòng ngừa bạo lực thông qua các chương trình thiết thực như các khóa học làm cha mẹ và các hoạt động chống bạo lực gia đình.

Để chấm dứt bạo lực đối với trẻ em, UNICEF đang kêu gọi các chính phủ khẩn trương hành động và hỗ trợ thực hiện Bảy chiến lược nhằm chấm dứt bạo lực với trẻ em (INSPIRE) – hướng dẫn chiến lược này đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), UNICEF và Nhóm Cộng tác Toàn cầu Chấm dứt Bạo lực đối với Trẻ em thống nhất và thúc đẩy, gồm: Thông qua các kế hoạch hành động điều phối cấp quốc gia để chấm dứt bạo lực đối với trẻ em – kết hợp chặt chẽ giữa các hệ thống giáo dục, phúc lợi xã hội, tư pháp và y tế, cũng như các cộng đồng và chính trẻ em; Thay đổi hành vi của người lớn và giải quyết các yếu tố góp phần gây ra bạo lực đối với trẻ em, gồm những bất công về kinh tế, xã hội, những chuẩn mực xã hội và văn hóa đang dung thứ cho bạo lực, hệ thống chính sách và pháp luật chưa đầy đủ, thiếu dịch vụ hỗ trợ nạn nhân, và đầu tư hạn chế vào các hệ thống phòng ngừa và ứng phó với bạo lực hiệu quả; Tập trung các chính sách quốc gia vào việc giảm thiểu các hành vi bạo lực, giảm bất bình đẳng, và hạn chế tiếp cận các loại súng và vũ khí khác; Xây dựng các hệ thống dịch vụ xã hội và tập huấn cho cán bộ công tác xã hội để cung cấp các dịch vụ chuyển gửi, tư vấn và trị liệu cho trẻ bị bạo lực; Giáo dục trẻ em, phụ huynh, giáo viên và thành viên cộng đồng để có thể phát hiện bạo lực dưới mọi hình thức và nâng quyền để họ lên tiếng và tố cáo bạo lực một cách an toàn; Thu thập dữ liệu được phân tổ tốt hơn về bạo lực đối với trẻ em và theo dõi tình hình bằng hệ thống giám sát và đánh giá mạnh.

Ở Việt Nam, Luật Trẻ em ban hành 2016 là cơ hội để cải thiện tình hình trẻ em bị ảnh hưởng bởi bạo lực. UNICEF Việt Nam cam kết hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong quá trình thực hiện Luật Trẻ em và Chương trình Bảo vệ Trẻ em giai đoạn 2016-2020. UNICEF ưu tiên các nỗ lực nhằm củng cố các hệ thống bảo vệ trẻ em về phúc lợi, giáo dục, y tế, tư pháp và tình huống khẩn cấp để phòng ngừa và ứng phó với tất cả các hình thức bạo lực đối với trẻ em. UNICEF cũng sẽ thúc đẩy huy động xã hội và truyền thông thay đổi hành vi để cải thiện thái độ, giá trị, niềm tin và các chuẩn mực xã hội đang khuyến khích bạo lực đối với trẻ em.

HA.NV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực