Chất lượng dịch vụ vận tải tiếp tục được cải thiện

Thứ năm, 28/03/2019 15:46
(ĐCSVN) - Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), thời gian qua, chất lượng dịch vụ vận tải tiếp tục được cải thiện, sản lượng vận tải tăng cao, sản lượng vận tải hàng hóa và hành khách năm 2018 tăng trên 10% so với năm 2017. Chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) của Việt Nam năm 2018 tăng 25 bậc so với năm 2016, xếp hạng 39/160 nước.
Ảnh minh hoạ. (Ảnh: Đ.H)

Cũng theo Bộ GTVT, công tác quản lý vận tải tiếp tục được tăng cường, chất lượng dịch vụ các loại hình vận tải tiếp tục được cải thiện, đáp ứng tốt nhu cầu vận chuyển hàng hóa và đi lại của nhân dân, nhất là trong các dịp cao điểm nghỉ lễ, Tết. Bộ GTVT đã có nhiều văn bản chỉ đạo triển khai đẩy mạnh công tác quản lý các lĩnh vực vận tải đường bộ, hàng không, hàng hải, đường sắt, đường thủy nội địa và tăng cường thanh tra, kiểm tra, đôn đốc thực hiện các quy định tại các Nghị định của Chính phủ, các thông tư, quyết định của Bộ trưởng Bộ GTVT; nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, tăng cường kết nối các phương thức vận tải, thí điểm hoạt động các loại hình vận tải chưa được quy định trong Luật, đẩy mạnh công tác hướng dẫn thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động vận tải bằng xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi; thí điểm hoạt động xe 4 bánh có gắn động cơ (chạy bằng xăng hoặc năng lượng điện) phục vụ chở khách du lịch trong khu vực hạn chế trên địa bàn một số địa phương (hiện tại Thủ tướng Chính phủ cho phép hoạt động trên địa bàn 34 tỉnh, thành phố). Đặc biệt, việc triển khai đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu vận tải đã mang lại kết quả hết sức tích cực, giúp lượng hàng hóa luân chuyển bằng đường biển và đường thủy nội địa tăng mạnh, góp phần giảm tải giao thông đường bộ, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông.

Bộ cũng đã chủ động đối thoại, làm việc, tiếp xúc với các hiệp hội, doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ, giải quyết những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp theo tinh thần các Nghị quyết số 19 và 35 của Chính phủ. Đã chỉ đạo các đơn vị triển khai Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 18/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm giảm chi phí logistics, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông; hoàn thành báo cáo tổng kết thực hiện Kế hoạch số 410/KH-BCĐ389 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại xăng dầu.

Về sản lượng vận tải năm 2018, ước đạt 1.634 triệu tấn hàng, tăng 10%; đạt 4.641 triệu lượt hành khách, tăng 10,7% so với năm 2017; khối lượng luân chuyển hàng hóa ước đạt 306 tỷ tấn.km, luân chuyển hành khách ước đạt 207 tỷ lượt HK.km; tăng 7,6% về luân chuyển hàng hóa và tăng 10,9% về luân chuyển hành khách so với năm 2017. Trong đó, thị trường hàng không Việt Nam năm 2018 tiếp tục có sự tăng trưởng ổn định, sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không, sân bay ước đạt 104 triệu lượt hành khách, tăng 10,4% và sản lượng hàng hóa ước đạt 1,5 triệu tấn hàng hóa tăng 8,9% so với năm 2017. Vận chuyển của các hãng hàng không Việt Nam đạt xấp xỉ 50 triệu hành khách tăng gần 11% và gần 410 nghìn tấn hàng hóa tăng 28% so với năm 2017.

Về chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI), theo báo cáo từ Ngân hàng Thế giới, LPI năm 2018 của Việt Nam xếp hạng 39/160 nước tham gia điều tra (tăng 25 bậc so với hạng 64/160 của năm 2016), tất cả 6 tiêu chí đánh giá LPI năm 2018 đều tăng vượt bậc so với năm 20168.

Để tăng cường công tác quản lý vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải, theo Bộ GTVT, tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án Tái cơ cấu các lĩnh vực vận tải, trong đó tăng cường kết nối các phương thức vận tải, ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý, điều hành hoạt động vận tải nhằm phát triển hài hòa các phương thức vận tải, giảm giá thành vận tải, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân, hành khách có nhiều dịch vụ để lựa chọn. Tiếp tục thực hiện Quyết định số 1841/QĐ-BGTVT ngày 26/6/2017 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025.

Tiếp tục triển khai cập nhật, bổ sung Quy hoạch mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh trên toàn quốc, quy hoạch trạm dừng nghỉ, cho phù hợp với quá trình phát triển. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về vận tải hành khách đối với hình thức xe hợp đồng và xe tuyến cố định.

Phối hợp với các địa phương về công tác quản lý vận tải hành khách và tổ chức giao thông công cộng; đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Phối hợp các Bộ, ngành triển khai công tác giảm chi phí Logistics, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông.

Tăng cường tiếp xúc, đối thoại doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải và phối hợp các hiệp hội vận tải, hiệp hội nghề nghiệp, hiệp hội chủ hàng để trao đổi, nắm bắt và tiếp nhận thông tin để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Phấn đấu giữ vững mức tăng trưởng trên các lĩnh vực vận tải để hoàn thành mức tăng trưởng đã đề ra trong giai đoạn 2016-2020…

Đ.H

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực