Luật Tiếp cận thông tin: Từ chính sách đến thực tiễn

Thứ sáu, 21/02/2020 17:38
(ĐCSVN) - Các cơ quan nhà nước cần nhận thức đầy đủ và thực hành vai trò, trách nhiệm quan trọng của mình trong việc cung cấp thông tin minh bạch theo yêu cầu của công dân dựa trên hướng dẫn từ Bộ Tư pháp nhằm cải thiện hiệu quả của việc thực thi Luật Tiếp cận Thông tin (TCTT).
Các thành viên Tổ Tiếp cận thông tin tại xã Ngồi Cáy, huyện Mường Ẳng, tỉnh Điện Biên
(Ảnh: Ban Tổ chức cung cấp) 

Đây là một trong các khuyến nghị chính từ nghiên cứu mới nhất “Đánh giá ban đầu việc thực thi Luật TCTT”, dựa trên khảo sát với hơn 250 cơ quan nhà nước trên toàn quốc và nghiên cứu sâu hơn ở tám tỉnh, thành phố gồm Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Điện Biên, Sơn La, Quảng Bình, Quảng Trị và Đà Nẵng.

Nghiên cứu được trình bày tại hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm thúc đẩy thực thi Luật TCTT lần thứ 2”do Liên minh Châu Âu tài trợ diễn ra ngày 21/2 tại Hà Nội. Sự kiện do Trung tâm Hỗ trợ Giáo dục và Nâng cao Năng lực cho Phụ nữ (CEPEW), CARE Quốc tế tại Việt Nam, Oxfam tại Việt Nam và một số liên minh các tổ chức xã hội đồng tổ chức.

Tại hội thảo, đại biểu từ Bộ Tư pháp, Hội đồng Dân tộc, Văn phòng Quốc hội, các Sở Tư pháp, cơ quan báo chí, nghiên cứu, các tổ chức xã hội đã phân tích và thảo luận tình hình triển khai Luật TCTT.

Theo bà  Ngô Thu Hà, đại diện nhóm nghiên cứu, việc thực thi Luật TCTT (hiệu lực từ 1/7/2018) đã mang lại một số kết quả tích cực nhưng chính phủ và người dân vẫn cần nhiều nỗ lực và cam kết hơn nữa từ để mang lại hiệu quả thực sự.

Việc phổ biến và nâng cao nhận thức về Luật này cũng như các văn bản hướng dẫn chưa được ưu tiên. Công chức, viên chức trong nhiều cơ quan nhà nước còn chưa biết rằng cung cấp thông tin theo yêu cầu của công dân là một trong các trách nhiệm hành chính công của mình. Điều này đã gây cản trở, khiến công dân cảm thấy chưa tự tin khi tìm kiếm thông tin họ cần.

Cũng theo bà Hà, trong thực tế, công dân vẫn chưa thực sự nắm được đầy đủ quyền tiếp cận thông tin của mình cũng như lợi ích của việc này, do đó còn e ngại khi đưa ra yêu cầu thông tin đối với các cơ quan nhà nước.

Một trong các điểm nhấn khác tại hội thảo là vai trò đôn đốc, kiểm tra của Bộ Tư pháp và các Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh. Các chuyên gia khuyến nghị Bộ Tư pháp xây dựng bảng kiểm gồm 9 nội dung công việc mỗi cơ quan nhà nước cần làm để chia sẻ với các bộ, ban, ngành; Ủy ban Nhân dân các cấp; Sở Tư pháp toàn bộ 63 tỉnh thành. Đồng thời, cần có cơ chế giám sát để các cơ quan này báo cáo tiến độ hoàn thành công việc.

Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng Việt Nam chưa tận dụng được nền tảng công nghệthuận lợi cho việc phổ biến kiến thức và chính sách pháp luật. Hiện có khoảng59,2 triệu người sử dụng internet, chiếm khoảng 60% dân số.

Hình ảnh tại Hội thảo diễn ra ngày 21/2 (Ảnh: HNV) 

Cũng tại Hội thảo, ông Lò Văn Quân, đại diện xã Ngồi Cáy, huyện Mường Ẳng, tỉnh Điện Biên đã chia sẻ về mô hình TCTT ở cộng đồng nơi đây. Theo đó, việc phản hồi Ban Thông tin – Truyền thông cấp xã đã góp phần tăng quyền của người dân và nâng cao chất lượng thông tin đáp ứng nhu cầu cuộc sống của người dân. Trong khi đó, theo ông Trần Thanh Hưng, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Điện Biên, vẫn còn khá nhiều thách thức trong việc đưa Luật TCTT vào cuộc sống, không chỉ về phía chính quyền mà còn ở bản thân chính người dân vì nó liên quan tới nhận thức, thái độ và cả hiểu biết nhất định của mỗi người. Do đó, cần tăng cường tập huấn và thực hành; tăng cường đội ngũ cộng tác viên thôn, bản hỗ trợ truyền thông, biên dịch chuyển tải từ tiếng phổ thông sang tiếng địa phương cũng như phối hợp với các đoàn thể, ban ngành của địa phương cùng thực hiện hỗ trợ cộng đồng.

Trong khuôn khổ Hội thảo, đại diện MTTQ tỉnh Hà Giang thông tin, với vai trò là thành viên Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật (PBDGPL) tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh đã đề xuất với Ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tỉnh, Sở Tư pháp tỉnh có văn bản hướng dẫn Hội đồng PBGDPL các huyện, thành phố lồng ghép các nội dung, các quy định của Luật TCTT trong công tác tuyên truyền PBGDPL, bằng các hình thức, biện pháp phù hợp, để phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức về quyền và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức và công dân trên địa bàn tỉnh trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin theo đúng phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Ngoài ra, đã đề xuất kiến nghị với HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo chính quyền các cấp phân công, bố trí công chức, viên chức đáp ứng đủ năng lực, trình độ để làm đầu mối cung cấp thông tin; bố trí hợp lý nơi tiếp công dân để cung cấp thông tin phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Thông tin – Truyền thông tỉnh trang bị các phương tiện kỹ thuật, công nghệ thông tin và điều kiện cần thiết khác để đáp ứng kịp thời yêu cầu cung cấp thông tin của công dân tại trụ sở cơ quan và qua mạng điện tử của các sở, ngành cấp tỉnh , cấp huyện và UBND các xã, phường thị trấn.

Song song, các sở, ngành tỉnh, huyện các địa phương và các cơ quan, tổ chức khác có liên quan cần thường xuyên vận hành cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử; rà soát, phân loại, lập danh mục các thông tin phải được công khai và thông tin không được công khai; xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu thông tin mà cơ quan có trách nhiệm cung cấp, không cung cấp; duy trì, lưu giữ, cập nhật cơ sở dữ liệu thông tin do cơ quan mình tạo ra. Số hóa các văn bản, hồ sơ, tài liệu và kết nối với mạng điện tử tỉnh để người dân có thể truy cập thông tin dễ dàng từ các hệ thống khác nhau nhằm tăng cường cung cấp thông tin qua mạng điện tử.

Thêm vào đó, đề nghị tỉnh có lộ trình đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở dự liệu cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, đầu tư hạ tầng cơ sở để hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương, trong đó có người khuyết tật, người mù chữ hoặc người dân tộc thiểu số cũng như quan tâm hỗ trợ đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở dự liệu của tỉnh, để các sở, ngành, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở vận hành cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử; xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu thông tin mà cơ quan, địa  phương có trách nhiệm cung cấp thông tin cho người dân, bảo đảm thông tin có hệ thống, đầy đủ, toàn diện, kịp thời, dễ dàng tra cứu.

Hội thảo lần này nối tiếp hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm thực hiện Luật Tiếp cận thông tin” diễn ra vào tháng 3/2019. Cả hai sự kiện đều được Liên minh Châu Âu hỗ trợ tài chính và do CEPEW, CARE,Oxfam phối hợp với Liên minh Đất rừng (FORLAND), Liên minh Khoáng sản, Liên minh Nước sạch và NorthNet (mạng lưới hơn 10 tổ chức xã hội ở miền núi phía bắc Việt Nam) đồng tổ chức. 
Hà Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực