Phát triển làng nghề hợp chuẩn với hội nhập quốc tế

Thứ ba, 31/10/2017 15:28
(ĐCSVN) – Đây là yêu cầu đặt ra cấp thiết với các làng nghề Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh sâu rộng như hiện nay.
Nghề thủ công truyền thông của Việt Nam đang chịu sức ép cạnh tranh rất lớn (Ảnh: P.V)

Thực tế, làng nghề có vị trí quan trọng trong nền kinh tế nước ta, đặc biệt là đối với khu vực nông thôn. Sự phát triển làng nghề góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, sử dụng và phát huy các nguồn lực về lao động, vốn và các nguồn lực khác trong nhân dân để phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa thành thị và nông thôn.

Theo kết quả điều tra làng nghề nông thôn của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2014, cả nước có 5407 làng nghề đang hoạt động, trong đó số làng nghề truyền thống được công nhận theo tiêu chí làng nghề hiện nay của Chính phủ là 1.748, thu hút khoảng 10 triệu lao động. Có nhiều làng tồn tại từ 500 đến 1.000 năm lại đây, trở thành những làng nghề tiêu biểu, được cả nước và thế giới biết đến, như lụa Vạn Phúc, tranh Đông Hồ, gốm sứ Bát Tràng…

Làng nghề tạo việc làm và cải thiện đời sống cho đông đảo cư dân nông thôn. Thu nhập bình quân của lao động làng nghề thường cao hơn lao động nông nghiệp từ 2 đến 3 lần. Làng nghề lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống vật thể và phi vật thể, đồng thời góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng nông thôn mới…Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, làng nghề ở nước ta còn tồn tại nhiều hạn chế đó là Chất lượng sản phẩm, hàng hóa của làng nghề còn thấp; thị trường chậm được mở rộng, chưa nghiên cứu sâu nhu cầu của người tiêu dùng. Đối với thị trường trong nước, làng nghề cũng chưa vươn tới nhiều vùng; với thị trường nước ngoài thì việc tiếp thị còn kém; chưa gắn kết được các khâu trong chuỗi giá trị từ thiết kế mẫu mã, cung ứng nguyên, phụ liệu, đến sản xuất và tiêu thụ. Đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi làng nghề chưa được quan tâm bồi dưỡng, phát huy đúng mức. Khoa học, công nghệ chưa được ứng dụng nhiều vào làng nghề. Tình trạng ô nhiễm tại làng nghề vẫn chưa được xử lý có hiệu quả. Việc liên kết giữa các cơ sở, giữa các làng nghề còn rất nhiều hạn chế….

Trong bối cảnh đó, một trong những giải pháp quan trọng góp phần khắc phục các hạn chế của làng nghề được các cơ quan quản lý nhà nước ưu tiên thực hiện đó là việc tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước nhằm giúp cho các doanh nghiệp, làng nghề mở rộng, phát triển, tìm kiếm các thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định và có giá trị cao bao gồm cả thị trường xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.

Quan trọng hơn nữa, cần tạo lập các sự kiện xúc tiến thương mại để thúc đẩy các hoạt động giao lưu kinh tế, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, sản phẩm làng nghề; giúp các doanh nghiệp sản xuất chế biến hàng nông sản, thủ công mỹ nghệ củng cố và khai thác thị trường; khuyến khích khả năng sáng tạo của các nghệ nhân, thợ thủ công nhằm nâng cao chất lượng, phát triển tinh hoa nghề thủ công truyền thống Việt Nam; góp phần bảo tồn, phát huy làng nghề truyền thống và ngành nghề mới phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế xã hội góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc; giới thiệu mô hình sản xuất nông nghiệp, làng nghề truyền thống.

Tuy nhiên, cần kíp nhất hiện nay vẫn là làm thế nào để sản xuất làng nghề truyền thống hợp chuẩn hóa với các nguyên tắc và quy định quốc tế để sản phẩm xuất khẩu hiệu quả, không có tình trạng bị trả lại vì chưa đáp ứng các yêu cầu, tiêu chí chung về kỹ thuật, về an toàn, về vệ sinh…

Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực