Tác động của TPP lên ngành chăn nuôi là không nhỏ

Thứ hai, 21/09/2015 16:07

(ĐCSVN) - Theo nhận định của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, hội nhập luôn mang lại cả cơ hội và thách thức cho các nước tham gia và ảnh hưởng gián tiếp tới những nước không tham gia qua quá trình này và ngành chăn nuôi của Việt Nam cũng sẽ chịu tác động không nhỏ trong quá trình hội nhập. Đặc biệt khi Hiệp đinh Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực.

 

 Ảnh minh họa (Ảnh: M.P)


Cạnh tranh gay gắt với nhà cung cấp nước ngoài

Theo Cục chăn nuôi, tổng giá trị sản xuất của toàn ngành chăn nuôi hiện đạt khoảng 140.000 - 150.000 tỷ đồng. Quy mô sản xuất chủ yếu là nhỏ lẻ, chỉ có khoảng 23.000 trang trại, ít hơn nhiều so với các quốc gia khác. Ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước phụ thuộc vào nhập khẩu tới 50% nguồn nguyên liệu. Ước tính mỗi năm chúng ta phải nhập trên 8 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, trị giá trên dưới 3 tỷ USD. Trong đó, các loại nguyên liệu giàu đạm như khô dầu đậu tương, bột xương thịt, bột cá nhập khẩu 90% và khoáng chất, vitamin nhập tới 100%.

TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR khẳng định: Ngành chăn nuôi của Việt Nam sẽ gặp phải sự cạnh tranh gay gắt của nhà cung cấp nước ngoài khi thuế nhập khẩu và các biện pháp phi thuế quan được cắt giảm và dỡ bỏ. Bởi ngành chăn nuôi của Việt Nam có sức cạnh tranh thấp, đa phần là hình thức chăn nuôi sản xuất nhỏ lẻ, phụ thuộc vào phần lớn vào việc nhập khẩu giống và thức ăn từ nước ngoài. Bên cạnh đó, tình trạng bệnh tật còn phổ biến, ý thức đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường còn nhiều yếu kém.

Đây là tình trạng điển hình trong khắp các phân ngành như chăn nuôi lợn, gà, đại gia súc, sữa và các sản phẩm từ sữa… Những đặc điểm này khiến cho năng suất và sản lượng của ngành chăn nuôi chưa cao, do đó thực phẩm từ các nước đặc biệt là Mỹ, Úc, New Zealand, Canada, Thái Lan… được nhập khẩu về ngày một nhiều. Chỉ tính riêng thịt gia cầm, trong năm 2014, Việt Nam đã nhập khẩu 95 triệu USD, chiếm gần 1 nửa kim ngạch nhập khẩu thịt các loại. Dự báo, sau TPP, xuất khẩu thịt lợn của Mỹ sang Việt Nam sẽ tăng gấp 43,2 lần năm 2014, từ 2,3 triệu USD lên 100 triệu USD/năm.

Theo Nghiên cứu của VEPR, sản xuất nhỏ lẻ, lệ thuộc nhập khẩu, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) thấp, liên kết lỏng lẻo dẫn đến năng suất thấp, sức cạnh tranh yếu, gây bất lợi cho thương mại khi hội nhập. Sản xuất trong nước sẽ bị thu hẹp do cạnh tranh chính đến từ các nước tham gia TPP, đặc biệt là ngành thịt. Người tiêu dùng và các nhà nhập khẩu sẽ được hưởng lợi nhất khi nền kinh tế hội nhập.

Trong một số kịch bẳn được đặt ra khi Hiệp định TPP có hiệu lực thì sản lượng của các ngành chăn nuôi đều giảm, ngoại trừ nhóm động vật sống. Trong đó, sản lượng phân ngành thịt các động vật khác (lợn, gia cầm,…) bị thiệt hại mạnh nhất. Đồng thời, sản lượng giảm cũng khiến cho cầu lao động trong các ngành chăn nuôi giảm rõ rệt, cả đối với lao động phổ thông và lao động có kỹ năng.

Giải pháp nào cho ngành chăn nuôi

Theo TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong bối cảnh chăn nuôi Việt Nam không thể nhanh chóng tổ chức quy mô sản xuất lớn như nhiều nước tham gia TPP thì chúng ta phải chấp nhận tổ chức các nông hộ nhỏ thành quy mô sản xuất lớn mới hy vọng giữ vững được thị trường trong nước.

Còn theo nhóm nghiên cứu VEPR, ngoài việc cải cách các yếu tố thương mại, phi thương mại cũng cần phải cải cách về điều kiện kỹ thuật. Trong khía cạnh ngành chăn nuôi, cần cụ thể hóa và đẩy nhanh quá trình thực hiện các đề án tái cấu trúc, các kế hoạch hành động. Bên cạnh đó, Nhà nước nên có định hướng rõ ràng hơn về thuế phí, đặc biệt trong khuyến khích áp dụng công nghệ cao, hợp tác xã kiểu mới. "Chăn nuôi ở quy mô nông hộ không nên được khuyến khích quá đà, các hỗ trợ cho nông hộ nên tập trung chủ yếu vào chuyển đổi từ nhỏ lẻ sang quy mô lớn nhờ liên kết thông qua hợp tác xã hoặc chuyển đổi sang các ngành nghề khác.

Ngoài ra, các giải pháp phát triển thị trường của doanh nghiệp cần được gắn liền với các chương trình quốc gia về khuyến khích tiêu dùng hàng nội địa, đặc biệt là những mặt hàng chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Cũng theo nhóm nghiên cứu VEPR, hiện nay vấn đề thiếu minh bạch thông tin thị trường cũng là một trong những cản trở lớn với các doanh nghiệp. Khả năng người tiêu dùng có thể phân biệt hàng thật, hàng có chất lượng với hàng giả, hàng kém chất lượng còn gặp khó khăn do thông tin về doanh nghiệp và trên nhãn mác sản phẩm không đầy đủ. Chính vì thế, cần đề xuất lập quy chuẩn về truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm ngành chăn nuôi, cho phép truy xuất được các thành phần, ngày sản xuất, vùng nuôi, trại giống… qua các giai đoạn của quá trình sản xuất, chế biến và phân phối.

Đặc biệt, nhiều chuyên gia cho rằng, sự gia tăng cạnh tranh từ hàng nhập khẩu, buộc ngành chăn nuôi phải tái cấu trúc mạnh mẽ để tăng hiệu quả nhằm tồn tại được trên thị trường. Trong đó, cần chú trọng đến vấn đề quy hoạch khu vực chăn nuôi và sản xuất, quy hoạch về vật nuôi, về phương pháp sản xuất và chuỗi giá trị. Tái cấu trúc cũng cần hướng ưu tiên vào các phân ngành hiện nay hoặc trong tương lai không phải đối mặt với cạnh tranh gay gắt từ hàng nhập ngoại do thói quen tiêu dùng (như các sản phẩm thịt tươi hoặc các sản phẩm mang tính đặc sản như gà thả đồi, lợn mán, lợn cắp nách…). Đồng thời, tăng cường liên kết chuỗi sản xuất, giúp giảm chi phí trung gian, ổn định đầu vào đầu ra…/.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực