Tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển

Thứ bảy, 10/02/2018 20:38
(ĐCSVN) - Đại hội VI của Đảng (tháng 12/1986) với phương châm nhìn thẳng sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật, Đảng ta đã thẳng thắn nhìn nhận những sai lầm, khuyết điểm trong nhận thức và thực tiễn quá trình xây dựng, phát triển kinh tế.

 

Ảnh minh hoạ (Nguồn: thoibaotaichinhvietnam.vn)

Đặc biệt là đối với kinh tế ngoài nhà nước, và khẳng định “Phải có chính sách mở đường cho người lao động tự tạo ra việc làm, kích thích mọi người đưa vốn vào sản xuất, kinh doanh, tiết kiệm tiêu dùng để tích luỹ, mở rộng tái sản xuất trên quy mô toàn xã hội”(1) Nghị quyết Đại hội VI chưa đưa ra phạm trù kinh tế tư nhân mà chỉ giới hạn kinh tế gia đình, kinh tế làm thêm của cán bộ công nhân viên nhà nước và dè dặt nói về kinh tế tư bản tư nhân được kinh doanh trong những ngành nghề, lĩnh vực mà Nhà nước cho phép. Nhưng, cũng là một bước đột phá mở ra con đường cho nền kinh tế nhiều thành phần phát triển, trong đó có kinh tế tư nhân.

Từ Đại hội VII (năm 1991) cho đến Đại hội XII, trong các nghị quyết Đại hội đều đề cập tới đường lối phát triển kinh tế nhiều thành phần, khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển. Đáng chú ý, Đại hội X (năm 2006) đã đưa ra chính sách: “Khuyến khích phát triển các doanh nghiệp tư nhân lớn, cho phép thí điểm thành lập các tập đoàn kinh tế tư nhân”(2). Đặc biệt, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã ra Quyết định số 15-QĐ/TW về việc cho phép đảng viên làm kinh tế tư nhân, đây là một quan điểm mới thể hiện sự nhất quán về lý luận trong chính sách phát triển kinh tế tư nhân của Đảng.

Với những đóng góp của kinh tế tư nhân vào sự phát triển của đất nước không thể phủ nhận, tới Đại hội XI (năm 2011) đã khẳng định” kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế”(3), tiếp tục nghiên cứu cơ chế chính sách để tạo điều kiện hình thành một số tập đoàn kinh tế tư nhân, thí điểm việc kết nạp những người là chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng (4) Đặc biệt, tại Đại hội XII, Đảng khẳng định: “kinh tế tư nhân là một động lực quan trọngcủa nền kinh tế”(5), khẳng định cần phải tiếp tục “Tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp tư nhân, làm động lực nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế”. Hội nghị Trung ương 5 khóa XII đã ra Nghị quyết 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xác định thêm một bước về vai trò, vị trí kinh tế tư nhân, trên cơ sở thay đổi cơ bản về tư duy, quan điểm, giải pháp để tạo ra bước phát triển mới cho khu vực kinh tế này.

Chính từ những quan điểm và giải pháp của Đảng về kinh tế tư nhân đã phần nào làm sáng tỏ, có tính khoa học và thực tiễn hơn về chủ nghĩa xã hội và kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và góp phần khơi dây tiềm năng to lớn trong dân để phát triển đất nước.

Qua hơn ba thập kỷ Đổi mới, kinh tế tư nhân nước ta đã phát triển mạnh mẽ, góp phần đưa nền kinh tế nước nhà tăng trưởng khá, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, tham gia tích cực hội nghị kinh tế quốc tế.

Bức tranh kinh tế tư nhân đã thay đổi khá ngoạn mục, nếu như tính đến cuối năm 1989, số xí nghiệp tư nhân có quy mô tương đối khá trong công nghiệp là 1.284 (tăng hơn 4 lần so với năm 1988) thì tính tới ngày 31/12/2016 số lượng doanh nghiệp lên tới 477.808 doanh nghiệp, liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỉ trọng 39 - 40% GDP; thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế, góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân và an sinh xã hội. Đó là mặt sáng, mặt ưu điểm của kinh tế tư nhân.(6)

Tuy nhiên kinh tế tư nhân nước ta còn nhiều hạn chế:

Một là, tuy đã xuất hiện nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân có tiếng như Vingroup, FLC,Trường Hải, Hoa Sen,  TH True milk... nhưng có đến 97% tổng số doanh nghiệp là doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó gần 60% là nhỏ, vốn ít, lao động và điều kiện kỹ thuật rất lạc hậu, sức cạnh tranh thấp.

Hai là, năng lực công nghiệp của khu vực kinh tế tư nhân (KTTN) trên thực tế là rất nhỏ và yếu, phần lớn là gia công lắp ráp, chế biến nông lâm hải sản dưới dạng thô là chủ yếu. Ngay các tập đoàn kinh tế tư nhân giàu lên nhanh chóng cũng bắt nguồn từ kinh doanh bất động sản, một số kinh doanh ngành dịch vụ. Do trình độ công nghệ thấp, các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân không chỉ không có khả năng chế tác công nghiệp mà cũng khó tham gia ngành công nghiệp hỗ trợ cho các doanh nghiệp lớn, nhất là các doanh nghiệp FDI.

Ba là, các doanh nghiệp tư nhân phần lớn vẫn hoạt động ở thị trường trong nước, rất ít doanh nghiệp tư nhân lớn vươn được ra thị trường nước ngoài với mức độ khiêm tốn. Ngay cả ở thị trường trong nước, dưới sức ép cạnh tranh gay gắt của hội nhập quốc tế, các doanh nghiệp tư nhân lớn cũng bắt đầu có xu hướng rút khỏi các ngành sản xuất công nghiệp, chuyển nhượng cho các doanh nghiệp nước ngoài. Sự rút lui này cũng diễn ra trong một số lĩnh vực dịch vụ như phân phối và bán lẻ.

Bốn là, kinh tế tư nhân nước ta phát triển kém bền vững. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, quý I/2017, cả nước có 26.478 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, song cũng có tới 23.904 doanh nghiệp đã giải thể, tương đương 10 doanh nghiệp khai sinh thì 9 doanh nghiệp khai tử. Về hiệu quả kinh doanh, theo số liệu của Ban Kinh tế Trung ương, tốc độ tăng trưởng GDP của kinh tế tư nhân có xu hướng giảm trong những năm gần đây (giai đoạn 2003-2010 là 11,93%; giai đoạn 2011-2015 là 7,54%), tỉ lệ thua lỗ, phá sản còn khá cao, bình quân giai đoạn 2007-2015 là 45%.(7)

Năm là, trong hoạt động kinh doanh, một số doanh nghiệp kinh tế tư nhân còn nhiều tiêu cực, vi phạm pháp luật. Đây là mảnh đất màu mỡ cho phát triển chủ nghĩa tư bản thân hữu, lợi ích nhóm, làm chệch hướng mục tiêu cổ phần hóa với quan điểm ”cổ phần hóa không phải là tư nhân hóa”, biến tài sản sở hữu nhà nước thành sở hữu tư nhân, tạo cho một số quan chức nhà nước giàu lên nhanh chóng, bất công xã hội gia tăng. Thời gian qua nổi lên các vụ án ngân hàng nghiêm trọng, các trạm BOT rối loạn, xây các chung cư cao tầng phá vỡ quy hoạch ở các đô thị lớn v.v… chính là hậu quả của hạn chế này của kinh tế tư nhân.

Trong một nền kinh tế đang chuyển đổi từ cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp còn đang bám rễ khá chặt sang kinh tế thị trường chưa hoàn chỉnh với những biến động kinh tế trong nước và thế giới thì những hạn chế trên đây cũng là bình thường. Song không vì những hạn chế của kinh tế tư nhân mà định kiến, cản trở nó phát triển, ngược lại Đảng và Nhà nước một mặt phải tạo động lực, mở cửa hơn nữa cho kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ, mặt khác phải hoàn thiện cơ chế, chính sách và biện pháp quản lý phù hợp nhằm ngăn chặn và đẩy lùi tiêu cực cả chủ thể quản lý và đối tượng quản lý, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, trong đó quan trọng nhất là kinh tế tư nhân phát triển bền vững.

Sự phát triển bền vững của kinh tế tư nhân cũng nằm trong mục tiêu phát triển bền vững của nền kinh tế quốc dân, bao gồm ba tiêu chí: tăng trưởng kinh tế (tăng doanh thu, lợi nhuận và thu nhập cho chủ đầu tư và người lao động) tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái.

Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp là một chức năng chủ yếu của quản lý nhà nước về kinh tế. Đối với doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp của khu vực kinh tế tư nhân, môi trường kinh doanh là khá rộng, rất phức tạp, bao gồm: môi trường vĩ mô, thuộc cấp độ toàn nền kinh tế quốc dân, môi trường tác nghiệp, môi trường vi mô.

Trong quản lý nhà nước đối với kinh tế tư nhân, chúng tôi tập trung vào môi trường vĩ mô, bao gồm các yếu tố: chính trị - hành chính -  luật pháp, kinh tế, khoa học công nghệ, thông tin, văn hóa-xã hội và môi trường tự nhiên. Môi trường này là sự tổng hòa giữa thị trường và quản lý của Nhà nước, là sự kết hợp giữa hai bàn tay vô hình và hữu hình, trong đó bàn tay hữu hình (quản lý nhà nước) giữ vai trò chi phối và quyết định. Nếu Nhà nước tạo được môi trường thuận lợi, lành mạnh thì sẽ tạo được động lực cho các doanh nhân mạnh dạn bỏ vốn đầu tư kinh doanh mà họ có lợi thế, buộc họ phải ứng xử theo đúng quy luật thị trường và cơ chế quản lý của Nhà nước, hạn chế tiêu cực ngay trong hoạt động của bản thân các doanh nhân. Ngược lại, nếu môi trường vĩ mô khập khiễng, thiếu lành mạnh, không thuận lợi thì doanh nhân, một là lợi dụng để làm việc sai trái, hai là không bỏ vốn ra đầu tư, quay về sống một cách thúc thủ, ba là tìm nơi đầu tư nước ngoài có môi trường kinh doanh thuận lợi hơn.

Về giải pháp khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân trong thời kỳ mới thì Nghị quyết 10/TW-NQ của Hội nghị Trung ương 5 khóa XII đã chỉ ra khá đầy đủ và toàn diện. Ở đây tôi muốn chỉ đề cập tới một số giải pháp nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển bền vững:

Thứ nhất, tiếp tục đổi mới tư duy lý luận, quan điểm về mối quan hệ giữa thị trường với quản lý nhà nước, giữa kinh tế tư nhân với kinh tế nhà nước. Qua hơn ba thập kỷ Đổi mới, tư duy về mối quan hệ giữa kinh tế thị trường và quản lý nhà nước nói chung đã được nhận thức một cách nhất quán theo hình ảnh “vỗ tay bằng hai bàn tay”, nhưng trong tư duy của một số nhà lãnh đạo, quản lý và đặc biệt trong xử lý thực tiễn thì vẫn coi nhẹ tác động của cơ chế thị trường và quá coi trọng vai trò can thiệp của Nhà nước vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân. Hiện tượng cấm đoán, cấp phép, ra các điều kiện kinh doanh vẫn rất tràn lan và nặng nề, sinh sôi nẩy nở giấy phép con, cháu, chắt, chút chít trong các ngành và địa phương, đang cản trở các nhà kinh doanh, chủ đầu tư, nhà lập nghiệp.... Hoặc theo Nghị định 94 vừa được Chính phủ ban hành, hiệu lực từ ngày 1/10, có 20 ngành nghề Nhà nước độc quyền, tức là tư nhân không được kinh doanh, cũng gây ra nhiều băn khoăn cho các nhà lý luận, nhà quản lý và doanh nhân vì không phù hợp với cơ chế thị trường, vi phạm quy định của WTO. TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng thời điểm hiện nay, cho ra đời một nghị định hướng dẫn về độc quyền nhà nước trong lĩnh vực thương mại là phản thị trường, cản trở cạnh tranh, đi ngược lại xu thế cải cách.(8)...Theo quan điểm chúng tôi: cái gì thị trường làm tốt thì để thị trường làm, nhà nước không can thiệp, cái gì tư nhân làm tốt thì kinh tế nhà nước không độc quyền, có thể cùng hợp tác và cạnh tranh trên thương trường bình đẳng..

Thứ hai, hoàn thiện xây dựng và thực thi pháp luật và chính sách đối với kinh tế tư nhân. Hội nghị Trung ương 5 khóa XII đã chỉ ra những hạn chế cả phía quản lý nhà nước và bản thân các doanh nghiệp kinh tế tư nhân như “thể chế về phát triển doanh nghiệp, doanh nhân còn nhiều bất cập. …Vi phạm pháp luật và cạnh tranh không lành mạnh trong kinh tế tư nhân còn khá phổ biến”... Như vậy, hoàn thiện xây dựng và thực thi pháp luật và chính sách đối với kinh tế tư nhân là một đòi hỏi cấp thiết. Thực tế trong quản lý nhà nước về kinh tế nói chung và đối với kinh tế tư nhân nói riêng không thiếu luật và chính sách nhưng vấn đề đặt ra là chúng được xây dựng sao cho phù hợp với đặc điểm phức tạp của kinh tế tư nhân, phù hợp với quy luật thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, đảm bảo chất lượng khoa học, thực thi công bằng, minh bạch, nghiêm minh.

Thứ ba, tạo lập môi trường thông tin thuận lợi cho kinh tế tư nhân hoạt động. Thông tin trên thế giới cũng như ở nước ta đang bùng nổ, các phương tiện thông tin hiện đại đang phát triển như vũ bão là thời cơ thuận lợi cho kinh tế tư nhân hoạt động và cải cách bộ máy quản lý nhà nước. Nhưng trên thức tế thông tin quản lý thì không được kịp thời, đầy đủ, sâu rộng, còn thông tin phản hồi từ doanh nghiệp thì bị sai lệch, bóp méo đã và đang gây khó khăn cho cả phía Nhà nước và doanh nghiệp, làm cho môi trường thông tin bị rối loạn. Một mặt phải tạo lập môi trường thông tin lành mạnh, trung thực, không dối trá, mặt khác thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa dịch vụ hành chính công để tiết kiệm thời gian, chi phí thực hiện các thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp. Các cơ quan quản lý nhà nước tạo lập các kênh tiếp nhận kiến nghị, phản ánh, thắc mắc, khiếu nại, tố cáo của dân và doanh nghiệp, tổ chức đối thoại giữa cơ quan quản lý nhà nước với người dân, doanh nghiệp nhằm nắm bắt và xử lý kịp thời các nhu cầu, nguyện vọng, vướng mắc liên quan đến phát triển kinh tế tư nhân.

Thứ tư, xây dựng bộ máy công quyền tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Đây là vấn đề rất lớn, vừa cấp bách, vừa lâu dài nhưng hiện tại còn rất bất cập. Như phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói:“Cho đến nay tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, kém hiệu lực, hiệu quả; chức năng, nhiệm vụ của một số tổ chức còn chồng chéo; cơ cấu bên trong chưa hợp lý…” từ đó vừa tốn kém chi thường xuyên cho hành chính công, vừa gây nhũng nhiếu đối với các chủ doanh nghiệp tư nhân.

Đây là vấn đề khó và rất phức tạp, nói nhiều mà làm chưa đem lại kết quả mong muốn. Theo chúng tôi cùng với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cần tinh giản bộ máy hành chính theo nguyên tắc: i) từ việc mà bố trí người phù hợp; ii) quy định chức năng, quyền và trách nhiệm cho từng cá nhân và tổ chức một cách rõ ràng; iii) kết hợp đào tạo chuyên môn với rèn luyện kỹ năng quản lý và phẩm chất đạo đức; iv) thi tuyển công minh và nghiêm túc; v) thưởng phạt nghiêm minh.

Ngoài bốn giải pháp đã nêu còn nhiều giải pháp thuộc quản lý nhà nước như bảo vệ môi trường sinh thái mà không ít các doanh nghiệp tư nhân vừa là nạn nhân, vừa là thủ phạm, đang đầu độc hàng tiêu dùng, bầu không khí, sông biển mà không chỉ doanh nghiệp hứng chịu mà cả cuộc sống toàn xã hội bị xuống cấp.

Quản lý nhà nước nhằm tạo ra môi trường thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển bền vững cũng là tạo nên một môi trường xã hội lành mạnh, yên bình, đáng sống, loại bỏ những hành vi bạo lực, gây rối loạn như những vụ “Cà phê Xin chào” hoặc “Chiếm lại vỉa hè”, hoặc chuyện Trưởng công an xã đá văng chậu cá của dân(9). Những chuyện như thế này vẫn còn diễn ra làm cho xã hội không yên. Phát triển nền kinh tế thị trường sôi động phải đi đôi với xây dựng một xã hội yên bình, đạo đức, văn minh.

 

Chú thích:

1. ĐCSVN: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1987, tr.23, 56, 60

2. ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 237

3,4. ĐCSVN: Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.209,60

5.ĐCSVN: Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII,Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016

6,7. Tạp chí Thương hiệu Việt, ngày 31/5/2017

8.Vneconomy.vn/11/2/2017.../du-kien-co-20-nganh-nghe-cam-tu-nhan-kinh-d...

9.VnExpress ngày 9/11/2016,10/9/2017,15/8/2917

GS.TS Hồ Văn Vĩnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực