Tọa đàm trực tuyến “Cha mẹ bình dị phi thường”

Thứ hai, 29/06/2020 14:50
(ĐCSVN) - Hưởng ứng Tháng Hành động Vì Trẻ em và Ngày Gia đình Việt Nam, ngày 28/6, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Tổ chức World Vision Việt Nam (Tầm nhìn Thế giới Việt Nam) và Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) phối hợp tổ chức sự kiện Livestream – toạ đàm trực tuyến với chủ đề “Cha mẹ bình dị phi thường”.
Các diễn giả tại tọa đàm trực tuyến (Ảnh: PV)

Chương trình nhằm trang bị cho cha mẹ những kỹ năng làm cha mẹ tích cực, trách nhiệm, đồng thời đóng góp vào phong trào bảo vệ trẻ em trên cả nước. Diễn giả của toạ đàm bao gồm: Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục trẻ em, bà Trần Thu Huyền - Trưởng Đại diện, tổ chức World Vision Việt Nam, bà Nguyễn Phương Linh - Viện trưởng Viện MSD, bố Sâu Lê Xuân Đức - Faebooker nổi tiếng với các ca khúc Bố con Sâu và đại diện cha mẹ - bà Đỗ Kim Phượng. Toạ đàm cũng có sự tham gia của các đại diện khác của Cục trẻ em, Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111, các chuyên gia trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em, đại diện lãnh đạo các tổ chức, cha mẹ và các cơ quan truyền thông.

Tại sự kiện, các diễn giả đã chia sẻ góc nhìn, chuyên môn và kinh nghiệm của mình trong lĩnh vực nuôi dạy con cái, qua đó khuyến khích cha mẹ, người chăm sóc trẻ áp dụng những kiến thức, kỹ năng giáo dục tích cực để con trẻ được lớn lên trong môi trường an toàn, tràn đầy tình yêu thương. Sự kiện cũng là cơ hội để tôn vinh những điều bình dị trong giao tiếp, ứng xử hàng ngày của cha mẹ nhưng lại có tác động phi thường lên sự phát triển toàn diện của con cái.

Đại đa số người dân Việt Nam trong những năm gần đây đã có sự thay đổi rõ rệt trong nhận thức, cụ thể là nhiều bậc cha mẹ đã rất nỗ lực tìm tòi, áp dụng những phương pháp giáo dục tiến bộ. Tuy nhiên, sự thay đổi nhận thức này vẫn chưađủ và chưa đồng đều. Theo kết quả Điều tra cơ bản ban đầu của World Vision Việt Nam (2018) tại 37 huyện, thuộc 14 tỉnh thành phố - địa bàn hoạt động của tổ chức, trong 11.738 bậc cha mẹ và người chăm sóc trẻ tham gia khảo sát, 37,8% vẫn thường xuyên áp dụng các hình thức trừng phạt thân thể với con cái; trong 4.523 trẻ từ 12 đến 18 tuổi tham gia khảo sát, 33.2% đã chịu những hình thức bạo lực thân thể khác nhau trong trong 12 tháng trước đó. Ngoài ra,theo khảo sát Tiếng Nói trẻ em của MSD năm 2019 với hơn 1.700 trẻ em tại 7 tỉnh thành phố, hơn 80% trẻ em từng chứng kiến các bạn và/hoặc anh, chị, em của mình bị người lớn xử phạt khi mắc lỗi. Trong đó, 73,6% từng bị đánh mắng trong gia đình.

Nhiều bậc cha mẹ và người chăm sóc trẻ vẫn sử dụng bạo lực trong dạy dỗ con cái dựa trên các quan niệm cũ như “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi" hay “Miếng ngon nhớ lâu, đòn đau nhớ đời”. Những tư duy, quan niệm về giáo dục con cái không còn phù hợp này để lại những hậu quả lâu dài, đáng tiếc lên sự phát triển toàn diện của trẻ, bao gồm: thể chất, tâm lý tình cảm, nhận thứcvà giao tiếp xã hội. Ngoài ra, đó còn là nguyên nhân chính gây ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái.

Thông qua hàng loạt các tình huống thực tế, các chuyên gia phân tích và đưa ra cách áp dụng phương pháp giáo dục tích cực, thay thế mọi hình thức trừng phạt thể chất và tinh thần đối với trẻ. Quá trình lắng nghe và tương tác cùng các diễn giả đã truyền cảm hứng cho người xem để thực hành những kỹ năng làm cha mẹ tích cực, bắt đầu từ những điều nhỏ bé.

Sự kiện diễn ra sôi nổi với sự tương tác giữa cha mẹ và các chuyên gia trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em. Đặc biệt, buổi livestream cũng giúp giải đáp thắc mắc, giúp cha mẹ và người chăm sóc trẻ hiểu rõ hơn về vai trò quan trọng và cách thức liên hệ tới Tổng đài Quốc gia về Bảo vệ Trẻ em 111.

“Tổng đài Quốc gia về Bảo vệ Trẻ em 111 là nơi mọi người dân có thể gọi đến để thông tin, thông báo, tố cáo, tố giác về tình trạng xâm hại, bạo lực trẻ em. Đây là cơ sở cho những can thiệp kịp thời và có hệ thống để bảo vệ trẻ em khỏi mọi hình thức bạo lực và xâm hại. Tổng đài vận hành dựa trên sự phối hợp ăn ý và hiệu quả giữa người dân, các cơ quan chức năng (công an) và chính quyền địa phương (UBND cấp xã, phường) để xác minh, từ đó cung cấp các dịch vụ bảo vệ trẻ em phù hợp nhất. Chính vì thế, tôi mong mỗi cha mẹ, người lớn và cả trẻ em, khi phát hiện bạo lực trong gia đình mình, hay hàng xóm, cộng đồng, nơi công cộng hãy là những người có trách nhiệm trong bảo vệ trẻ em: Hãy gọi điện ngay đến Tổng đài quốc gia về Bảo vệ Trẻ em 111, 24/7 và hoàn toàn miễn phí”, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng, Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhấn mạnh.

 

Hà Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực