Việt Nam tham gia Diễn đàn Chính trị Cấp cao (HLPF) tại New York

Thứ tư, 18/07/2018 16:57
(ĐCSVN) – Diễn đàn Chính trị Cấp cao (HLPF) bước sang tuần làm việc thứ hai. Đây là diễn đàn thường niên của Liên hợp quốc để các quốc gia trình bày báo cáo rà soát tự nguyện về quá trình thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).
Hình ảnh tại Diễn đàn (Ảnh: P.V)

Năm nay, Việt Nam là một trong số 48 quốc gia có báo cáo Rà soát tự nguyện quốc gia (VNR) trình bày tại Diễn đàn. Đại diện Chính phủ Việt Nam dẫn đầu là lãnh đạo Bộ Kế hoạch Đầu tư - cơ quan điều phối quốc gia về SDG và Nghị sự 2030, nêu tóm tắt kết quả chính của quá trình thực hiện Kế hoạch Quốc gia Việt Nam hướng tới SDGs, đồng thời chỉ ra những thách thức chính có thể gặp phải trong tương lai. Đại diện nhiều tổ chức xã hội Việt Nam đã đem tiếng nói của các nhóm yếu thế đến Diễn đàn.

Tuyên bố của các tổ chức xã hội tại Việt Nam đã nhấn mạnh để đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững như Việt Nam đã từng thành công trong việc thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDG), Chính phủ Việt Nam cần vượt qua nhiều thách thức, đặc biệt là sự bất bình đẳng – bao gồm bất bình đẳng giới và quá trình lề hóa các nhóm yếu thế tại Việt Nam, người khuyết tật và người dân tộc thiểu số. Không chỉ vậy, các thách thức trong quản lý tài nguyên thiên nhiên và môi trường  và vai trò của các tổ chức xã hội tham gia vào tiến trình thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững cũng được nêu trong Tuyên bố này.

Bà Lan Anh – Thành viên của Liên minh Người khuyết tật Quốc tế cho rằng: “Việc Quốc hội phê chuẩn Công ước Liên hiệp quốc về quyền của Người khuyết tật (NKT) là một bước tiến quan trọng trong việc đảm bảo quyền lợi của người khuyết tật và thể hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam với quốc tế và với cộng đồng NKT Việt Nam. Tuy nhiên cần có đầu tư cụ thể và hiệu quả của Chính phủ để NKT thực sự không bị bỏ lại phía sau, đặc biệt là các cơ hội về sinh kế, văn hóa và chính trị để NKT có thể tạo dựng được cuộc sống và giá trị của mình, công bằng và hoà nhập.”

Bà Minh Hằng – đại diện Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong Phát triển (CGFED) chia sẻ “Là một trong những quốc gia có nhiều thành tựu về thực hiện bình đẳng giới đã được ghi nhận, nhưng tình trạng bất bình đẳng giới vẫn đang tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau. Phụ nữ vẫn gặp nhiều rào cản trong thực hiện quyền của mình, như gáng nặng trong công việc chăm sóc không lương, phân biệt đối xử trong lao động, thu nhập, phụ nữ ở các nhóm yếu thế (như nhóm di cư, nhóm công nhân, vùng sâu vùng xa...) bị hạn chế trong tiếp cận thông tin về điều kiện, môi trường làm việc, cũng như các dịch vụ công nhạy cảm giới… Cần nhiều hành động mạnh mẽ hơn nữa để có thể giảm bất bình đẳng giới, hướng tới một Việt Nam phát triển công bằng và bền vững”.

Tuyên bố chung được nhiều tổ chức xã hội Việt Nam cùng xây dựng và đóng góp ý kiến, dựa trên kết quả khảo sát và hội thảo tham vấn quốc gia được Liên minh Hành động vì sự phát triển các tổ chức xã hội (CSA Việt Nam) tổ chức với sự tham gia của các thành viên của mạng lưới, các tổ chức về người khuyết tật và các tổ chức quốc tế. Bên cạnh đó, 28 tổ chức Việt Nam và quốc tế cũng đóng góp cho báo cáo Rà soát Quốc gia Tự nguyện (VNR) với điều phối chung của Liên minh Không để ai bị bỏ lại phía sau (LNOB) và ActionAid Việt Nam.

Bà Phương Linh, đại diện Liên minh Hành động vì sự phát triển các tổ chức xã hội (CSA Việt Nam) chia sẻ “Các tổ chức xã hội đóng vai trò then chốt trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững. Chúng tôi đánh giá rất cao việc đã được mời tham gia vào tiến trình thực hiện VNR tại Việt Nam và nhiều phản hồi của các tổ chức xã hội đã được ghi nhận vào báo cáo quốc gia. Chúng tôi kỳ vọng trong thời gian tới sẽ tiếp tục được tạo điều kiện và môi trường pháp lý thuận lợi đảm bảo cho các tổ chức xã hội được thực hiện đúng vai trò của mình, tham gia thực chất vào quá trình thực hiện, giám sát đánh giá, sát cánh bên nhà nước và khối tư nhân, góp phần giúp Việt Nam đạt được các thành công trong các mục tiêu phát triển bền vững”.

Thay mặt các tổ chức xã hội hoạt động về SDGs tại Việt Nam có mặt tại diễn đàn, bà Hoàng Phương Thảo – Trưởng Đại diện ActionAid Việt Nam cho rằng: “Song song với tỉ lệ người nghèo Việt Nam đang giảm chậm là sự bất bình đẳng xã hội tăng lên rõ rệt. Điều này cần Nhà nước can thiệp bằng các chính sách mạch lạc và không chồng chéo, tránh việc một chính sách giảm nghèo được thực hiện thì lại có chính sách khác đẩy nhiều hộ khác lâm cảnh khó khăn. Chúng tôi mong muốn các chính sách phát triển của Việt Nam hướng tới bền vững, cụ thể, có đầu tư rõ ràng và tôn trọng sự tham gia của toàn xã hội trong các chương trình thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững, bao gồm những người yếu thế, người dân tộc thiểu số và những cộng đồng bị bỏ lại phía sau khác.”

Diễn đàn Chính trị cấp cao về SDGs năm nay được tổ chức từ ngày 9-19/7/2018 tại New York với sự tham gia của hàng nghìn đại biểu từ tất cả các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, theo 13 nhóm vấn đề: Phụ nữ, Trẻ em và thanh niên, Người bản địa, Tổ chức Phi chính phủ, Chính quyền địa phương, Người lao động và Công đoàn, Doanh nghiệp và công nghiệp, Cộng đồng Khoa học và Kỹ thuật, Nông dân, Người cao tuổi,  Người khuyết tật, Tình nguyện viên, Giáo dục và giới hàn lâm. 

 

HNV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực