Áp dụng luật phá sản đối với các tổ chức tín dụng

Thứ tư, 20/01/2010 17:50

Áp dụng luật phá sản đối với các tổ chức tín dụng

(ĐCSVN)- Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Nghị định số 05/2010/NĐ-CP quy định việc áp dụng Luật Phá sản đối với các tổ chức tín dụng (TCTD) được thành lập và hoạt động theo Luật các TCTD.

Theo đó, TCTD không có khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu, sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có văn bản không áp dụng hoặc chấm dứt áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán hoặc chấm dứt áp dụng kiểm soát đặc biệt thì được coi là lâm vào tình trạng phá sản.

Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thẩm quyền tiến hành thủ tục phá sản đối với TCTD đã đăng ký kinh doanh tại cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh đó. Trường hợp TCTD có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam làm thủ tục phá sản thì tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi đặt trụ sở chính của TCTD đó có thẩm quyền tiến hành.

Những người sau có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với TCTD: Chủ nợ không có bảo đảm hoặc có bảo đảm một phần của TCTD; Người lao động làm việc trong TCTD; Chủ sở hữu của TCTD nhà nước, cổ đông của TCTD cổ phần. Đại diện hợp pháp của TCTD có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi nhận thấy tổ chức mình lâm vào tình trạng phá sản.

Trường hợp người nộp đơn không nộp tiền tạm ứng phí phá sản do Tòa án ấn định, người nộp đơn không có quyền nộp đơn, có Tòa án khác đã mở thủ tục phá sản đối với TCTD lâm vào tình trạng phá sản đó, hoặc có căn cứ rõ ràng cho thấy việc nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản không khách quan gây ảnh hưởng đến danh dự, uy tín hoạt động của TCTD, TCTD đang được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đặt trong tình trạng kiểm soát đặc biệt hoặc có quyết định áp dụng biện pháp phục hồi khả năng thanh toán đang có hiệu lực hoặc TCTD chứng minh được mình không lâm vào tình trạng phá sản thì Tòa án ra quyết định trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.

Hoạt động của TCTD sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản được tiến hành dưới sự giám sát, kiểm tra của Thẩm phán và Tổ quản lý, thanh lý tài sản. Kể từ ngày nhận được quyết định mở thủ tục phá sản, nghiêm cấm TCTD cất giấu, tẩu tán tài sản; thanh toán nợ không có bảo đảm; từ bỏ hoặc giảm bớt quyền đòi nợ; chuyển các khoản nợ không có bảo đảm thành nợ có bảo đảm bằng tài sản của doanh nghiệp. Nghị định cũng nêu rõ, sau khi nhận được quyết định mở thủ tục phá sản, các hoạt động của TCTD như cầm cố, thế chấp, chuyển nhượng, bán, tặng cho, cho thuê tài sản; Nhận tài sản từ một hợp đồng chuyển nhượng; Chấm dứt thực hiện hợp đồng đã có hiệu lực; Vay tiền; Bán, chuyển đổi cổ phần hoặc chuyển quyền sở hữu tài sản; Thanh toán các khoản nợ mới phát sinh từ hoạt động kinh doanh của TCTD và trả lương cho người lao động trong TCTD phải được sự đồng ý bằng văn bản của Thẩm phán trước khi thực hiện.

Nghị định cũng chỉ rõ, TCTD đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, TCTD khác cho vay đặc biệt, bảo hiểm tiền gửi Việt Nam hỗ trợ tài chính để phục hồi hoạt động kinh doanh trước thời điểm Tòa án thụ lý đơn, nhưng vẫn không phục hồi được mà phải áp dụng thủ tục thanh lý thì phải hoàn trả lại giá trị của khoản vay đặc biệt cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, TCTD khác, khoản hỗ trợ tài chính cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trước khi thực hiện thứ tự phân chia tài sản./..

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực