Chia sẻ các giải pháp thực hiện tái cơ cấu ngành thủy lợi

Thứ sáu, 18/12/2015 21:17
(ĐCSVN) - Sáng 18/12, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm tái cơ cấu ngành thủy lợi.

Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm tái cơ cấu ngành thủy lợi. (Ảnh: BT)

Báo cáo của Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) tại Hội thảo cho thấy, qua thời gian thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành thủy lợi đã đạt được những kết quả nhất định. Cụ thể, trên lĩnh vực thủy lợi nội đồng, đã xây dựng, ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy hoạch, thiết kế, thi công hệ thống công trình thủy lợi nội đồng; đánh giá tiêu chí thủy lợi trong xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, đã công nhận tiến bộ kỹ thuật về sản xuất kênh mương lưới thép vỏ mỏng, trạm bơm điện vùng đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, ngành đã xây dựng được 15 mô hình trình diễn về tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, phục vụ phương thức canh tác tiên tiến trong các dự án ODA. Hiện nay, diện tích áp dụng hệ thống canh tác lúa cải tiến SRI toàn quốc đạt 114.375ha.

Về phát triển tưới cho cây trồng cạn, ngành thủy lợi đã áp dụng đồng bộ trên diện rộng các giải pháp tưới tiên tiến tiết kiệm nước; khuyến khích phát triển công nghệ chế tạo để sản xuất, cung cấp dịch vụ cho tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống công trình thủy lợi. Tính đến tháng 7/2015, diện tích cây trồng cạn được áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước là 85.700ha.

Về kết quả giải pháp cấp, thoát nước phục vụ nuôi trồng thủy sản, ngành đã nghiên cứu xây dựng hệ thống thủy lợi với kênh cấp và thoát nước riêng biệt kết hợp với xử lý nước vào và nước thoát cho các khu sản xuất nông nghiệp khác nhau như chuyên lúa, chuyên tôm, nuôi tôm quảng canh và lúa, tôm với rừng, nuôi tôm sinh thái. Bên cạnh đó, nghiên cứu các giải pháp lấy nước mặn, nước ngọt phục vụ nuôi trồng thủy sản bảo đảm môi trường, xây dựng đề án giám sát chất lượng nước, thiết kế ô mẫu thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản tại Bạc Liêu, Kiên Giang, trong đó tập trung cấp thoát nước chủ động.

Tuy nhiên, theo Tổng cục Thủy lợi, quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Trong đó, một số địa phương chưa quan tâm đúng mức, chủ yếu giao trách nhiệm cho Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn triển khai thực hiện. Chậm đổi mới, hoàn thiện mô hình tổ chức và cơ chế chính sách quản lý khai thác công trình thủy lợi theo cơ chế thị trường. Công tác phòng, chống thiên tai còn bị động, nặng về giải pháp công trình, chưa quan tâm thích đáng đến giải pháp phi công trình, nâng cao nhận thức cộng đồng. Đồng thời, còn chậm chuyển giao và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ về tưới tiên tiến tiết kiệm nước, công nghệ mới, dự báo, cảnh báo, hiện đại hóa thủy lợi…

Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận và đưa ra các giải pháp thiết thực nhằm thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành thủy lợi. Trong đó, các đại biểu cho rằng, trong thời gian tới, cần ứng dụng các công nghệ tiên tiến để hoàn thành thủy lợi nội đồng gắn với chỉnh trang đồng ruộng phục vụ phương thức canh tác tiên tiến. Đổi mới phương thức hoạt động quản lý khai thác, triển khai thực hiện hiện đại hệ thống thủy lợi; thực hiện đặt hàng, đấu thầu quản lý khai thác công trình thỷ lợi ở các địa phương; rà soát, đánh giá mô hình tổ chức quản lý khai thác công trình thủy lợi vùng đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, cần hoàn chỉnh quy trình công nghệ tưới tiên tiến tiết kiệm nước cho một số cây trồng cạn chủ lực, có lợi thế ở các vùng miền; ưu tiên kinh phí đầu tư phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng và tưới tiên tiến tiết kiệm nước, tuyên truyền và phổ biến, nhân rộng các mô hình có hiệu quả ra thực tiễn.

Theo ông Yusuke Amano, Trưởng phòng Phòng Hợp tác quốc tế, Cục Quản lý nguồn nước và thiên tai, Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản, để giảm hiện tượng xói lở bờ biển, cần áp dụng các biện pháp can thiệp như: vận chuyển bùn cát ven biển, làm giảm sóng để ngăn rút cát thông qua đập phá sóng tách rời, đá ngầm nhân tạo; bổ sung cát vào bờ biển, tăng lượng trầm tích từ sông, ngòi; hạn chế nạo vét trầm tích từ dòng sông./.

Bùi Thủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực