Sản xuất nông nghiệp: Cần hoạch định hướng đi bền vững

Thứ sáu, 14/05/2010 14:48

 

Sản xuất nông nghiệp cần hướng tới
sự bền vững (Ảnh: P.H)

(ĐCSVN)Triển khai nhiệm vụ trong năm 2010, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát nhấn mạnh, mục tiêu của toàn ngành năm 2010 sẽ tiếp tục phát triển ổn định, bền vững sản xuất nông nghiệp, tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm, góp phần tích cực vào ổn định và tăng trưởng kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội cho khu vực nông thôn và nông dân.  

Tuy nhiên, để có sự phát triển bền vững đó cần phải hoạch định hướng đi lâu dài cho ngành nông nghiệp.

Sản xuất nông nghiệp vẫn còn manh mún

Sản xuất nông nghiệpngành phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thời tiết, thiên tai, dịch bệnh. Trong thời gian qua, mặc dù ngành nông nghiệp đã triển khai nhiều biện pháp để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng bến vững, song đến nay , nông nghiệp Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, phân tán. Do vậy, dẫn đến nhiều khó khăn trong việc hoạch định chiến lược cho sự phát triển bền vững.
Thêm vào đó, một vấn đề lớn mà không ngành hàng xuất khẩu nào không lo ngại trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn, các quốc gia, thị trường đều tìm cách áp dụng những quy định về hàng rào thuế quan cũng như chính sách bảo hộ phi thuế quan để giới hạn với các sản phẩm nhập ngoại. Trong khi đó, các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam vẫn đang trong tình trạng thiếu lợi thế cạnh tranh do những hạn chế trong năng lực sản xuất, chế biến và tạo dựng thương hiệu uy tín của từng mặt hàng cụ thể.

Nhiều yếu tố đầu vào khác trong sản xuất nông nghiệp cũng không ngừng tăng lên và theo dự báo tới đây mức tăng sẽ càng lớn, cộng thêm chênh lệch tỷ giá giữa đồng USD và đồng Việt Nam cũng là lý do khiến cho giá thành sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam bị đẩy lên, hiệu quả sản xuất thấp đi và tính cạnh tranh của sản phẩm càng trở nên bấp bênh.

Trong năm 2010, ngành nông nghiệp đã đề ra mục tiêu là đẩy mạnh sản xuất nhằm khôi phục đà tăng trưởng, góp phần ổn định và tăng trưởng kinh tế vĩ mô. Cụ thể, phấn đấu trong năm 2010, tốc độ tăng trưởng đạt 3-3,2%; giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng 4,5 - 4,6%; kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 16 tỷ USD; sản lượng thóc cả năm phấn đấu đạt khoảng 39 triệu tấn,....

Do đó, vấn đề lớn nhất của ngành nông nghiệp hiện nay là thay đổi tập quán sản xuất từ nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất chuyên nghiệp hơn, nếu không nông dân sẽ chịu nhiều thiệt thòi hơn và sản phẩm làm ra không được thị trường ưu chuộng.

Hoạch định hướng đi bền vững

Để tạo đà cho nông nghiệp Việt Nam tiếp tục phát triển ổn định, bền vững trong sản xuất, tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm, hiệu quả và sức cạnh tranh cao, góp phần tích cực vào ổn định và tăng trưởng kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội cho khu vực nông thôn và nông dân; chúng ta cần thay đổi tập quán sản xuất và có biện pháp đẩy mạnh sản xuất nhằm khôi phục đà tăng trưởng, góp phần ổn định và tăng trưởng kinh tế vĩ mô. Đồng thời đẩy mạnh sản xuất rau, hoa quả đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Cùng với đó, chúng ta phải đề cao hơn nữa vai trò của nhà nước. Trên thế giới hiện nay không có nước nông nghiệp nào hoặc vùng nông nghiệp nào giàu mạnh được nếu thiếu sự hỗ trợ thoả đáng của chính phủ. Muốn vậy, nhà nước phải có chính sách và quy hoạch phù hợp để phát triển ưu thế của nông nghiệp, cần tăng cường sự hỗ trợ và quản lý về phương tiện sản xuất, giá cả và phân phối cho lĩnh vực này.

Ngoài ra, vấn đề về nhân sự cho phát triển nông nghiệp trong tình hình mới cũng phải coi trọng, vì đây là đầu tàu thực hiện các chính sách về nông nghiệp. Đội ngũ này phải mạnh về nghiên cứu, quy hoạch, quản lý, sản xuất, thương mại và có khả năng huấn luyện cho nông dân những tiến bộ kỹ thuật, có sự dự báo chính xác nhu cầu thế giới để mở rộng thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp trong nước, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu ra của các sản phẩm nông nghiệp.

Với những giải pháp thiết thực, những chính sách và hoạch định phù hợp của Chính phủ sẽ góp phần để thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững trong nền kinh tế, tiến đến xoá đói, giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa nông thôn và thành thị./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực