Học bạ “đẹp”, điểm thi thấp, tại sao?

Thứ ba, 04/08/2020 12:30
(ĐCSVN) - Đến thời điểm này, các trường THPT, THCS trên địa bàn thành phố Hà Nội đã công bố điểm thi và kết quả tuyển sinh vào các lớp đầu cấp (lớp 10, lớp 6), năm học 2020-2021. Điều khiến dư luận chú ý là khá nhiều thí sinh có điểm tổng kết học bạ “đẹp như mơ” nhưng thực tế điểm thi lại rất thấp.
Bảng điểm một trường trung học cơ sở có học sinh điểm học bạ 10 môn toán nhưng điểm thi chỉ đạt 1.75. (Nguồn: giaoduc.net.vn) 

Như Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã thông tin, trong kỳ thi vừa qua, có đến hơn 1.200 học sinh có điểm học bạ 5 năm cấp tiểu học “toàn 10” cạnh tranh 180 suất vào lớp 6 Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam. Tại nhiều trường THPT và THCS khác ở Hà Nội cũng có nhiều thí sinh có điểm tổng kết học bạ “đẹp” với đa số là điểm 9, 10,... Thế nhưng, điểm thi tuyển đầu vào lại rất thấp, thậm chí, có thí sinh điểm tổng kết môn Toán trong học bạ là 10 nhưng kết quả thi chỉ đạt 1,75 điểm(?!).

Nhiều người cho rằng, việc chênh lệch giữa điểm học bạ và điểm thi là một thực tế tồn tại nhiều năm qua tại các kỳ thi tuyển sinh ở các cấp học. Chuyện “điểm số” vì vậy đã khiến không ít bậc phụ huynh và những người quan tâm đến giáo dục băn khoăn. Ngay ở kỳ thi trung học phổ thông quốc gia hàng năm, cũng có khá nhiều em học sinh có điểm tổng kết 7 - 8 điểm nhưng điểm thi cũng chỉ ở mức kém 2 - 3 điểm. Điểm học bạ và điểm thi thường chênh lệch nhau cũng là chuyện bình thường, nhưng đó là chênh nhau khoảng 1 - 2 điểm; còn nếu điểm học bạ 10 nhưng điểm thi chỉ đạt 5 - 6, thậm chí thấp hơn thì rõ ràng là một điều bất thường khiến nhiều người đặt nghi vấn. Vậy đâu là kết quả thực, trình độ thực của các em học sinh? Kết quả ghi ở những cuốn học bạ “đẹp” hay điểm thi của các em mới là thực?

Trao đổi về vấn đề này, cô giáo Phạm Thị Hạnh (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: Rõ ràng, học bạ đẹp không đồng nghĩa với năng lực thực sự của học sinh. Việc một số trường học dùng điểm học bạ trong việc xét tuyển học sinh vào trường (dù là sơ tuyển) đã khiến giáo viên có biểu hiện “lỏng tay” khi chấm điểm cho học sinh trong quá trình học tập. Mặt khác, kết quả thi, điểm học bạ của học sinh còn là vấn đề trực tiếp liên quan đến uy tín, “thương hiệu” của mỗi nhà trường. Đó là chưa kể đến việc không ít phụ huynh vì quá lo lắng cho việc học của con đã tìm mọi cách “gửi gắm”, “nhờ giúp đỡ” để các con có được điểm số như ý muốn.

Tuy nhiên, nói như vậy cũng không có nghĩa là những học sinh có học bạ “đẹp” là hoàn toàn tiêu cực, bởi rất nhiều em có bảng điểm đẹp, khi dự thi vào các trường chất lượng cao đã có kết quả thi khá cao. Hơn nữa, học sinh đạt điểm 9, 10 trung bình môn trên lớp kiến thức chỉ dừng lại ở mức cơ bản, trong khi thi vào các trường chất lượng cao, trường top đầu thì sẽ gặp nhiều đề thi ở dạng nâng cao, nếu không làm quen hoặc không được luyện thi từ trước đó thì bài thi cũng khó có thể đạt được điểm khá - cô giáo Hà Thanh chia sẻ thêm.

Về vấn đề này, chị Nguyễn Vân Anh ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho rằng, thực tế này phản ánh sự “vênh nhau” khá lớn trong đánh giá năng lực, trình độ của người học giữa kết quả quá trình học (được thể hiện bằng điểm số trong học bạ) với kết quả các môn thi do học sinh thực hiện khi tham gia kỳ thi tuyển sinh.

Anh Lê Văn Bình ở quận Đống Đa (Hà Nội) cho rằng, nên chăng, ngành giáo dục có thể nghiên cứu xem xét lại việc tuyển sinh bằng xét học bạ vòng 1 và bỏ cộng điểm học bạ khi tuyển sinh vào các trường tốp đầu vì kết quả này chưa hẳn đã phản ánh đúng thực chất năng lực của học sinh. Nếu không, sẽ khó loại bỏ tình trạng phụ huynh “tác động” giúp các con có được học bạ “đẹp” trong các năm học để được ưu tiên khi xét tuyển vào các trường tốp đầu.

Quan tâm đến kết quả học tập của các con, mong muốn con được học tập ở những cơ sở đào tạo có chất lượng là quyền và nguyện vọng chính đáng của mỗi bậc phụ huynh. Với mỗi em học sinh, kết quả thi tuyển đầu vào ở các lớp đầu cấp học là quan trọng. Song thiết nghĩ, điều quan trọng hơn là chúng ta – những bậc phụ huynh, các nhà trường hãy giúp các em sống thành thực, trước hết là thành thực với năng lực và trình độ của chính mình. Đó là cách để chúng ta dần loại bỏ “căn bệnh thành tích” ra khỏi môi trường giáo dục; đồng thời, xây dựng một thế hệ trẻ sống trung thực, có trách nhiệm./.

Phạm Minh Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực