Ngày 23/3, một bé gái 5 tuổi ở thị trấn Việt Quang, huyện Bắc Quang (Hà Giang) bị chó thả rông cắn trọng thương. Với 8 vết thương trên người, cháu được chuyển từ bệnh viện huyện lên Bệnh Viện Nhi Trung ương để điều trị. Ngoài cháu bé này, 3 người khác gồm 2 trẻ em và 1 người lớn cũng bị thương do con chó này tấn công.
|
Chó thả rông là nỗi bất an với bất cứ người đi đường nào. |
Trước đó, tầm giữa tháng 12/2023, một nữ công nhân trọ tại thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) tử vong do bị chó chủ nhà trọ tấn công trong lúc cho con vật này ăn. Hay trong dịp tết nguyên đán Giáp Thìn vừa qua, một cháu bé 7 tuổi ở Bắc Giang bị chính chó nhà bà ngoại tấn công khiến cháu bị thương nặng…
Theo thống kê của Bệnh viện Nhi Trung ương, chỉ trong vòng 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, gần 90 trường hợp trẻ em nhập viện cấp cứu do bị chó, mèo, khỉ, chuột, thỏ… cắn hoặc cào, nhiều em trong tình trạng đa vết thương toàn thân do chó cắn rất thương tâm. Ngoài ra, loại “thú cưng” này cũng gây ra sự tốn kém về tiền của và mang đến những cái chết vô cùng thương tâm do bệnh dại. Có nhiều trường hợp, một con chó dại khiến vài người tử vong, hàng chục người khác phải tiêm dự phòng bệnh dại, gây nỗi hoang mang sợ hãi cho cả trăm người khác. Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, trung bình mỗi năm nước ta có 82 người tử vong vì bệnh dại, có khoảng 500.000 người bị chó cắn phải đi điều trị dự phòng, gây thiệt hại khoảng 700 tỉ đồng. Năm 2023, cả nước ghi nhận 82 ca tử vong, 674.888 người phải điều trị dự phòng bệnh dại. Riêng 3 tháng đầu năm 2024 cả nước ghi nhận 27 ca tử vong do chó dại cắn.
Rõ ràng, việc nuôi chó mèo không đảm bảo các biện pháp an toàn gây thiệt hại vô cùng lớn cho xã hội; gây nỗi ám ảnh cho người dân mỗi khi ra đường. Hầu hết các sự việc đau lòng như tử vong do chó dại cắn, bị chó dữ tấn công dẫn đến thương tật,… đều xuất phát từ nguyên nhân người nuôi không sử dụng các biện pháp an toàn, không tiêm phòng bệnh dại cho chó.
Các quy định về đảm bảo an toàn đối với vật nuôi được cụ thể hóa rất rõ ràng tại Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021, Nghị định 04/2020/NĐ-CP của Chính phủ, Luật Chăn nuôi 2018, trong đó quy định rõ các mức phạt cho hành vi thả rông động vật nuôi trong đô thị hoặc nơi công cộng, hành vi không đeo rọ mõm cho chó, xích giữ chó khi ra đường; hành vi không bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, hành vi không tiêm phòng dại cho chó, mèo… Theo Bộ NN&PTNT, “tổng đàn chó, mèo của cả nước hiện đã lên tới gần 7 triệu con, trong khi chỉ có khoảng 30% được tiêm phòng dại, chó mèo cơ bản không đeo rọ khi ra đường”.
Con số 30% số chó mèo được tiêm phòng bệnh dại thể hiện sự chủ quan của nhiều người khi có vật nuôi trong nhà. Nhiều người cho rằng vật nuôi sẽ không cắn, không làm tổn hại đến ai, rằng mình nuôi cẩn thận, sạch sẽ vật nuôi sẽ không bị dại nên không tiêm phòng và đảm bảo các biện pháp an toàn an toàn khác. Ngoài ra, do mức phạt quá nhẹ so với hậu quả mà nó để lại khiến người ta dễ dàng coi thường pháp luật, bỏ qua các quy định về đảm bảo an toàn cho xã hội khi nuôi chó mèo. Theo các chế tài xử lý hiện nay, đối với hành vi thả rông động vật nuôi trong đô thị hoặc nơi công cộng, mức phạt là cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 – 500.000 đồng; phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng, không tiêm phòng dại cho chó, mèo…; khi để xảy ra hậu quả nghiêm trọng (chết người) sẽ bị xử phạt ở mức cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm do “vô ý làm chết người”…
Yêu thú cưng và nuôi các vật nuôi như chó, mèo… là việc pháp luật không cấm. Nhưng rõ ràng, vật nuôi gây nguy hiểm cho xã hội thì phải bị coi là hành vi coi thường tính mạng của cộng đồng, gây thiệt hại về vật chất và tinh thần của cộng đồng và xã hội.
Hơn nữa, việc thực hiện pháp luật chưa nghiêm minh đã dẫn đến sự “nhờn luật”, “coi thường luật”. Hiện nay, việc xử phạt các vi phạm lĩnh vực này được giao về các địa phương, tuy nhiên, nhân lực của các địa phương (xã, phường) khá mỏng, với hàng dãy dài các thủ tục hành chính khác phải xử lý, thì việc phát hiện, xử phạt các vi phạm về vật nuôi là rất khó và “không xuể”. Nhiều địa phương đã xây dựng lực lượng bắt chó thả rông, tuy nhiên nguồn lực kinh phí, con người bố trí cho lực lượng này cũng rất hạn chế, không có chuyên môn; gặp vật nuôi thả rông chạy ngoài đường cũng không biết của ai để phạt...
|
Lực lượng chức năng bắt chó thả rông "không xuể" bởi tình trạng này diễn ra khá phổ biến. |
Khó nhưng không phải không làm được, bởi để giải quyết, chủ yếu phụ thuộc vào ý thức của mỗi người. Mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh dại, trong đó yêu cầu tăng cường xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định pháp luật trong việc nuôi, quản lý chó, mèo; điều tra, truy tố, kiên quyết xử lý nghiêm đối với trường hợp không tuân thủ đúng quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng theo quy định của pháp luật; nhằm nhấn mạnh hơn nữa vào trách nhiệm của các cơ quan chức năng cũng như người dân trong tuân thủ luật pháp về đảm bảo trật tự an toàn xã hội.
Ngoài việc thực hiện tốt Công điện của Thủ tướng Chính phủ, bản thân mỗi dân cũng cần nâng cao ý thức, cân nhắc về việc có vật nuôi trong nhà. Mỗi người phải là một tuyên truyền viên, giám sát viên, nhắc nhở, yêu cầu những người nuôi phải đảm bảo các yêu cầu về an toàn. Dù ta là ai, làm bất cứ việc gì, cũng cần phải có ý thức trách nhiệm với xã hội và trên tinh thần tuân thủ pháp luật. Trước khi nuôi vật nuôi trong nhà, cần hiểu rằng, sở thích, thú vui của mình phải song hành với sự an toàn của cộng đồng và xã hội, không được làm ảnh hưởng tiêu cực đến những người xung quanh.
Đừng biến niềm vui của mình thành mối nguy hiểm. Đừng để “thú cưng” trở thành những “sát thủ”!
T. Huyền