Bỏ thói quen xài "Tiền chùa"!

Thứ hai, 04/11/2024 15:22
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - “Đẻ” chứng từ, “ăn chênh” hóa đơn, “ký khống” văn bản, “giả mạo” nét bút…là những cụm từ có lẽ đã không còn quá xa lạ với nhiều người trong ngôn ngữ thường ngày cũng như xuất hiện trong một số trích lục hồ sơ vụ án. Quy trình thanh quyết toán tiền ngân sách vẫn còn những lỗ hổng cần được khắc phục.

Tỉnh Cà Mau vừa có kết luận thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật và nhiệm vụ được giao giai đoạn 2020 - 2022 tại một số đơn vị thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, phát hiện một số dấu hiệu sai phạm gây thiệt hại cho ngân sách.

Theo đó, Chánh Thanh tra tỉnh ban hành quyết định thu hồi số tiền trên 1,5 tỷ đồng, trong đó Văn phòng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch bị thu hồi 696 triệu đồng, Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể thao tỉnh Cà Mau bị thu hồi 718 triệu đồng, Trung tâm Văn hóa tỉnh Cà Mau bị thu hồi 139 triệu đồng, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phú Tân bị thu hồi 17 triệu đồng.

Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể thao tỉnh Cà Mau, nơi thanh tra phát hiện một số sai phạm. (Ảnh: CTV)

Đồng thời chuyển hồ sơ có dấu hiệu tội phạm hình sự sang Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Cà Mau để xử lý theo quy định vụ lập chứng từ thanh toán khống số tiền 191 triệu đồng, xảy ra tại Văn phòng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; vụ việc ông Hứa Đức Trọng (huấn luyện viên) giả chữ ký để ký hợp đồng sử dụng vận động viên thể thao nhằm nhận tiền ăn và tiền lương tập luyện khống với số tiền 131 triệu đồng xảy ra tại Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể thao tỉnh Cà Mau.

Trước đó, ngày 14/12/2023, Tòa án Nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử 3 bị cáo nguyên lãnh đạo Trường Cao đẳng sư phạm Đắk Lắk; nguyên Phó Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công thương Việt Nam, phụ trách cơ sở Đắk Lắk do có hành vi vi phạm quy định về kế toán.

Cáo trạng nêu rõ các cá nhân trên đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, đồng phạm trong việc thực hiện hành vi giả mạo, khai man tài liệu kế toán, ký hồ sơ, chứng từ, lập hồ sơ thanh toán khống, nâng số lượng, khối lượng công việc, nâng số tiền để ước lượng, tạm tính lấy tiền chênh lệch… gây nhiều thiệt hại tài sản Nhà nước.

Kế toán là bộ phận có vai trò vô cùng quan trọng trong từng đơn vị, cơ quan, gắn liền với những con số, giấy tờ, sổ sách, do đó đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận và tập trung cao độ. Đương nhiên, người lập và người ký các phiếu thu, phiếu chi, biên lai thu tiền… phải chịu trách nhiệm về nội dung chứng từ kế toán.

Khoản 3, Điều 3, Chương I Luật Kế toán 2015 (Luật số: 88/2015/QH13 ngày 20 tháng 11 năm 2015) nêu rõ, chứng từ kế toán là những giấy tờ và vật mang tin phản ánh nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh và đã hoàn thành, làm căn cứ ghi sổ kế toán (ví dụ phiếu chi, phiếu thu, phiếu xuất - nhập kho, biên lai thu tiền…)

Theo quy định tại Luật Ngân sách nhà nước 2015, Thông tư 40/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính…, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt hoặc thiếu trách nhiệm làm thiệt hại đến nguồn thu ngân sách nhà nước; chi sai chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi, không đúng mục đích; tự đặt ra các khoản chi trái với quy định của pháp luật, lập khống hồ sơ, chứng từ rút tiền ngân sách… là các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực ngân sách nhà nước.

Trở lại với nội dung nêu trên, tham ô tài sản có thể hiểu là hành vi trái pháp luật hình sự do người đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, có năng lực trách nhiệm hình sự, có trách nhiệm quản lý tài sản thực hiện bằng việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý thành của riêng cho mình hay người khác.

Thuế là một trong những nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước và đương nhiên những người nộp thuế (cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp…) có quyền yêu cầu chi tiêu tài chính đúng quy định, hiệu quả và tiết kiệm.

Đời sống thực tế luôn phong phú đa dạng, không rõ vô tình hay cố tình mà các cá nhân có chức có quyền lại vận dụng luật một cách “sáng tạo và linh hoạt” hòng mang lại lợi ích cho bản thân và dĩ nhiên gây thiệt hại cho ngân sách.

Họ được đào tạo bài bản, thường xuyên được cập nhật quy định tài chính, có tên trong những đợt tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành…. Nắm luật, hiểu luật nhưng lại lách luật để kiếm chác, tư túi.

Hành vi lập, duyệt, chi chứng từ không có thật hoặc chỉ có một phần thông tin đúng sự thật của những người có quyền quản lý sổ kế toán là không hợp pháp, có thể bị xem xét xử lý hình sự về Tội tham ô tài sản được quy định tại Điều 353, Mục 1, Chương XXIII, Bộ luật Hình sự 2015 với mức phạt lên tới chung thân hoặc tử hình.

Do đó, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, sử dụng phần mềm kế toán nhiều cấp độ bảo mật, áp dụng chữ ký điện tử và chữ ký số…. là đòi hỏi tất yếu, khách quan của xã hội.

Quan trọng và quyết định nhất vẫn là yếu tố con người, đòi hỏi tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ và tuân thủ nghiêm các quy định tài chính.

Phải chấm dứt và loại bỏ ngay tư tưởng cũng như thói quen xài "Tiền chùa”!!!

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực