Gia đình ông Nguyễn Bắc Son đã nộp 21 tỉ đồng

Thứ hai, 23/12/2019 17:59
(ĐCSVN) – Gia đình ông Nguyễn Bắc Son đã nộp 21 tỉ đồng và thông tin thư ông Nguyễn Bắc Son gửi vợ là chứng cứ phải đưa vào hồ sơ vụ án; khởi tố vụ án hủy hoại rừng đặc biệt nghiêm trọng ở Đam Rông; Mỹ chưa quyết định về cuộc hội đàm ngoại trưởng 3 bên với Hàn, Nhật là những tin “nóng” hôm nay (23/12).

. Gia đình ông Nguyễn Bắc Son đã nộp 21 tỉ đồng

. Thư ông Nguyễn Bắc Son gửi vợ là chứng cứ phải đưa vào hồ sơ vụ án

Tiếp tục phiên toà xét xử vụ án Mobifone mua 95% cổ phần AVG, chiều nay (23/12), Hội đồng xét xử (HĐXX) cho biết đến, đến 16h 25 phút ngày 23/12, gia đình ông Nguyễn Bắc Son đã khắc phục được 21 tỉ đồng cho nhà nước.

Trước đó, trong phần đối đáp, đại diện VKS khẳng định ông Son đã viết thư, hai lần được gặp vợ con đề nghị nộp tiền khắc phục hậu quả song "gia đình không hợp tác".

Mở đầu phần đối đáp trong phiên sơ thẩm mở tại TAND Hà Nội, đại diện VKSND Hà Nội cho hay qua 6 ngày xét xử công khai, cựu bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son thừa nhận "bị truy tố là đúng".

leftcenterrightdel
Bị cáo Nguyễn Bắc Son. Ảnh: ĐỨC MINH

Trước việc luật sư nói ông Son thừa nhận là chỉ đạo xuyên suốt dự án nhưng không phải cầm đầu, chủ mưu, VKS cho rằng bản cáo trạng và luận tội chưa bao giờ quy kết ông Son cầm đầu. VKS chỉ đánh giá cựu bộ trưởng là người định hướng và chỉ đạo xuyên suốt dự án mua AVG.

Sáng cùng ngày, VKS có nhận được đơn thỉnh cầu của ông Son với nội dung thừa nhận là người đứng đầu, chỉ đạo xuyên suốt vụ án.

Quá trình bào chữa, nhiều luật sư cho rằng cơ quan điều tra, viện kiểm sát đã "bưng bít thông tin" khi không thông báo lá thư bị cáo Son viết gửi vợ mà lại đưa vào hồ sơ vụ án, dẫn đến việc khó khăn cho bị cáo Son trong việc khắc phục hậu quả.

Đối đáp nội dung này, đại diện VKS cho hay thư viết trong quá trình điều tra nhưng không phải thư tình mà là chứng cứ vụ án. Do vậy, tài liệu này phải được thu thập và đưa vào hồ sơ vụ án theo đúng quy định của pháp luật.

Theo cơ quan công tố, ông Son có ý thức khắc phục hậu quả nhưng gia đình không hợp tác. Cụ thể, ngày 14-3-2019, ông biết bản tự khai thừa nhận đã nhận 3 triệu USD của cựu chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ. Sau đó, ông Son viết thư gửi vợ với nội dung:

“Anh đã khai báo với CQĐT, Bộ Công an về việc sau khi hợp đồng mua bán trên đã hoàn tất, Phạm Nhật Vũ đã mang đến cho anh số tiền 3 triệu USD. Số tiền này anh đã gửi Huyền (Nguyễn Thị Thu Huyền, con gái  ông Son- PV) mang vào TP. HCM giữ cho anh.

Anh không nói gì về nguồn gốc số tiền trên với Huyền và em. Em thay anh báo cho Huyền sớm thu xếp trả lại cho nhà nước”- đại diện VKS trích lại một phần nội dung bức thư.

6 ngày sau, CQĐT đã mời bà Huyền tới làm việc với CQĐT Bộ Công an, thông báo nội dung lá thư. Tại biên bản đối chất ngày 14-6 giữa ông Son và con gái, bà Huyền thừa nhận ngày 20-3, bà được cơ quan CSĐT Bộ Công an mời đến trụ sở để làm việc.

“Nội dung là bị cáo Nguyễn Bắc Son, bố tôi, có gửi một bức thư cho vợ là bà Lê Thị Thuý (mẹ tôi). Do mẹ tôi sức khoẻ yếu nên cơ quan điều tra đã chuyển bức thư trên cho tôi đọc để chuyển tải nội dung cho mẹ tôi biết”- bà Huyền thừa nhận trong buổi đối chất.

Cơ quan điều tra mời vợ ông Son đến nhận thư song bà không tới mà uỷ quyền cho con gái. Sau cuộc gặp này, gia đình ông Son cũng không nộp tiền khắc phục hậu quả. 

Quá trình điều tra tiếp theo, ông Son vẫn tiếp tục trình bày ý kiến muốn khắc phục hậu quả và tự mình làm đơn xin khắc phục hậu quả. Ông Son tiếp tục đề nghị muốn được gặp vợ và con trai để trao đổi, thông báo về số tiền đã nhận bất hợp pháp từ Phạm Nhật Vũ.

Ngày 12-8, điều tra viên cho ông Son gặp vợ và con trai. Tại buổi gặp này, ông Son đề nghị gia đình giúp ông nộp tiền khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, vợ ông Son cho biết chỉ có cuốn sổ tiết kiệm hơn 2 tỉ đồng, đây là tiền của cá nhân bà, không liên quan đến ông Son.

Bà giữ số tiền này lại để sử dụng cá nhân và sẽ dùng để thuê luật sư bào chữa cho ông Son. Việc yêu cầu gia đình khắc phục hậu quả, gia đình không có khả năng thực hiện.

Thậm chí, quá trình điều tra, ông Son sau đó còn đề nghị điều tra viên, kiểm sát viên kê biên mảnh đất đứng tên ông ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội). Tuy nhiên, cơ quan điều tra và VKSND Tối cao thấy đây là đất hương hoả của tổ tiên để lại nên không kê biên.

"Việc bị cáo Son không nộp lại số tiền 3 triệu USD nhận của Phạm Nhật Vũ do gia đình không hợp tác để nộp như bản cáo trạng đã nêu là hoàn toàn chính xác”- đại diện VKS nêu rõ và khẳng định, việc luật sư cho rằng cơ quan điều tra bưng bít thông tin là không có cơ sở.

“Điều này thể hiện luật sư không đọc kỹ hồ sơ vụ án, hoặc luật sư cố tình không đưa ra hết các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án để phản ánh khách quan, đầy đủ, gây ra sự hiểu lầm trong dư luận về tính đúng đắn trong hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Có thể coi đây là sự tuỳ tiện trong cách đưa chứng cứ tại phiên toà, điều đó gây bất lợi cho thân chủ mà chính luật sư đang bào chữa”- Đại diện VKS nói.

Mặc dù các bị cáo phạm tội nhận hối lộ không trình bày bất cứ ý kiến tranh luận nào về tội danh bị truy tố nhưng VKS cho rằng có ý kiến băn khoăn của một số cho rằng lời khai của người đưa hối lộ có khách quan không, có dấu hiệu của sự mớm cung hay không?

Về nội dung này, đại diện VKS khẳng định lời khai đưa tiền cho bốn bị cáo của Phạm Nhật Vũ là đúng. Tuy nhiên, do thời gian đã lâu, ông Vũ rất nhiều lần chủ động đề nghị được cho xem tài liệu điều tra để chứng minh.

“Kết quả điều tra thể hiện cơ quan điều tra không mớm cung. Việc hỏi cung đã được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật”- đại diện VKS khẳng định.

Hơn nữa, nhiều bản cung có kiểm sát viên và có cả luật sư của Vũ cùng chứng kiến, bị cáo Vũ cũng đều khai như những bản cung trước đây.

Khởi tố vụ án hủy hoại rừng đặc biệt nghiêm trọng ở Đam Rông

Ngày 23/12, nguồn tin từ Hạt kiểm lâm huyện Đam Rông (tỉnh Lâm Đồng) cho biết, đơn vị đã ra quyết định khởi tố vụ án “Hủy hoại rừng trái pháp luật” tại tiểu khu 251 thuộc địa giới hành chính xã Đạ K’Nàng, lâm phần do Ban quản lý rừng phòng hộ Phi Liêng quản lý.

leftcenterrightdel
Hiện trường vụ hủy hoại rừng ở tiểu khu 251. 

Theo đó, ngày 9/9 vừa qua, Hạt kiểm lâm huyện Đam Rông nhận thông báo của quần chúng nhân về tình trạng hủy hoại rừng tại khu vực nêu trên.

Quá trình kiểm tra tại lô a, khoảnh 4, tiểu khu 251 kiểm lâm phát hiện có 3 đối tượng đang sử dụng 3 máy múc để múc bật gốc cây và cày xới đất. Thấy có đoàn kiểm tra xuất hiện, nhóm đối tượng lập tức bỏ chạy. Tuy nhiên, cơ quan chức năng xác định danh tính của những đối tượng này gồm: Hoàng Việt Hoàng (41 tuổi); hai người còn lại tên là Cường và Toàn (chưa xác định được đầy đủ họ tên) đều trú tại xã Đạ K’Nàng.

“Xác định đây là vụ vi phạm đặc biệt nghiêm trọng nên lãnh đạo Hạt kiểm lâm đã có báo cáo tình hình gửi lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chi cục Kiểm lâm đồng thời báo cáo cho UBND huyện, Huyện ủy để nắm bắt tình hình tiếp tục chỉ đạo”, trích báo cáo của Hạt Kiểm lâm huyện Đam Rông.

Kết quả kiểm tra diện tích rừng bị phá là 24.900 m2 thuộc đất rừng sản xuất, trạng thái rừng IIIa2.

Tại hiện trường, cơ quan chức năng còn phát hiện, đối tượng dùng cưa xăng cầm tay để cưa hạ và cắt những cây gỗ có đường kính từ 10 cm đến 50 cm thành từng lóng. Tổng khối lượng lâm sản khai thác trái phép được đo đếm là 44,150 m3.

Trong khi kiểm lâm đang hoàn tất thủ tục xin ý kiến cấp có thẩm quyền thì nhóm đối tượng đã đánh máy múc rời khỏi hiện trường. Tuy nhiên, nhóm này vừa di chuyển được khoảng 800 mét thì bị cơ quan chức năng phát hiện, đồng thời yêu cầu lái máy múc về trụ sở UBND xã Đạ K’Nàng nhưng 3 đối tượng không chấp hành.

“Sau khi ra quyết định khởi tố vụ án hủy hoại rừng, chúng tôi đã chuyển hồ sơ cho Công an huyện Đam Rông tiếp tục điều tra, xử lý theo đúng quy định của pháp luật”, một cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Đam Rông nói.

Mỹ chưa quyết định về cuộc hội đàm ngoại trưởng 3 bên với Hàn, Nhật

Yonhap đưa tin Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ngày 23/12 cho biết chưa có quyết định nào được đưa ra liên quan tới thông tin rằng Mỹ đang xúc tiến để tổ chức cuộc gặp các ngoại trưởng 3 bên với Hàn Quốc và Nhật Bản vào tháng tới.

leftcenterrightdel
Ngoại trưởng Mỹ Pompeo (giữa), Ngoai trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha (trái) và Ngoại trưởng Nhật Tosgimitsu Motegi (Nguồn: AFO). 

Bộ này cho biết sẽ tiếp tục liên lạc và hợp tác chặt chẽ với Mỹ, cũng như 3 bên với Mỹ và Nhật Bản ở mọi cấp độ bất cứ khi nào cần.

Trước đó, hãng Kyodo của Nhật Bản đưa tin Mỹ đang xem xét cuộc gặp giữa Ngoại trưởng nước này Mike Pompeo, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha và Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi tại San Francisco vào giữa tháng 1/2020.

Kyodo cho biết cuộc gặp dự kiến nhằm mục đích phối hợp các bước đi để đối phó với Triều Tiên.

Triều Tiên đã dọa sẽ thực hiện "hướng đi mới" nếu Washington không đưa ra một đề xuất mới vào cuối năm nay, để ngỏ khả năng Bình Nhưỡng có thể chấm dứt biện pháp ngoại giao và quay lại các hành vi khiêu khích, như phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa./.

PV (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực