Việt Nam có 6 đơn vị được làm xét nghiệm virus SARS-CoV-2

Thứ tư, 26/02/2020 23:16
(ĐCSVN) - Việt Nam có 6 đơn vị được làm xét nghiệm virus SARS-CoV-2; Thu giữ 6.800 viên ma túy tổng hợp từ Lào về Việt Nam; Biểu tình bạo lực leo thang tại Ấn Độ khiến nhiều người thương vong, là những tin nóng đáng chú ý trong ngày hôm nay (26/2).

Việt Nam có 6 đơn vị được làm xét nghiệm virus SARS-CoV-2

Xét nghiệm mẫu bệnh phẩm nghi nhiễm SARS-CoV-2. (Ảnh: Phan Sáu/TTXVN)

Ngày 26/2, Bộ Y tế đã có quyết định cho phép Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh được thực hiện xét nghiệm virus SARS-CoV-2.

Theo Quyết định số 640/QĐ-BYT của Bộ Y tế, hai đơn vị này có nhiệm vụ làm xét nghiệm sàng lọc và khẳng định bệnh COVID-19 theo các quy định hiện hành.

Như vậy, tính đến thời điểm này, Việt Nam có 6 đơn vị chính thức được làm xét nghiệm này bao gồm: Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới thành phố Hồ Chí Minh.

Thông tin từ Bộ Y tế cũng cho biết, một số bệnh viện khác cũng đang tiếp tục được Bộ Y tế xem xét, thẩm định và phải đáp ứng các yêu cầu về bảo đảm an toàn sinh học, nhân sự, cơ sở vật chất, trang thiết bị và thực hành, tăng cường năng lực, chất lượng hệ thống xét nghiệm... Trong thời gian tới, cả nước sẽ có khoảng 30 phòng xét nghiệm có thể xét nghiệm xét nghiệm virus SARS-CoV-2. 

Thu giữ 6.800 viên ma túy tổng hợp từ Lào về Việt Nam

Ngày 26/2, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Trị cho biết, lực lượng Phòng chống ma túy và tội phạm, Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (Bộ chỉ huy BĐBP Quảng Trị) đã phối hợp với Công an huyện Sê Pôn (tỉnh Savanakhet, Lào) triệt phá thành công 1 chuyên án ma túy lớn.

Hai nghi phạm người Lào khi bị bắt. Ảnh: Phan Phước Trung Nguyên 

Theo đó, qua quá trình điều tra, mật phục, vào lúc 10 giờ ngày 25/2, tại bản Đensavan, huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet (Lào), lực lượng Phòng chống ma túy và tội phạm (Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị) đã phối hợp với Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và Công an huyện Sê Pôn (Lào) bắt giữ 2 đối tượng gồm: A Xưa (26 tuổi) và A Híc (28 tuổi), cùng trú tại bản Đensavan, huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet (Lào). Tang vật thu giữ được 6.800 viên ma túy tổng hợp hiệu WY.

Mở rộng điều tra truy xét, khoảng 15 giờ ngày 25/2, các lực lượng chức năng tiếp tục bắt giữ thêm một đối tượng nằm trong đường dây ma túy là Hồ Văn Hiêm (17 tuổi, trú tại khóm Ka Tăng, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị).

Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị đã hoàn tất hồ sơ, bàn giao các đối tượng cùng tang vật cho Công an huyện Sê Pôn (Lào) để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định.

Biểu tình bạo lực leo thang tại Ấn Độ khiến nhiều người thương vong

Ngày 26/2, người đứng đầu bệnh viện ở thủ đô New Delhi cho biết đã có 20 người thiệt mạng và 189 người bị thương trong các vụ đụng độ giữa những người ủng hộ và phản đối Luật Quốc tịch sửa đổi (CAA) ở một số khu vực phía Đông Bắc thủ đô New Delhi trong hai ngày qua.

 Nạn nhân bị thương trong vụ đụng độ giữa những người biểu tình ủng hộ và phản đối Luật Quốc tịch sửa đổi (CAA) tại New Delhi, Ấn Độ, ngày 25/2/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Cùng ngày, Thủ hiến Delhi Arvind Kejriwal (A-vin Kê-ri-oan) đã kêu gọi Chính phủ Ấn Độ áp đặt lệnh giới nghiêm và triển khai quân đội tại các khu vực trong địa phận thủ đô, nơi xảy ra các cuộc bạo động gây chết người .

Thủ hiến Kejriwal cho biết ông đã liên hệ với nhiều quan chức chính phủ trong đêm 25/2, thông báo về tình hình đáng báo động khi cảnh sát không thể kiểm soát được an ninh. Ông cho rằng Chính phủ Ấn Độ cần ngay lập tức triển khai quân đội và áp đặt lệnh giới tại các khu vực xảy ra bạo động. Hiện ông đã đề xuất ý kiến này lên chính quyền trung ương. 

Luật Quốc tịch sửa đổi đã được hai viện Quốc hội Ấn Độ thông qua ngày 11/12/2019, cho phép nhập quốc tịch đối với những người thuộc các nhóm tôn giáo thiểu số của Pakistan, Afghanistan và Bangladesh nhập cư trái phép vào Ấn Độ trước ngày 31/12/2014. Tuy nhiên, người Hồi giáo không nằm trong diện này. Các cuộc biểu tình phản đối đạo luật trên đã biến thành bạo lực và lan sang nhiều trường đại học trên toàn Ấn Độ khi các sinh viên và người dân xuống đường phản đối chính phủ. Những người phản đối cho rằng đạo luật này vi hiến./

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực