Bình Thuận tích cực tuyên truyền Luật Biển Việt Nam cho ngư dân

Thứ tư, 07/02/2018 15:04
(ĐCSVN) – Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, hiện địa phương này có trên 1.500 tàu cá đủ điều kiện hoạt động trên các vùng biển xa. Trong 3 năm gần đây, số tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài là hơn 30 vụ.
Tàu cá của ngư dân Bình Thuận neo đậu tại TP.Phan Thiết 
 (Nguồn: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận)

Cụ thể, năm 2015 xảy ra 7 vụ/7 tàu cá/58 ngư dân; năm 2016 xảy ra 17 vụ/25 tàu cá/234 ngư dân; năm 2017 xảy ra 7 vụ/7 tàu cá/84 ngư dân. Trong đó, tàu cá vi phạm nhiều nhất là ở địa bàn thị xã La Gi và huyện Phú Quý. Tàu cá vi phạm chủ yếu là tàu cá làm nghề câu khơi và thu mua hải sản, các loại đánh bắt chủ yếu là các loại mực và cá có giá trị kinh tế cao gấp đôi.

Để ngăn chặn và chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài, các ngành chức năng của tỉnh Bình Thuận đang vào cuộc quyết liệt thực hiện các biện pháp ngăn chặn, xử lý đối với các đối tượng vi phạm.

Theo đó, Chi Cục Thuỷ sản Bình Thuận đã phối hợp với các đồn Biên phòng và Uỷ ban nhân dân các địa phương tổ chức tuyên truyền ở các địa phương có tàu thuyền vi phạm, để giúp ngư dân hiểu rõ quy định pháp lý và thiệt hại mà chủ tàu gánh chịu nếu vi phạm.

Ngoài ra, ngành chức năng của Bình Thuận còn tăng cường kiểm tra, kiểm soát tàu cá hoạt động từ khi xuất bến ra ngư trường khai thác hải sản đến khi nhập bến, chú trọng tàu cá có công suất lớn, khai thác hải sản xa bờ. Thu hồi giấy phép khai thác thuỷ sản, chứng chỉ thuyền, máy trưởng và tạm dừng chuyển quyền sở hữu trong vòng 6 tháng đối với tàu cá bị nước ngoài bắt giữ thả về.

Đồng thời không cấp giấy phép khai thác thuỷ sản vĩnh viễn, không cho đăng ký mới đối với chủ tàu cá đã từng vi phạm vùng biển nước ngoài bị nước ngoài bắt giữ, xử lý hoặc không giải quyết hỗ trợ theo quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ; không cho chủ tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài đăng ký hoặc đưa ra khỏi danh sách đăng ký đóng mới, nâng cấp tàu cá theo NĐ 67 và không giải quyết các chính sách theo Nghị định nói trên…

Tại thị xã La Gi, địa này cũng đang quyết liệt thực hiện các giải pháp ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân bị nước ngoài bắt giữ. Cụ thể lập danh sách tàu cá và ngư dân vi phạm để theo dõi, quản lý chặt chẽ, phê bình trước nhân dân nơi cư trú các trường hợp vi phạm vùng biển nước ngoài vừa qua của xã, phường để giáo dục, phòng ngừa chung. Yêu cầu các chủ tàu cá viết bản cam kết không xâm phạm trái phép vùng biển nước ngoài. Chi cục thủy sản Bình Thuận cũng đã tổ chức tập huấn, tuyên truyền về tình hình tàu cá, ngư dân La Gi vi phạm vùng biển nước ngoài cho gần 100 ngư dân là các chủ tàu và thuyền trưởng tàu cá hành nghề câu khơi trên địa bàn thị xã.

Ông Huỳnh Văn Thải - Phó Chi cục trưởng Chi cục thủy sản Bình Thuận cho biết, Chi cục đã phổ biến cho thuyền trưởng, chủ tàu các kiến thức về: Chủ quyền quốc gia trên biển; Các quy định của Chính phủ nước Việt Nam, cũng như luật xử lý của nước bạn đối với tàu khai thác vi phạm lãnh hải; Ý kiến chỉ đạo của tỉnh Bình Thuận về giảm thiểu và chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài; Đặc biệt lưu ý các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp. Đồng thời cho các chủ tàu và thuyền trưởng ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác thủy sản trái phép.

Trong năm qua, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận đã phối hợp với các đồn biên phòng tổ chức nhiều đợt tuyên truyền tác tuyên truyền, phổ biến được tổ chức với nhiều hình thức phong phú, phù hợp với đặc điểm nghề nghiệp, trình độ nhận thức của nhân dân lao động, nhất là tại các bãi ngang, xã ven biển, hải đảo và các điểm du lịch biển…Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận phối hợp với các đồn biên phòng tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, phổ biến về biển đảo, giúp ngư dân yên tâm bám biển. Riêng trong năm 2017, lực lượng biên phòng tỉnh Bình Thuận đã tổ chức gần 300 buổi tuyên truyền cho hơn 30.000 lượt cán bộ, quần chúng nhân dân, học sinh, sinh viên trên địa bàn khu vực biên giới biển của tỉnh về Luật Biển Việt Nam, các văn bản pháp luật về biển.

Các đồn biên phòng đã cử gần 1.500 lượt cán bộ bám địa bàn tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Từ đó, động viên ngư dân tích cực vươn khơi bám biển, sẵn sàng tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc; nêu cao ý thức trách nhiệm, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật khi hành nghề trên biển; nhất là không được xâm phạm vùng biển của các nước tiếp giáp để khai thác hải sản.

Được biết, vùng biển của tỉnh Bình Thuận có chiều dài bờ biển gần 192 km, vùng nước nội thuỷ rộng 21.600km2, địa bàn khu vực biên giới biển chủ yếu là bãi ngang, công tác quản lý, giám sát tàu cá hoạt động cũng như việc xác minh thông tin ngư dân bị bắt giữ ở vùng chồng lấn gặp rất nhiều khó khăn do lực lượng, phương tiện còn hạn chế./.

K.V

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực