Phòng chống lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật

Thứ sáu, 26/04/2024 15:15
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) – Đây là vấn đề được các đại biểu đặt ra Hội nghị tổng kết thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) tại Hà Nội do Bộ Tư pháp tổ chức, ngày 26/4, tại Hà Nội.

Công tác xây dựng, ban hành VBQPPL đi vào nền nếp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cho biết, trải qua hơn 08 năm thi hành, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế ở nước ta; qua đó tạo tiền đề cho việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh của đất nước.

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã phát huy hiệu quả, làm tăng tính khả thi, tính thống nhất, đồng bộ và kịp thời của hệ thống pháp luật; giúp quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật đi vào nền nếp ở cả Trung ương và địa phương; đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, nhất là phản ứng chính sách; huy động nhiều hơn trí tuệ của xã hội vào hoạt động xây dựng, hoàn thiện pháp luật; hạn chế việc ban hành thủ tục hành chính; hạn chế đáng kể, kịp thời phát hiện và xử lý các vấn đề trong công tác ban hành văn bản nhờ thực hiện nghiêm, đồng bộ hơn các khâu tiền kiểm (thẩm định, thẩm tra) và hậu kiểm (kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa); công tác tổ chức thi hành pháp luật ngày càng có chiều sâu.

 Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: TH.

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cho thấy Luật cần được nghiên cứu sửa đổi để đáp ứng các yêu cầu phát sinh từ thực tiễn, phù hợp hơn với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, nhất là sau đại dịch COVID-19, đồng thời nhằm thực hiện các mục tiêu hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hoàn thiện, đổi mới quy trình xây dựng pháp luật, xây dựng chính sách bảo đảm chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả và các mục tiêu hoàn thiện hệ thống pháp luật được Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII nêu tại Nghị quyết số 27/NQ-TW. Bên cạnh đó, các quy định của Luật cũng cần được nghiên cứu sửa đổi để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện hiệu quả công tác xây dựng, ban hành, tổ chức triển khai thi hành pháp luật.

Ngăn ngừa lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật

Tham luận tại Hội nghị, cơ bản nhất trí với những định hướng sửa đổi Luật, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Đỗ Đức Hiển đề nghị cần tiếp tục đơn giản hóa, giảm bớt tầng nấc, thu gọn đầu mối các cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật; làm rõ các phạm vi, vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương. Bên cạnh đó, nghiên cứu cải tiến cách thức đề nghị, soạn thảo, thẩm định, thẩm tra văn bản quy phạm pháp luật; khắc phục vướng mắc thời gian qua như những dự án luật chưa được Quốc hội thông qua trình tiếp như thế nào, ai trình; làm rõ trách nhiệm của từng chủ thể tham gia vào từng công đoạn để tạo chuyển biến căn cơ trong quá trình soạn thảo văn bản.

“Hoàn thiện cơ chế kiểm soát chất lượng VBQPPL, nhất là văn bản dưới luật, đặc biệt là thông tư; bổ sung cơ chế để xử lý, xem xét trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, văn bản trái pháp luật để chủ động ngăn ngừa tiêu cực, lợi ích nhóm trong quá trình xây dựng, soạn thảo văn bản”, ông Hiển nêu rõ.

Cục trưởng Cục kiểm tra VBQPPL, Bộ Tư pháp Hồ Quang Huy phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: TH. 

Theo Cục trưởng Cục kiểm tra VBQPPL, Bộ Tư pháp Hồ Quang Huy, để tăng cường kỷ luật kỷ cương, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cơ quan, người ban hành VBQPPL, phòng chống lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng VBQPPL, thời gian tới, cần nghiên cứu để quy định nguyên tắc về vấn đề xử lý trách nhiệm cơ quan, người ban hành văn bản trái pháp luật. Theo đó, cơ quan, người có thẩm quyền đã ban hành văn bản trái pháp luật phải chịu trách nhiệm về việc ban hành văn bản trái pháp luật gắn với động cơ, mục đích, hậu quả, gắn với vấn đề kiểm soát quyền lực, phòng chống lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật. Đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết vấn đề này.

Ngoài ra, cần có quy định giao cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, tham mưu việc quy định khắc phục hậu quả do ban hành và thi hành văn bản trái pháp luật gây ra.

Bà  Nguyễn Quỳnh Liên, Trưởng ban Dân chủ, giám sát và phản biện xã hội, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiến nghị xây dựng cơ chế cụ thể để việc lấy ý kiến tham gia xây dựng chính sách, pháp luật của MTTQ Việt Nam thực sự có hiệu quả với những hình thức và phương pháp thực hiện khoa học; phạm vi và hình thức tham gia tương xứng và phù hợp với vai trò, chức năng, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên và các tổ chức xã hội khác. Đặc biệt là phải công khai lấy ý kiến rộng rãi của nhiều đối tượng khác nhau trong xã hội, nhất là đối tượng liên quan trực tiếp, chịu tác động trực tiếp của văn bản, có như vậy, VBQPPL được ban hành mới có tính khả thi cao.

“Nghiên cứu xây dựng một mục riêng về phản biện xã hội trong Luật Ban hành VBQPPL để tạo lập cơ sở pháp lý chung và thống nhất, đồng bộ trong quy trình ban hành VBQPPL”, bà Liên đề xuất.

Nâng cao vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu trong xây dựng, ban hành VBQPPL

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long  phát biểu kết luận Hội nghị. Ảnh: TH.

Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh, Nghị quyết số 27-NQ/TW đặt ra nhiều yêu cầu đối với công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó có việc tiếp tục nghiên cứu đổi mới quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL. Theo đó, Bộ trưởng đề nghị tiếp tục nghiên cứu đổi mới quy trình xây dựng pháp luật theo hướng chặt chẽ nhưng có độ mở, độ linh hoạt nhất định để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; làm tốt từng khâu, đặt yêu cầu cao về chất lượng, bám sát và kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn kết hợp hiệu lực áp dụng trực tiếp.

Đồng thời, nghiên cứu để đưa ra các quy định nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo, tích cực gắn với vai trò, trách nhiệm của các chủ thể, đặc biệt là Chính phủ, nâng cao năng lực phản ứng chính sách, xử lý các vấn đề cấp bách phát sinh từ thực tiễn. Nâng cao vai trò và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong xây dựng, ban hành VBQPPL, nhất là trong việc soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa, hợp nhất và tổ chức thi hành pháp luật. Tiếp tục phát huy, bảo đảm dân chủ trên cơ sở tăng cường thu hút sự tham gia rộng rãi của chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, người dân, doanh nghiệp trong xây dựng pháp luật; đảm bảo tính tương thích với điều ước quốc tế, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng pháp luật.../.

Vy Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực