Hòa Bình: Khởi tố 36 bị can phạm tội về tham nhũng, kinh tế

Thứ sáu, 26/04/2024 16:28
(ĐCSVN) - 3 tháng đầu năm 2024, Công an tỉnh Hòa Bình đã khởi tố 22 vụ, 36 bị can phạm tội về tham nhũng, kinh tế, bằng 88% so với tổng số vụ khởi tố về tham nhũng, kinh tế năm 2023; xảy ra ở nhiều lĩnh vực như: Đầu tư công, đất đai, tài nguyên, đăng kiểm xe cơ giới, sát hạch lái xe, bảo hiểm xã hội, điện lực.
 Các bị cáo nguyên là lãnh đạo Đảng ủy, HĐND, UBND xã Xuất Hóa và một số cơ quan có liên quan của huyện Lạc Sơn phạm tội "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ” tại phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử sơ thẩm.

Trong thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh Hòa Bình thực hiện nghiêm túc và có những chuyển biến tích cực, đặc biệt là đẩy mạnh công tác phòng, ngừa, phát hiện, kiên quyết xử lý tội phạm về tham nhũng, kinh tế và thu hồi tài sản bị chiếm đoạt.

Năm 2023, các cơ quan tiến hành tố tụng đã điều tra khởi tố 25 vụ, 85 bị can phạm tội về tham nhũng, kinh tế, tăng 466,67% so với năm 2022; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng đạt 63,42%, trong đó có những vụ án thu hồi 100% tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt, đặc biệt là các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh theo dõi, chỉ đạo.

Trong 3 tháng đầu năm 2024, Công an tỉnh Hòa Bình đã khởi tố 22 vụ, 36 bị can phạm tội về tham nhũng, kinh tế, bằng 88% so với tổng số vụ khởi tố về tham nhũng, kinh tế năm 2023. Tội phạm và vi phạm pháp luật về tham nhũng, kinh tế trên địa bàn tỉnh xảy ra ở nhiều lĩnh vực như: Đầu tư công, đất đai, tài nguyên, đăng kiểm xe cơ giới, sát hạch lái xe, bảo hiểm xã hội, điện lực.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình nhận định: Nguyên nhân chủ yếu của các sai phạm là do một số nơi, người đứng đầu chưa quan tâm đúng mức đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số tổ chức Đảng chưa cao; một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý, thiếu tu dưỡng, rèn luyện, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội liên quan đến tham nhũng, kinh tế; việc thực thi pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có lúc, có nơi chưa nghiêm; công tác quản lý Nhà nước ở một số lĩnh vực còn bất cập, đặc biệt là việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đấu thầu, quản lý dự án đầu tư công, quản lý đất đai; hoạt động thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng có lúc, có nơi chưa thực sự được chú trọng, chưa phát huy hiệu quả trong phát hiện, phòng ngừa vi phạm về tham nhũng, kinh tế.

Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa tội phạm về tham nhũng, kinh tế trên địa bàn tỉnh, cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp tập trung triển khai, thực hiện đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các văn kiện của Trung ương, của tỉnh về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đặc biệt là các nhiệm vụ, giải pháp về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Thông báo Kết luận số 12-TB/TW, ngày 06/4/2022 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tăng cường quản lý, kiểm tra các hoạt động đấu thầu mua sắm trang thiết bị từ nguồn ngân sách Nhà nước; công tác quản lý thuế, giám sát chặt chẽ đối với các doanh nghiệp không có hoạt động sản xuất kinh doanh, không có hoạt động mua hàng đầu vào mà chỉ có hoạt động xuất hóa đơn đầu ra, hoặc số lượng xuất hóa đơn đặc biệt lớn. Trong hoạt động đăng ký thành lập doanh nghiệp, có các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn việc các đối tượng sử dụng giấy tờ người khác để thành lập doanh nghiệp. Siết chặt việc thực hiện các quy định của pháp luật về định danh đối với số điện thoại, tài khoản ngân hàng để hạn chế, ngăn chặn việc sử dụng sim rác, tài khoản không chính chủ thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trên lĩnh vực thuế và hóa đơn.

Nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai; rà soát lại các quy định nội bộ về phân công nhiệm vụ đối với công chức, viên chức, người lao động tại các Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai theo hướng quy định rõ vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của cán bộ, công chức là người đứng đầu, viên chức quản lý khi thi hành công vụ trong lĩnh vực đất đai; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm chủ động phát hiện các vi phạm trong lĩnh vực quản lý đất đai nói chung và công tác thu hồi đất, giao đất nói riêng, để kịp thời chấn chỉnh và phòng ngừa sai phạm ngay từ cơ sở. Rà soát toàn bộ các dự án được giao, cho thuê đất rừng trên địa bàn tỉnh để phát hiện, chấn chỉnh sai phạm (nếu có); đồng thời thống kê, rà soát lại toàn bộ diện tích, vị trí chồng lấn giữa 03 loại rừng, các vị trí có tranh chấp ranh giới giữa các đơn vị hành chính và với các dự án đầu tư, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về đất đai...

Tăng cường giám sát, đánh giá đầu tư, nhất là đối với các dự án sử dụng diện tích đất lớn, những dự án sau khi có chủ trương nhưng không triển khai thực hiện, chậm triển khai, đầu tư không hiệu quả, có dấu hiệu lợi dụng chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đối với ngành nghề và địa bàn được ưu đãi để trục lợi. Xây dựng phương án đảm bảo nguồn lực triển khai thực hiện nhóm tiêu chí hạ tầng kinh tế - xã hội trong chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, tránh nợ đọng. Việc huy động đóng góp xây dựng Nông thôn mới phải công khai, minh bạch, tránh tình trạng chạy theo “thành tích” mà huy động quá sức dân, thu trái quy định, dẫn đến sai phạm của cán bộ và bức xúc trong Nhân dân. Các dự án thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia phải công khai, minh bạch, lựa chọn khách quan, sát nhu cầu của người dân và được Nhân dân giám sát thực hiện./.

Vương Hùng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực