Bỏ quy định về cấp phiếu Lý lịch tư pháp thứ 2?

Thứ sáu, 11/08/2017 17:31
(ĐCSVN) - Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 13, sáng 11/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lý lịch tư pháp (LLTP).

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu tại phiên họp (Ảnh: TTXVN)

Trình bày Tờ trình về dự luật, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết: Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật LLTP dự kiến sửa đổi 15 điều; bổ sung 03 điều; bãi bỏ 07 điều, 01 khoản; giữ nguyên 34 điều, tập trung sửa đổi, bổ sung một số nội dung nhằm cập nhật các quy định mới được ban hành sau Luật LLTP hiện hành, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong hoạt động xây dựng, quản lý Cơ sở dữ liệu LLTP; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác LLTP nhằm tăng tính khả thi giải quyết công việc của các cơ quan nhà nước; cải cách thủ tục cấp Phiếu LLTP nhằm tạo thuận lợi, đáp ứng tốt nhất yêu cầu cấp Phiếu LLTP của cá nhân, cơ quan, tổ chức.

Đề nghị quy định lý lịch tư pháp của pháp nhân thương mại

Thẩm tra dự luật, Ủy ban Tư pháp cho rằng, phạm vi, nội dung sửa đổi, bổ sung như dự thảo Luật chưa đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đặt ra.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phân tích: Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 đã được sửa đổi căn bản với việc bổ sung quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại. Theo đó, cùng với việc phải chịu trách nhiệm hình sự về 33 tội danh thì chủ thể này cũng đồng thời có quyền yêu cầu xác nhận tình trạng án tích, nhằm tạo điều kiện tham gia các quan hệ kinh tế và giao dịch khác. Điều 89 của BLHS 2015 quy định pháp nhân thương mại bị kết án có đủ điều kiện thì đương nhiên được xóa án tích. Điều 446 của BLTTHS 2015 cũng quy định: “trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận yêu cầu pháp nhân được đương nhiên xóa án tích và xét thấy có đủ điều kiện quy định tại Điều 89 của Bộ luật Hình sự thì Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm vụ án cấp giấy chứng nhận pháp nhân đã được xóa án tích”.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh: “Tuy vậy, Tờ trình và dự thảo Luật lại không đặt vấn đề bổ sung quy định đương nhiên xóa án tích đối với pháp nhân thương mại”.

Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Luật LLTP thì một trong các mục đích quan trọng của quản lý LLTP là hỗ trợ hoạt động tố tụng hình sự và thống kê tư pháp hình sự. Theo quy định của BLHS 2015, thì án tích là một trong các tình tiết xác định cấu thành tội phạm, tái phạm, tái phạm nguy hiểm. Trong số 33 tội danh thuộc phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại thì có tới 17/33 tội danh quy định tình tiết “đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm” là tình tiết định tội, trong đó có 14/17 tội danh đồng thời quy định tình tiết tái phạm nguy hiểm ở khung hình phạt tăng nặng; có 11/33 tội danh quy định tình tiết tái phạm nguy hiểm ở khung hình phạt tăng nặng. Vì vậy, việc xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP của pháp nhân thương mại để hỗ trợ hoạt động tố tụng hình sự là rất cần thiết.

Xuất phát từ yêu cầu trên, UBTP cho rằng, việc nghiên cứu, bổ sung quy định về án tích của pháp nhân thương mại vào dự thảo Luật là yêu cầu bắt buộc. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, việc bổ sung nội dung trên là chưa thể thực hiện được. Bởi vì, theo quy định tại Điều 2 Luật LLTP, thông tin về LLTP bao gồm án tích và tình trạng thi hành án. Theo đó, các thông tin về tình trạng thi hành án đối với pháp nhân thương mại và nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong việc cung cấp thông tin về thi hành án phải được quy định trong Luật Thi hành án hình sự…

Từ các lý do trên, để bảo đảm tính đồng bộ, tránh việc phải sửa đổi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của LLTP ngay sau khi Luật mới được thông qua để phù hợp với Luật Thi hành án hình sự, Uỷ ban Tư pháp đề nghị UBTVQH cân nhắc giao cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, chuẩn bị dự án Luật LLTP (sửa đổi) để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 và thông qua tại kỳ họp thứ 7.

Phiếu LLTP số 2 bị lạm dụng?

Theo quy định của Luật LLTP năm 2009, Phiếu LLTP số 2 cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng và cấp theo yêu cầu của cá nhân để người đó biết được nội dung về LLTP của mình. Để giải quyết tình trạng lạm dụng Phiếu LLTP số 2 hiện nay, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp và bí mật đời tư của cá nhân, không làm ảnh hưởng tới ý nghĩa nhân đạo của chế định xóa án tích, dự thảo Luật bỏ quy định về cấp Phiếu LLTP số 2.

Về vấn đề này, đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra cho rằng, việc bỏ quy định về Phiếu LLTP số 2 cần hết sức cân nhắc. Theo Chủ nhiệm Lê Thị Nga, Phiếu LLTP số 2 cung cấp đầy đủ các thông tin về án tích của người được cấp phiếu, theo đó trường hợp người đã được xóa án tích thì Phiếu LLTP số 1 ghi “Không có án tích” nhưng Phiếu LLTP số 2 thì phải ghi đầy đủ án tích đã được xóa. Việc cấp phiếu LLTP số 2 cho cơ quan tiến hành tố tụng để hỗ trợ hoạt động điều tra, truy tố, xét xử là cần thiết và thực tiễn thi hành Luật LLTP thời gian qua không có vướng mắc.

Bên cạnh đó, cơ quan thẩm tra cho rằng, theo quy định tại Luật LLTP năm 2009 thì việc cấp Phiếu LLTP số 2 theo yêu cầu của cá nhân là để người đó biết được nội dung về LLTP của mình, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin. Việc sử dụng Phiếu LLTP số 2 vào các giao dịch cụ thể do cá nhân được cấp phiếu quyết định và tự chịu trách nhiệm về quyết định này. Mặt khác, nếu bỏ quy định về cấp Phiếu LLTP số 2 thì cũng có thể sẽ gây khó khăn và ảnh hưởng đến quyền lợi của chính công dân Việt Nam. Bà Nga cho biết, thực tế, trong số đối tượng xin cấp Phiếu LLTP số 2 thì chỉ có một số rất nhỏ đã từng có án tích có thể gặp bất lợi, nên không thể vì bảo đảm bí mật thông tin của số ít đối tượng này mà ảnh hưởng đến quyền lợi và nhu cầu chính đáng của đa số công dân không có án tích có nhu cầu du học, kết hôn với người nước ngoài, xuất khẩu lao động hoặc định cư ở nước ngoài. Hơn nữa, quy định về hai loại phiếu LLTP là phù hợp với thông lệ quốc tế, nhiều quốc gia quy định từ 2 - 4 loại phiếu LLTP tùy theo đối tượng được cấp như cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân hoặc theo mục đích sử dụng, trong đó có mẫu phiếu chỉ cấp cho các cơ quan tư pháp .

Bên cạnh đó, dự thảo Luật thay quy định cấp Phiếu LLTP số 2 bằng quy định cung cấp "Thông tin LLTP” theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, những nội dung Thông tin LLTP thực chất là toàn bộ thông tin của Phiếu LLTP số 2. Theo phân tích, quy định này sẽ mở rộng hơn chủ thể yêu cầu cung cấp Thông tin LLTP, vừa không đáp ứng yêu cầu bảo vệ bí mật đời tư của công dân, vừa không bám sát quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật được nêu trong Tờ trình là "không cổ súy, tiến tới thu hẹp dần phạm vi các lĩnh vực yêu cầu phải có Phiếu LLTP trong thủ tục hành chính”….

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, vì còn nhiều ý kiến khác nhau nên cơ quan soạn thảo và Ủy ban Tư pháp cần bàn bạc, làm rõ những nội dung này sau đó báo cáo lại Chủ tịch Quốc hội.

Cũng trong phiên làm việc sáng nay, UBTVQH cho ý kiến về tổng kết việc thực hiện thí điểm trang phục xét xử của Thẩm phán Tòa án nhân dân theo quy định tại Nghị quyết số 1214/2016/NQ-UBTVQH13 và việc thực hiện thống nhất trang phục xét xử của Thẩm phán Tòa án nhân dân trên phạm vi cả nước. Với đa số phiếu tán thành, UBTVQH đã thông qua Nghị quyết về việc thực hiện thống nhất trang phục xét xử của Thẩm phán các Tòa án nhân dân./.

 

Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực