Mở rộng đối tượng tham gia hoạt động viễn thông từ ngày 1/7

Thứ năm, 01/07/2010 10:30

Ngày 1/7, Luật Viễn thông Việt Nam có hiệu lực với 10 chương, 63 điều quy định về hoạt động viễn thông bao gồm: đầu tư, kinh doanh viễn thông, viễn thông công ích, quản lý viễn thông; xây dựng công trình viễn thông; quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động viễn thông

Điểm nổi bật của Luật viễn thông là cho phép tổ chức, cá nhân đều có thể tham gia hoạt động viễn thông trong đó có hoạt động đầu tư xây dựng hạ tầng và bán lại dịch vụ. Luật Viễn thông không loại trừ việc tham gia của bất cứ tổ chức nào, kể cả hợp tác xã, nếu đáp ứng được các quy định của Luật Doanh nghiệp. Do đó, tùy thực tế sẽ có hướng dẫn để chủ thể này có thể tham gia hoạt động viễn thông như các chủ thể khác.

Điều 45 Luật Viễn thông cũng quy định bắt buộc chia sẻ cơ sở hạ tầng đối với các phương tiện viễn thông thiết yếu, bắt buộc chia sẻ trong một số trường hợp khẩn cấp phục vụ lợi ích công cộng, quốc phòng, an ninh. Luật cũng quy định các doanh nghiệp viễn thông phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nhất là cột anten, nhà trạm, cống, bể cáp… thông qua hợp đồng trên cơ sở tự nguyện và lợi ích thương mại giữa các doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, rút ngắn thời gian triển khai và bảo vệ cảnh quan, môi trường.

Về bảo đảm chất lượng dịch vụ, Luật quy định doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ không đúng thời gian và chất lượng theo hợp đồng đã giao kết với người sử dụng dịch vụ viễn thông phải hoàn trả một phần hoặc toàn bộ giá cước đã thu.

Với 8 chương, 49 điều, Luật Tần số Vô tuyến điện (TSVTĐ) quy định về quản lý, sử dụng tần số vô tuyến điện, thiết bị vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh và quản lý an toàn bức xạ vô tuyến điện, tương thích điện từ; quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia quản lý, sử dụng tần số vô tuyến điện. Luật quy định, tổ chức, cá nhân sử dụng tần số vô tuyến điện, thiết bị vô tuyến điện phải có giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện tương ứng. Giấy phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện có thời hạn tối đa là 10 năm, sử dụng băng tần có thời hạn tối đa là 15 năm, sử dụng tần số và quỹ đạo vệ tinh có thời hạn tối đa là 20 năm, được cấp kèm theo các điều kiện cụ thể. Thời hạn giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện được cấp theo đề nghị của tổ chức, cá nhân, nhưng không vượt quá thời hạn tối đa của từng loại giấy phép và bảo đảm phù hợp các quy hoạch tần số vô tuyến điện. Luật cũng quy định cơ quan quản lý chuyên ngành tần số vô tuyến điện là cơ quan thuộc Bộ Thông tin Truyền thông có trách nhiệm giúp Bộ này thực hiện một số nhiệm vụ quản lý Nhà nước về tần số vô tuyến điện theo sự phân công, phân cấp của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Cũng từ ngày 1/7, Thông tư số 11 của Bộ Thông tin- Truyền thông (TT-TT) quy định về hoạt động khuyến mãi đối với dịch vụ thông tin di động chính thức có hiệu lực. Điều này đồng nghĩa với việc chấm dứt hình thức cạnh tranh không lành mạnh bằng khuyến mại của doanh nghiệp, gây lãng phí tài nguyên kho số./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực