Mở rộng quyền bình đẳng, quyền kiến nghị của luật sư trong các giai đoạn tố tụng

Thứ hai, 14/03/2016 16:53
(ĐCSVN) - Sáng 14/3, Liên đoàn Luật sư Việt Nam phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Hội thảo tổng kết trao đổi kinh nghiệm hành nghề luật sư (LS).

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhấn mạnh: Tổng kết kinh nghiệm hành nghề LS là bước tiếp theo của việc trao đổi kinh nghiệm hành nghề LS và nâng cao việc trao đổi kinh nghiệm hành nghề LS lên một bước tổng quát hơn, khái quát hơn thành các kỹ năng hành nghề mang tính chuyên nghiệp. Thông qua tổng kết trao đổi kinh nghiệm hành nghề LS, Liên đoàn Luật sư Việt Nam sẽ phác thảo bức tranh về thực trạng hành nghề LS của đội ngũ LS, qua đó thấy được những thuận lợi, khó khăn, thách thức của nghề nghiệp LS; tìm ra các nguyên nhân, đặc biệt là các nguyên nhân về tồn tại, hạn chế trong việc phát triển số lượng và chất lượng đội ngũ luật sư. Từ đó, đề ra các giải pháp từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ LS, kiến nghị cải thiện môi trường hành nghề, xây dựng, phát triển đội ngũ LS trong bối cảnh xây dựng nhà nước pháp quyền và hội nhập quốc tế.


Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo. (Ảnh: TH)

Theo Phó Chánh án Tòa án nhân dân TP.Hà Nội Nguyễn Tuấn Vũ, LS ngày càng đóng vai trò quan trọng trong xét xử hình sự, giúp các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện đúng pháp luật và dần nâng cao chất lượng tranh tụng, góp phần giúp tòa án giải quyết đúng đắn vụ án và giúp hoạt động tố tụng “không bị áp đặt chủ quan một chiều”.

Tuy nhiên, Phó Chánh án Nguyễn Tuấn Vũ cũng chỉ ra, một số LS thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu nghiêm túc trong hành nghề, tự mình hoặc tư vấn cho đương sự đề nghị hoãn phiên tòa không có căn cứ ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết vụ án, thậm chí cá biệt có LS “cò quay” đương sự…

Tại Hội thảo, một số ý kiến LS phản ánh, trên thực tế, một số cơ quan tiến hành tố tụng không nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của LS, họ quan niệm LS là ‘thầy cãi” nên thường mang nặng tâm lý “đối đầu”, gây khó khăn, cản trở cho hoạt động tố tụng. Cho nên có tình trạng điều tra viên cản trở LS, không thực hiện nghiêm chỉnh những quy định của pháp luật để thực hiện nhiệm vụ bào chữa, chưa kể một số địa phương vẫn còn tồn tại tình trạng “án điểm” với “đường lối xử lý” được chỉ đạo.

Tuy nhiên, LS Hoàng Ngọc Biên (Đoàn LS TP Hà Nội), nguyên điều tra viên cao cấp của Công an TP Hải Phòng khẳng định, sự tham gia của LS không cản trở, hạn chế hay “gây rối” cho các hoạt động tố tụng nên cơ quan tiến hành tố tụng, nhất là điều tra viên không cần “cảnh giác”, “đề phòng” mà làm khó LS.

Qua kinh nghiệm hành nghề, LS Nguyễn Huy Thiệp - Đoàn LS TP Hà Nội nhấn mạnh, những lý lẽ, tranh luận của LS chính là kết quả của việc nghiên cứu hồ sơ, vụ án, quy định pháp luật chứ không phải là “cãi chày, cãi cối”. Do vậy, mong các cơ quan tiến hành tố tụng lắng nghe, ghi nhận một cách công tâm, khách quan những nỗ lực vì công lý của LS chứ không chỉ nghe và lưu vào hồ sơ vụ án để LS không phải “tranh tụng… một mình”.  

Trên cơ sở phân tích các hạn chế, vướng mắc trong quá trình hành nghề LS, đại diện các cơ quan tiến hành tố tụng và đại diện giới LS kiến nghị, cần hoàn thiện các quy định pháp luật về tổ chức và hoạt động hành nghề LS, trong đó nên có những quy định theo hướng mở rộng quyền bình đẳng, quyền giám sát, quyền kiến nghị của LS trong các giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử vụ án hình sự. Đồng thời, nâng cao phẩm chất, đạo đức ứng xử và trình độ chuyên môn của LS./.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực