Sóc Trăng: Hiệu quả thiết thực từ “Dân vận khéo”

Thứ hai, 21/08/2017 17:45
(ĐCSVN) - Tỉnh Sóc Trăng là địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer và hầu hết đời sống của bà con còn nhiều khó khăn. Vì vậy, để giúp bà con phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống, Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh đã hướng phong trào “Dân vận khéo” vào vùng đồng bào dân tộc, với nhiều mô hình, cách làm cụ thể mang lại hiệu quả thiết thực.
Bộ đội Sóc Trăng giúp dân gia cố đường giao thông nông thôn.

Phát huy vai trò của chức sắc, chức việc

Theo Đại tá Đỗ Tiến Sỹ, Phó Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Sóc Trăng, trên địa bàn tỉnh có trên 30% dân số là đồng bào dân tộc Khmer, chủ yếu theo đạo phật. Để thực hiện hiệu quả công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc, Bộ CHQS tỉnh xác định các chức sắc, chức việc, nhà tu hành là cầu nối quan trọng để đưa chủ trương, chính sách của Đảng đến với người dân. “Thông qua các lớp bồi dưỡng kiến thức Quốc phòng - An ninh hay vào các dịp lễ, tết… cơ quan quân sự các cấp tổ chức đoàn đi thăm, tặng quà đều ở các chùa. Chúng tôi vận động các sư, sãi bằng uy tín của mình khơi dậy tin thần hăng say lao động của tín đồ, đoàn kết, giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế để vươn lên thoát nghèo”, Đại tá Đỗ Tiến Sỹ nói.

Được biết, hằng năm, Bộ CHQS tỉnh còn phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy tổ chức họp mặt để thông báo cho các chức sắc, chức việc, nhà tu hành về tình hình thời sự chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội trong và ngoài nước. Mở nhiều buổi tập huấn để tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về công tác dân tộc, tôn giáo, các chương trình, dự án liên quan đến công tác xóa đói giảm nghèo.

Hòa thượng Tăng Nô, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội phật giáo Việt Nam tỉnh Sóc Trăng nói: “Thông qua các buổi giảng giáo lý, chúng tôi lồng ghép giáo dục cho tín đồ, phật tử tự giác chấp hành các quy định của địa phương. Ngoài ra, tôi còn thông báo về tình hình phát triển kinh tế, chủ trương, chính sách của Đảng, những thành tựu khoa học, gương nông dân tiêu biểu trong sản xuất để bà con học tập. Nhờ vậy, mỗi người hiểu rõ hơn sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước ta đối với đồng bào các dân tộc, từ đó đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, đẩy lùi đói nghèo, xây dựng đời sống văn hóa ở các phum, sóc”.

Tạo sự gắn kết chặt chẽ

Bà Sơn Thị Huỳnh, 78 tuổi ở ấp Kiết Lập A, xã Lâm Tân, huyện Thạnh Trị không giấu được niềm vui khi được Bộ CHQS tỉnh hỗ trợ xây tặng căn nhà đại đoàn kết. “Các con tôi đều đi làm thuê ở xa, còn tôi sống với thằng con trai út. Quanh năm làm lụng vất vả, đến từng tuổi này mà tôi chưa bao giờ nghĩ mình có căn nhà khang trang như vậy. Căn nhà này, chính là niềm vui mà chính quyền, đoàn thể mang đến cho gia đình tôi”, bà Huỳnh phấn khởi nói.

Hay như trường hợp của ông Thạch Tâm, ở ấp Tân Thắng, xã Thạnh Tân, huyện Thạnh Trị. Năm 2016, lốc xoáy đã làm nhà ông sập hoàn toàn, nhờ được dân quân hỗ trợ cất lại căn nhà mà ông đã yên tâm khi mùa mưa đến. Ông chia sẽ: “Hoàn cảnh khó khăn, bao năm dành dụm tôi mới cất được căn nhà, bị lốc xoáy tiêu hết nên cả nhà tôi rất lo lắng không biết nương tựa vào ai. Cũng nhờ có anh em ở Ban CHQS huyện cũng như địa phương hỗ trợ tiền và ngày công lao động giúp tôi cất lại căn nhà, tôi biết ơn nhiều lăm”.

Đại úy Nguyễn Văn Hiền, Chính trị viên phó Ban CHQS huyện Thạnh Trị cho biết: “Chúng tôi xác định vùng đồng bào dân tộc là địa bàn trọng điểm để tiến hành công tác dân vận. Vì vậy, thực hiện các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới của địa phương, chúng tôi vận động cán bộ, chiến sĩ và mạnh thường quân đóng góp để hỗ trợ bà con làm đường, xây nhà đại đoàn kết, cung cấp cây con giống và khám, chữa bệnh…”.

Bộ đội Sóc Trăng giúp dân sửa nhà, khắc phục hậu quả sau một trận lốc xoáy.

Còn ở thị xã Vĩnh Châu, Ban CHQS thị xã đã triển khai mô hình “Huấn luyện DQTV, DBĐV kết hợp làm công tác vận động quần chúng ở vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số”. Theo thượng tá Nguyễn Hoàng Việt, Chính trị viên Ban CHQS thị xã, khi tập trung huấn luyện, Ban CHQS sắp xếp thời gian hợp lý để DQTV làm công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc. Theo đó, đơn vị lựa chọn cán bộ, chiến sĩ dân tộc làm nòng cốt để tuyên truyền, vận động; phân công anh em trực tiếp xuống các phum, sóc hoặc đến tận nhà để hướng dẫn cho bà con về cách thức canh tác, lên liếp trồng các loại rau màu và phòng bệnh cho vật nuôi. “Nhờ vậy mà bà con tích cực hơn trong lao động sản xuất, hình thành nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, đem lại thu nhập cao, giúp hàng trăm hộ thoát nghèo”, Thượng tá Nguyễn Hoàng Việt nói.

Song song đó, Ban CHQS thị xã còn phối hợp với địa phương thực hiện nhiều công trình phục vụ sản xuất và dân sinh cũng như chăm lo đời sống bà con như: làm đường giao thông, khám chữa bệnh, vận động cất nhà, định hướng nghề nghiệp cho con em đồng bào… Qua đó, đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn, giúp địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Hiệu quả từ phong trào “Dân vận khéo” của Bộ CHQS tỉnh Sóc Trăng không chỉ làm cho nhân dân tin yêu hơn về hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ mà còn là nhân tố quan trọng giúp cho các cơ quan, đơn vị hoàn thành nhiệm vụ được giao. Góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững chắc, tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Quân đội với nhân dân./.

 
Bài, ảnh: Thanh Nam

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực