Chuyển động trong chính sách đối ngoại của chính quyền D.Trump

Thứ hai, 03/04/2017 10:06

Chuyển động trong chính sách đối ngoại của chính quyền D.Trump

(ĐCSVN) - Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã có chuyến công du châu Á vào trung tuần tháng 3 vừa qua. Chuyến đi của ông Tillerson được cho là rất quan trọng trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Donald Trump triển khai chính sách đối ngoại “khác lạ” với việc phê phán Hàn Quốc “nhờ vả” Mỹ, Nhật Bản “thao túng tiền tệ”… và những động thái quân sự đang “nóng” khu vực, khiến giới nghiên cứu và dư luận quan tâm.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tới thăm Hàn Quốc ngày 17/3/2017. (Ảnh: vietnamnet.vn)

Từ ý tưởng trong tranh cử…

Được biết, trong quá trình tranh cử, ông Donald Trump đã từng đặt câu hỏi: “Hàn Quốc, Nhật Bản… là những nước giàu, sao họ không trả tiền để đổi lại sự bảo vệ của Mỹ?”. Theo ông Trump, thế giới ngày nay đang dựa dẫm quá nhiều vào ảnh hưởng và tiền bạc của Mỹ.

Ông Trump cảnh báo đồng minh (Nhật Bản, Hàn Quốc…) rằng, phải đóng góp nhiều hơn cho chi phí triển khai lực lượng quân đội Mỹ và các biện pháp phòng thủ khác ở những nước này. Ông thậm chí còn khuyến khích hai đồng minh Nhật, Hàn tự trang bị vũ khí để răn đe, trong trường hợp quân đội Mỹ rút khỏi những nước này.

Ông Trump tuyên bố, ông có thể rũ bỏ trách nhiệm bảo vệ các đồng minh, nếu họ không đóng góp nhiều hơn. Với Nhật Bản ông Trump còn dự đoán: “nếu Nhật bị tấn công, Mỹ có thể phải tham gia Thế chiến III. Còn nếu Mỹ bị tấn công, Nhật Bản có thể sẽ chẳng phải làm gì cả!”

Bình luận về những tuyên bố này của ông Trump, nhà phân tích Janathan Pollack của Viện Brookings nói: Ông “lo ngại sâu sắc về cái mà một nhiệm kỳ Tổng thống của ông Trump sẽ để lại”, còn nhà nghiên cứu Robert Manning của Viện Atlantic thì cho rằng ông Trump “về cơ bản là không hiểu gì về các đồng minh của Mỹ”.

Giới phân tích cho rằng, nếu ông Trump làm đúng những gì tuyên bố khi tranh cử thì chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ là “xa lánh đồng minh, tự cô lập mình và tạo lỗ hổng quyền lực lớn ở châu Á - Thái Bình Dương”, có thể châm ngòi cho một cuộc cạnh tranh quyền lực khu vực trong tương lai.

Đến triển khai chính sách…

Tuy nhiên, hơn 2 tháng cầm quyền, khi triển khai chính sách đối ngoại nói chung và với các đồng minh châu Á nói riêng, lại có sự thay đổi đáng kể, biểu hiện trong các động thái ngoại giao từ chuyến đi của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đến Tokyo, chuyến thăm Washington của Thủ tướng Nhật Bản, và gần đây là chuyến thăm Nhật Bản, Hàn Quốc của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ.

Ngày 4/2, trong chuyến thăm của tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis đến Nhật Bản, hai bên đã nhất trí tiếp tục tăng cường mối quan hệ đồng minh song phương, cùng chia sẻ quan ngại trước vấn đề tranh chấp ở biển Hoa Đông, Biển Đông và vấn đề hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên.

Ông Mattis cho biết, Mỹ coi liên minh với Nhật là “nền tảng của hòa bình, thịnh vượng và tự do” trong khu vực, đồng thời cam kết hợp tác chặt chẽ nhằm phát triển mối quan hệ tốt đẹp với các nước đồng minh. Ông Mattis nhắc lại cam kết của Mỹ đối với việc bảo vệ các khu vực thuộc quyền kiểm soát của Nhật Bản, bao gồm cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Về vấn đề Biển Đông, ông Mattis nhấn mạnh: “tự do hàng hải là tuyệt đối”, đồng thời cho rằng tại thời điểm này “không cần thiết tiến hành bất kỳ động thái quân sự nào”. Bộ trưởng Mattis cũng không hối thúc Tokio đóng góp thêm chi phí cho lực lượng 54.000 quân Mỹ đồn trú tại Nhật Bản.

Trong chuyến thăm Mỹ (9/2) của Thủ tướng Shinzo Abe, qua hội đàm hai bên đã đạt được 4 thỏa thuận rất cơ bản: (1) Mỹ tiếp tục khẳng định quan hệ đồng minh với Nhật Bản, trong đó có điều 5; (2) Xây dựng thành công mối quan hệ cá nhân, thông qua những mối quan hệ có hiệu quả và hai bên cùng có lợi; (3) Không gian của Nhật Bản trong khu vực sẽ được nới rộng hơn và vai trò của Nhật cũng ngày càng quan trọng hơn; (4) Mối quan hệ Mỹ - Nhật sẽ trở thành hình mẫu để phát triển quan hệ với các đồng minh khác.

Ngày 15/3, Ngoại trưởng Mỹ Tillerson đã tới thủ đô Tokyo để hội đàm với các nhà lãnh đạo Nhật Bản, trong đó vấn đề phối hợp Nhật - Mỹ chống lại mối đe dọa tên lửa, hạt nhân đang gia tăng từ Triều Tiên. Hai bên tiếp thục khẳng định sức mạnh của quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật.

Phát biểu với báo giới, Ngoại trưởng Kishida nhấn mạnh điều hết sức quan trọng là Nhật Bản và Mỹ phải liên lạc chặt chẽ và thường xuyên do sự thay đổi về môi trường an ninh trong khu vực. Liên quan tình hình Biển Hoa Đông và Biển Đông, Nhật Bản hy vọng Mỹ sẽ tiếp tục thể hiện cam kết đối với khu vực CA-TBD dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Về lĩnh vực kinh tế, hai bên dự kiến sẽ tổ chức vòng đối thoại song phương đầu tiên do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso và Phó Thủ tướng Mỹ Mike Pence đồng chủ trì tại Tokyo vào tháng 4.

Trong chuyến thăm Hàn Quốc (17/3), ông Tillerson tập trung thảo luận những giải pháp về tăng cường liên minh song phương và chống lại mối đe dọa ngày càng tăng từ chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Ngoại trưởng Mỹ đã tới thị xát tại sân bay Osan Air Base ở Pyeongtaek, 70km về phía Nam Seoul.

Ông Tillerson còn đến thăm Khu căn cứ phi quân sự DMZ ở biên giới liên Triều. Trong cuộc hội đàm hai bên đã thảo luận về vấn đề an ninh trong khu vực và toàn cầu. Ông Rex Tilleson tuyên bố, Triều Tiên chẳng việc gì phải sợ Mỹ hay các đồng minh của Mỹ ở khu vực.

Thừa nhận thực tế đe dọa từ Triều Tiên tăng cao trong thời gian gần đây, ông Tillerson cho thấy cần thiết phải có một “cách tiếp cận mới” với Bình Nhưỡng, dù không nói rõ cách tiếp cận này là gì.

Tuy nhiên, theo giới quan sát, chính quyền của Tổng thống Trump đang cân nhắc các phương án đối phó với Bình Nhưỡng, và không loại trừ khả năng tấn công quân sự phủ đầu. Các phương án đối phó cũng như chính sách về Triều Tiên có thể sẽ được xác định vào tháng 4 tới.

Như vậy, sau thời gian dài đồn đoán về chính sách đối ngoại của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump thì nay chính sách châu Á của Nhà Trắng, trong đó có quan hệ với đồng minh cũng dần hé lộ. Tuy nhiên, sự “bất ngờ” vẫn có thể tái diễn, vì chính sách của ông Donad Trump còn đang trong giai đoạn định hình./.

Nguyễn Nhâm
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực