Chuyển động trong chính sách đối ngoại của chính quyền D.Trump

Thứ ba, 28/03/2017 16:46
(ĐCSVN) - Ngày 14/3, quyền trợ lý ngoại trưởng Mỹ Susan Thornton cho biết, chính sách tái cân bằng ở châu Á, còn được gọi là “xoay trục” sang châu Á - Thái Bình Dương (CA-TBD) của chính quyền tiền nhiệm Obama đã “chính thức chấm dứt” và Tổng thống Trump sẽ có chính sách mới thay thế.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson. (Ảnh: vov.vn)

Từ chiến lược “xoay trục”…

“Tái cân bằng” là thuật ngữ lần đầu tiên được sử dụng năm 2011, khi Tổng thống Obama và Ngoại trưởng Hillary Clinton quyết định chuyển trọng tâm chiến lược của Mỹ sang CA-TBD nhằm củng cố và tăng cường lợi ích quốc gia trên tất cả các lĩnh vực.

Tuy nhiên, nội hàm của thuật ngữ “tái cân bằng” hay “xoay trục” vẫn còn là điều mơ hồ, khi vấn đề về thời gian và trạng thái “cân bằng” vẫn chưa được giới hoạch định chính sách của Mỹ thời ông Obama xác định cụ thể, trong bối cảnh những nguy cơ bất ổn khu vực ngày càng gia tăng.

Trong 5 mục tiêu, (kinh tế, chính trị, văn hóa, quân sự, ngoại giao) thì mục tiêu bao trùm, cơ bản, lâu dài là đưa các nước khu vực đi theo quỹ đạo của Mỹ; khôi phục vị thế siêu cường số 1 và vai trò lãnh đạo thế giới.

Để thực hiện, Mỹ đã vạch ra 6 nội dung: (1) Tăng cường các mối quan hệ với các đồng minh; (2) Tăng cường quan hệ với các quốc gia mới nổi; (3) Tăng cường can dự vào các thể chế khu vực; (4) Mở rộng thương mại và đầu tư; (5) Tăng cường hiện diện quân sự Mỹ tại khu vực; (6) Thúc đẩy các nước tiến hành cải cách nhằm tăng cường bảo vệ dân chủ, nhân quyền và tự do chính trị theo kiểu Mỹ và phương Tây.

Mỹ chủ trương tăng cường lực lượng hải quân, củng cố các liên minh quân sự song phương với các nước tại CA-TBD. Washington khẳng định, sẽ bố trí lại sức mạnh hải quân theo hướng tăng cường triển khai tàu sân bay, tuần dương, khu trục; tàu ngầm và tàu chiến ven bờ. Đến năm 2020, quan hệ tỷ lệ về lực lượng giữa hai khu vực Đại Tây Dương và Thái Bình Dương sẽ là 40/60%.

Tuy nhiên, cho đến cuối năm 2016, Mỹ mới điều chuyển được 2.500 lính thủy đánh bộ tới Darwin (Australia); 1 tiểu đoàn lục quân tới Hàn Quốc; 2 tàu khu trục phòng vệ tên lửa tới Nhật Bản; các loại máy bay hiện đại cũng được triển khai; rada phòng thủ tên lửa đạn đạo thứ 2, một khẩu đội tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Guam và chuẩn bị triển khai THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc.

Chính sách ngoại giao – thương mại, can dự kinh tế thúc đẩy hoàn thiện thủ tục pháp lý của Hiệp ước TPP (nay đã bị hủy). Tăng cường củng cố các liên minh song phương truyền thống và đẩy mạnh hợp tác sâu rộng hơn với các đối tác mới nổi.

Về vấn đề dân chủ – nhân quyền, tuy không áp đặt nhưng Mỹ cho rằng, có những giá trị nhất định mang tính phổ quát mà các nước cần tôn trọng… Tuy nhiên, sự kế thừa những thành quả chiến lược của người tiền nhiệm Obama đang được ông Trump bỏ ngỏ, thậm chí hủy bỏ như TPP.

Đến “tham gia tích cực”…

Ngày 14/3, quyền trợ lý ngoại trưởng Mỹ Susan Thornton cho biết, chính sách tái cân bằng ở châu Á, còn được gọi là “xoay trục” sang CA-TBD của chính quyền tiền nhiệm Obama đã “chính thức chấm dứt” và Tổng thống Trump sẽ có chính sách mới thay thế.

Bà Thornton nói: “Tôi nghĩ các bạn có thể kỳ vọng chính quyền hiện tại sẽ có chiến lược riêng. Chúng tôi chưa đi vào chi tiết chiến lược mới”. Theo đó, “chúng tôi sẽ tiếp tục tham gia tích cực ở châu Á. Vì nền kinh tế châu Á rất quan trọng với sự thịnh vượng và phát triển của Mỹ. Chúng tôi sẽ tiếp tục với các vấn đề như: Thương mại công bằng, thương mại tự do và các thách thức an ninh của Triều Tiên. Mỹ cũng sẽ tiếp tục thúc đẩy hòa bình và ổn định ở châu Á”.

Ngay từ khi tranh cử, ông Trump đã cho rằng, cần “ngăn cản chủ nghĩa phiêu lưu của Trung Quốc xâm phạm đến lợi ích của Mỹ ở châu Á”, và nhấn mạnh rằng, “sự hiện diện quân sự mạnh sẽ là dấu hiệu rõ ràng cho Trung Quốc và các nước châu Á cũng như toàn thế giới biết rằng Mỹ đã trở lại với vai trò lãnh đạo toàn cầu”.

Trước đó, ngày 10/3, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã có buổi tiếp và làm việc chung với các Đại sứ, Đại biện các nước ASEAN tại Washington DC, ông khẳng định Mỹ luôn coi trọng quan hệ Đối tác Chiến lược với ASEAN, sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác với Hiệp hội và các nước thành viên vì hoà bình, an ninh và phát triển thịnh vượng ở khu vực, cũng như ứng phó với các thách thức chung đang đặt ra. Mỹ cam kết hợp tác với khu vực cả về chiến lược và kinh tế, đồng thời sẽ tích cực tham dự các diễn đàn ở khu vực, bao gồm cả của ASEAN và APEC.

Được biết, chuyến công du châu Á của Ngoại trưởng Mỹ lần đầu tiên (15/3) được chuẩn bị khá lâu và kỹ lưỡng với các mục đích: (1) Chuẩn bị cho cuộc gặp của Tổng thống Donald Trump với Chủ tịch Tập Cận Bình; (2) tìm các tiếp cận mới đối với Triều Tiên; (3) và vấn đề thương mại khu vực…

Vì thế, chuyến thăm châu Á của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson được cho là rất quan trọng trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Trump đang triển khai chính sách đối ngoại “khác lạ”, có thể đây là những bước đi cụ thể của một chiến lược châu Á mới của Nhà Trắng, mở đầu cho quá trình định hình cục diện quan hệ Mỹ với các nước trong khu vực CA-TBD trong thời gian tới.

Ông Euan Graham, Giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế tại Học viện Chính sách Quốc tế Lowy (Australia) cho biết, còn quá sớm để đánh giá mối quan hệ của chính quyền mới với các nước CA-TBD. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng, tình trạng không rõ ràng có thể xảy ra bởi “khoảng trống chính sách” vì đội ngũ nhân viên của ông Trump còn thiếu kinh nghiệm.

Quan điểm của Tổng thống Trump đối với vấn đề “xoay trục” châu Á đã khá rõ ràng, khi ông gạt bỏ các quyết định liên quan đến khu vực này dưới thời ông Obama. Điều rõ ràng nhất là sắc lệnh rút khỏi TPP – một trong những trụ cột của chiến lược mà chính quyền tiền nhiệm dày công xây dựng.

Như vậy, chiến lược “xoay trục” của người tiện nhiệm Obama đã bị hủy bỏ, trong khi chính sách gọi là “tham gia tích cực” của tân Tổng thống Mỹ Trump mới dần hé lộ. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để đánh giá mối quan hệ của chính quyền mới với các nước CA-TBD. Và việc ông Trump đưa ra một chiến lược mới thay thế cho chiến lược “xoay trục” của người tiền nhiệm vẫn còn đang ở phía trước./.

Nguyễn Nhâm

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực