Kim ngạch thương mại của Mỹ Latinh suy giảm kỷ lục do COVID-19

Thứ sáu, 07/08/2020 17:03
(ĐCSVN) – Theo Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe (CEPAL), giá trị xuất – nhập khẩu khu vực Mỹ Latinh giảm tới 17% trong 5 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng xuất khẩu của khu vực đến Mỹ giảm 22,2%, Liên minh châu Âu giảm 14,3 và khu vực nội khối giảm 23,9%

Ngày 6/8, Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe (CEPAL) của Liên hợp quốc (LHQ) dẫn báo cáo cho biết, ngoại thương khu vực Mỹ Latinh trong năm 2020 sẽ suy giảm kỷ lục ở mức 23% so với năm 2019 do ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19). Theo đó, mức giảm này thậm chí sẽ tồi tệ hơn so với cuộc khủng hoảng tài chính vào các năm 2008 – 2009.

Theo CEPAL, sự lây lan nhanh chóng của đại dịch COVID-19 và chính phủ các nước trong khu vực đã áp đặt các biện pháp mạnh mẽ nhằm kiểm soát dịch đã để lại các hậu quả nghiêm trọng đối với các nền kinh tế chính trên thế giới, trong đó khu vực Mỹ Latinh và Caribe cũng không phải ngoại lệ.

Kinh tế khu vực Mỹ Latinh và Caribe đang rơi vào suy thoái do ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19. (Ảnh: aa.com.tr)

Phát biểu tại cuộc họp báo, Thư ký điều hành của CEPAL, bà Alicia Barcena cho hay, giá trị xuất - nhập khẩu của khu vực được dự đoán sẽ giảm lần lượt 23% và 25% trong năm 2020. Khu vực đang phát triển Mỹ Latinh và Caribe bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch sẽ tác động trực tiếp tới sản lượng xuất khẩu hàng hóa, nhiên liệu và khoáng sản. Bà Alicia Barcena đồng thời cảnh báo, tình hình dịch ở khu vực tiếp tục diễn biến xấu sẽ cản trở sự phục hồi của ngoại thương trong những tháng còn lại trong năm 2020.

Báo cáo của CEPAL cho hay, lĩnh vực du lịch một trong những nguồn thu ngoại tệ chính của khu vực, đặc biệt các quốc đảo vùng Caribe đã giảm 50% trong 5 tháng đầu năm, kéo theo xuất khẩu dịch vụ giảm. Báo cáo cũng đưa ra cảnh báo nguy cơ về sự sụp đổ công suất công nghiệp và sản lượng hàng xuất khẩu của khu vực.

Theo CEPAL, giá trị xuất – nhập khẩu khu vực Mỹ Latinh giảm tới 17% trong 5 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng xuất khẩu của khu vực đến Mỹ giảm 22,2%, Liên minh châu Âu giảm 14,3 và khu vực nội khối giảm 23,9%. Tuy nhiên, xuất khẩu của khu vực sang thị trường châu Á cho thấy tín hiệu khả quan hơn. Xuất khẩu của khu vực sang thị trường Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm giảm dưới mức 2%. CEPAL cũng đưa ra dự đoán, trong năm 2020, xuất khẩu khu vực Mỹ Latinh và Caribe sang thị trường Mỹ sẽ giảm tới 32%, khu vực nội khối giảm 28%, trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ giảm 4%. Trong khi đó, sản lượng hàng hóa nhập khẩu khu vực nội khối cũng giảm 17,1% trong 5 tháng đầu năm 2020.

Theo báo cáo được CEPAL công bố, chỉ 4 quốc gia tại khu vực ghi nhận mức tăng trưởng trong 5 tháng đầu năm 2020, bao gồm Costa Rica (2%), Honduras (2%), Guatemala (3%) và Nicaragua (14%). Bà Alicia Barcena dự báo nền kinh tế của khu vực sẽ suy giảm 9,1% trong năm 2020 và đây sẽ là cuộc suy thoái nghiêm trọng nhất trong vòng một thế kỷ qua.

Trước đó, CEPAL cảnh báo 230 triệu người, chiếm 36,5% dân số Mỹ Latinh (khoảng 630 triệu người), sẽ rơi vào tình trạng nghèo trong năm 2020, tăng hơn 45 triệu người so với năm 2019; trong khi đó, số người nghèo cùng cực sẽ lên đến 96 triệu người, tăng 28 triệu người.

Bên cạnh đó, CEPAL dự báo tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên 13,5% vào cuối năm nay, tương đương 44 triệu người không có việc làm trên toàn bộ dân số lao động 313 triệu người của khu vực.

Nguy cơ khủng hoảng kinh tế - xã hội tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ

Mới đây, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng nền kinh tế khu vực và Mỹ Latinh và Caribbe được cho là sẽ suy giảm nhanh hơn so với bất kỳ nơi nào trên thế giới, với mức giảm tới gần 10% trong năm 2020. Theo IMF, "tốc độ lây lan nhanh của đại dịch cho thấy các biện pháp giãn cách xã hội cần được duy trì lâu hơn, làm trầm trọng thêm hoạt động kinh tế trong nửa cuối của năm".

Một báo cáo mới của  Liên hiệp quốc (LHQ) thậm chí còn đưa ra dự báo xấu hơn, đó là COVID-19 có thể dẫn tới "cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội tồi tệ nhất trong nhiều thập niên, với những tác động nặng nề đến việc làm, cuộc chiến chống đói nghèo và bất bình đẳng".

Tháng 7 vừa qua, CEPAL dự báo cuộc khủng hoảng kinh tế do COVID-19 gây ra sẽ khiến cho hơn 2,7 triệu doanh nghiệp phải đóng cửa và ít nhất 8,5 triệu người mất việc làm tại khu vực Mỹ Latinh. Theo nghiên cứu của CEPAL, sẽ có khoảng 2.650.528 doanh nghiệp siêu nhỏ; 98.708 doanh nghiệp nhỏ và khoảng 5.934 doanh nghiệp quy mô trung bình sẽ phải đóng cửa do đại dịch COVID-19. Đa phần các doanh nghiệp Mỹ Latinh ghi nhận mức sụt giảm nghiêm trọng về thu nhập, gây khó khăn cho việc duy trì các hoạt động trong bối cảnh các doanh nghiệp không thể đáp ứng những yêu cầu bắt buộc về tài chính và tiền lương, cũng như khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn.

CEPAL đánh giá,  lĩnh vực thương mại sẽ mất 1,4 triệu công ty và 4 triệu việc làm, trong khi đó, bên cạnh ngành hàng không, du lịch cũng phải hứng chịu tác động nặng nề với ít nhất 290.000 công ty giải thể và 1 triệu người thất nghiệp. 

Ngoài ra, những lĩnh vực khác cũng phải chịu tác động đáng kể gồm khai thác, dịch vụ kinh doanh, công nghiệp hóa chất, điện tử, khí đốt và nước, trong đó có thể các ngành này cũng có khả năng mất tới 47,6% lao động.

Trong báo cáo cập nhật về các lĩnh vực và doanh nghiệp bị ảnh hưởng do COVID-19, bà Alicia Barcena nhấn mạnh rằng cuộc khủng hoảng COVID-19 đang tấn công các ngành công nghiệp tiềm năng nhất, qua đó CEPAL khuyến nghị áp dụng một nhóm các biện pháp đối phó với vấn đề suy giảm năng lực sản xuất của các quốc gia trong khu vực Mỹ Latinh.

Mỹ Latinh và Caribe - tâm chấn của đại dịch COVID-19

Dịch bệnh COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến căng thẳng nhất và khu vực Mỹ Latinh và Caribe hiện đã ghi nhận tổng số ca bệnh đã vượt mốc 5 triệu người, trong đó hơn 206 nghìn ca tử vong, chiếm gần 30% số ca tử vong trên thế giới.

Trong đó, Brazil là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong khu vực. Tính đến nay, quốc gia này ghi nhận 2,917,562 ca lây nhiễm và 98.644 ca tử vong vì dịch bệnh. Tiếp theo là Mexico với 462.690 ca nhiễm và 50.517 ca tử vong. Colombia có 357.710 ca nhiễm và 11.939 ca tử vong.

Hiện số ca mắc và tử vong do COVID-19 tại Mỹ Latinh tiếp tục tăng mạnh sau khi chính phủ nhiều nước bắt đầu nới lỏng các biện pháp kiểm soát và phong tỏa nhằm vực dậy nền kinh tế đang rơi vào khủng hoảng. 

Theo các chuyên gia y tế, việc chính phủ nhiều nước Mỹ Latinh chưa triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống là yếu tố dẫn tới tình trạng gia tăng mạnh số ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2 ở khu vực này. Cùng với đó, sự thiếu hụt về đầu tư hạ tầng y tế, những hạn chế trong cơ chế giám sát dịch bệnh càng khiến tình hình trở nên nghiêm trọng, khi số ca nhiễm tăng mạnh, vượt xa so với dự báo dẫn tới hệ thống y tế bị quá tải./.

Hoài Hà (Theo cepal.org, wfp.org, CNN)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực