Qatar cáo buộc các nước láng giềng tấn công mạng

Thứ tư, 21/06/2017 16:38
(ĐCSVN) – Qatar có đủ bằng chứng kết luận các nước láng giềng đứng đầu một chiến dịch tẩy chay Doha có vai trò trong cuộc tấn công mạng nhằm vào hãng truyền thông của Qatar, từ đó mở màn cho một cuộc khủng hoảng ngoại giao chưa từng có tiền lệ ở khu vực vùng Vịnh Ba Tư.

Ngoại trưởng Qatar kêu gọi gỡ bỏ lệnh phong tỏa đối với nước này

Tổng Chưởng lý Qatar Ali bin Fetais al-Marri phát biểu trong cuộc họp báo ngày 20/6. (Ảnh: AFP)

Phát biểu trong một cuộc họp báo tại thủ đô Doha, ngày 20/6, Tổng Chưởng lý Qatar Ali bin Fetais al-Marri cho biết, nước này đã nắm trong tay bằng chứng cho thấy tin tặc từ một số nước cô lập Qatar đã sử dụng điện thoại iPhone để tấn công mạng nhằm vào hãng truyền thông nhà nước Qatar. Ông al Marri không tiết lộ đích danh, song khẳng định “có hơn 1 thực thể” đứng đằng sau vụ tấn công mạng kể trên.

Ngày 23/5, hãng Thông tấn Qatar (QNA) đã đăng tải những lời nhận xét được cho là của Quốc vương Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani, miêu tả Iran là một “cường quốc Hồi giáo”, ca ngợi phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine và chỉ trích Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Chính phủ Qatar khẳng định tin tặc đã xâm nhập vào website của QNA và đăng tải những thông tin giả mạo. Tuy nhiên, những lập luận này đã không thể thuyết phục được chính quyền Riyadh và một số nước đồng minh của Ả rập Xê út nằm trong Vịnh Ba Tư và dẫn tới việc các nước này áp dụng lệnh phong tỏa về kinh tế, ngoại giao với Qatar.


Trong lời phát biểu cùng ngày, Tổng Chưởng lý Qatar khẳng định hiện vẫn còn “quá sớm” để công khai cụ thể số điện thoại của những kẻ thực hiện vụ tấn công mạng nhằm vào hãng truyền thông nhà nước Qatar. Bên cạnh đó, ông al Marri cũng lưu ý thêm rằng các nhà điều tra của Qatar đã lần theo các nhà cung cấp dịch vụ internet của một số nước trong khu vực. “Chúng tôi đã gửi thông tin tới các nước liên quan và đang chờ đợi phản hồi…Theo đúng như những gì mà chúng tôi lo ngại, vụ việc này rất nghiêm trọng” – ông al Marri nói.

Tiếp theo sau những thông tin về vụ tấn công mạng tại Qatar, một số nước trong khu vực gồm Ả rập Xê út, Bahrain, Ai Cập đã cắt đứt mối quan hệ ngoại giao và các tuyến đường giao thông với Qatar vào đầu tháng 6/2017, với cáo buộc rằng chính quyền Doha đã hậu thuẫn chủ nghĩa khủng bố. Các nước trên đã liệt 12 tổ chức và 59 cá nhân có mối liên hệ với Qatar vào danh sách trừng phạt khủng bố.

Về phía ông al Marri, ngày 20/6 tiếp tục bác bỏ tính hợp pháp của bản danh sách đen trừng phạt nêu trên, đồng thời nhấn mạnh rằng chính quyền Qatar sẽ phản ứng một cách hợp lý trước các đối tượng đã gây tổn hại đến nước này.

Trong quá khứ, quan hệ giữa Qatar và một số nước Ả rập khác đã từng có thời “cơm không lành, canh không ngọt” liên quan tới những tranh cãi về phong trào Anh em Hồi giáo – vốn được Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) và Ai Cập xem là khủng bố. Vào tháng 4/2014, Ả rập Xê út, UAE và Bahrain đã tạm thời rút Đại sứ khỏi Qatar sau khi cáo buộc Doha can thiệp vào công việc nội bộ của các nước này. Tuy nhiên, 8 tháng sau, mối quan hệ ngoại giao giữa Qatar và các nước trong khu vực được thiết lập trở lại sau khi chính quyền Doha yêu cầu một số thành viên của phong trào Anh em Hồi giáo rời khỏi nước này
.

Cuộc khủng hoảng ngoại giao gần đây giữa Qatar và một số nước trong khu vực được đánh giá là tồi tệ nhất kể từ khi Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh Ba Tư (GCC) được thành lập vào năm 1981. Theo nhận định của giới quan sát, nguyên nhân sâu xa dẫn tới sự rạn nứt trong quan hệ giữa Qatar và các nước láng giềng xuất phát từ việc chính quyền Doha đã có một số thay đổi về chính sách và đang có chiều hướng nghiêng về mối quan hệ với Nga và Iran. Tuy nhiên, trong một tuyên bố mới đây, Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al Thani cũng đã tuyên bố rằng chính quyền Doha sẽ không đầu hàng trước các sức ép và tiếp tục giữ vững độc lập về chính sách đối ngoại./.

Thu Lan (Theo Russia Today, PressTV)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực