Những vấn đề đặt ra trong tái cơ cấu ngành du lịch

Thứ sáu, 22/12/2017 19:00
(ĐCSVN) – Ngày 22/12, tại Hà Nội, Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức Hội thảo “Những vấn đề đặt ra trong tái cơ cấu ngành du lịch” nhằm tạo diễn đàn cho các đại biểu đóng góp ý kiến, giúp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng, hoàn thiện Đề án tái cơ cấu ngành du lịch, sớm trình Chính phủ phê duyệt.

Phát biểu tại hội thảo, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn nêu rõ: Một trong những nhóm giải pháp được đề ra trong Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là cơ cấu lại ngành du lịch Việt Nam theo hướng hiện đại, phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, đưa du lịch Việt Nam chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế quốc dân.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn phát biểu tại hội thảo.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn, trong những năm qua, mặc dù đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, nhưng sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam vẫn chưa tương xứng với tiềm năng khi sản phẩm chưa hấp dẫn, chất lượng dịch vụ chưa cao, nguồn nhân lực còn thiếu và yếu. Thực trạng này đặt ra một nhiệm vụ là cần cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới. Nghị quyết 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn do Bộ Chính trị ban hành được xem là dấu ấn đặc biệt trong lịch sử ngành du lịch. Bên cạnh đó, Luật Du lịch (sửa đổi) đã chính thức được Quốc hội thông qua vào ngày 19/6/2017. Mới đây nhất, ngày 6/10 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW. Đây là những cơ sở, cơ hội để ngành du lịch Việt Nam tái cơ cấu, tiến đến phát triển nhanh và bền vững.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung bàn về các nhóm vấn đề cơ bản đặt ra trong cơ cấu lại ngành du lịch, đó là: nguồn lực để phát triển du lịch (về tài chính và đầu tư, về con người, về cơ chế chính sách); tái cơ cấu về sản phẩm du lịch cần tập trung phát triển những sản phẩm nào để tạo lợi thế cạnh tranh, khác biệt?; tái cơ cấu về thị trường khách đến, cần đổi mới thị trường nào? vai trò của thị trường nội địa ra sao?; tái cơ cấu về hệ thống tổ chức quản lý ngành du lịch, xác định lại vai trò của ngành du lịch trong một bộ đa ngành gồm cả văn hóa, thể thao; tái cơ cấu doanh nghiệp du lịch như thế nào khi đến nay có 80% doanh nghiệp du lịch của Việt Nam là nhỏ và siêu nhỏ; tái cấu trúc về nguồn nhân lực du lịch đang vừa thiếu lại vừa yếu, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao về quản lý nhà nước, về quản trị nhân lực.

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Nhiều đại biểu đã đóng góp ý kiến tâm huyết về cơ cấu lại ngành du lịch nước nhà. Tiến sỹ Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam cho rằng: Tái cơ cấu ngành du lịch nước nhà muốn thành công cần phải có sự đồng bộ, từ các sản phẩm du lịch, cải thiện chính sách visa, công tác quản lý điểm đến, quảng bá du lịch…

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel cho rằng, tái cơ cấu ngành du lịch phải triển khai đồng bộ tại tất cả các ngành liên quan như giao thông vận tải, thương mại, dịch vụ, hải quan… Tái cơ cấu ngành phải có lộ trình rõ ràng, trong đó xác định những nhiệm vụ, công tác ưu tiên để tập trung thực hiện. Trước hết, cần xác định đúng thế mạnh, lợi thế cạnh tranh của địa phương để thiết kế sản phẩm du lịch đặc thù phù hợp. Đây là đầu ra trong chuỗi giá trị du lịch mang lại nguồn thu trực tiếp cho ngành.

Sản phẩm du lịch phải mới, có nét đặc trưng riêng và có những phân khúc riêng hướng đến từng nhóm đối tượng khách khác nhau, trong đó tập trung hướng đến những đối tượng khách ở các thị trường có khả năng chi tiêu cao, như châu Âu.

Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, hiện nay, thị trường khách quốc tế thiếu cân đối, chủ yếu là thị trường Đông Bắc Á (55%) và Đông Nam Á (6%)... trong khi đó những thị trường xa, chi tiêu cao chiếm tỷ trọng thấp. Do đó, vấn đề đặt ra là phải có những sản phẩm du lịch có khả năng tái cơ cấu lại tỷ trọng cơ cấu trong thị trường khách theo hướng tăng dần tỷ trọng khách các thị trường xa, chi tiêu cao để giảm rủi ro của việc quá phụ thuộc vào một thị trường nào đó.

Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, trong quá trình tái cơ cấu, ngành du lịch cần phát triển theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ, nâng cao chất lượng khách, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực và năng suất lao động. Trước mắt, ngành du lịch cần đổi mới và đa dạng hóa phương thức xúc tiến du lịch theo mục tiêu cụ thể, ưu tiên phát triển dịch vụ du lịch phục vụ  khách quốc tế… Về thị trường, cần khai thác tối đa tiềm năng các thị trường, tuy nhiên tăng thêm nỗ lực, nguồn lực thu hút khách từ các nước châu Âu. Đồng thời, rà soát các quy định pháp luật về du lịch và dịch vụ liên quan; bãi bỏ các quy định không hợp lý; cải thiện hơn quyền tự do kinh doanh du lịch, tăng mức độ an toàn và giảm chi phí kinh doanh... 

Tin, ảnh: Huy Lê

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực