Tháng ba ở Cát Hải (Hải Phòng)

Thứ sáu, 24/03/2017 11:40
(ĐCSVN) - Về Cát Hải trong những ngày cuối tháng ba, không khí Lễ hội làng cá tháng 3 tại huyện đảo Cát Hải đang rất sôi động, nhộn nhịp. Đặc biệt, lễ hội là hoạt động mở đầu cho vụ cá Nam năm nay.

Cát Hải thu hút du khách bởi sơn thủy hữu tình. (Ảnh: catba.com.vn)

Mặc dù còn ít ngày nữa lễ hội mới chính thức bắt đầu, nhưng sự háo hức đã hiện rõ trên nét mặt của người dân huyện đảo và khách du lịch, trong đó có rất nhiều khách du lịch nước ngoài.

Năm nay, lễ hội truyền thống được lồng ghép với các hoạt động kỷ niệm rất có ý nghĩa ở địa phương như: kỷ niệm 70 năm ngày thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Cát Hải; 40 năm ngày hợp nhất huyện Cát Hải...  Nét truyền thống và hiện đại trong các hoạt động lễ hội sẽ để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân và du khách.

Cát Hải là huyện đảo, song truyền thống văn hóa có tính đặc trưng thì không kém gì những địa phương trên đất liền. Một vùng đất đầy vẻ quyến rũ bởi nét hoang sơ, kỳ vĩ và lãng mạn, sơn thủy hữu tình, lưu giữ hàng trăm di tích, trong đó có 12 di tích được xếp hạng với 4 di tích cấp quốc gia gồm: nơi Bác Hồ về thăm làng cá, di chỉ khảo cổ học Cái Bèo, danh lam thắng cảnh quần đảo Cát Bà và di tích đình chùa xã Hoàng Châu. 8 di tích cấp thành phố gồm: chùa Hòa Hy, đình chùa Gia Lộc, đình miếu Nghĩa Lộ, đình chùa Văn Chấn, đình Trân Châu, đình Phù Long, đồn cổ Xuân Đám, từ đường họ Lê Quang xã Nghĩa Lộ. 

Cát Hải còn có rất nhiều lễ hội đặc sắc. Hệ thống lễ hội cũng là một nét đẹp văn hóa  tiêu biểu của vùng đất này. Ở huyện đảo có rất nhiều lễ hội như: Lễ hội Làng cá gắn với sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh ra thăm đảo ngày 31/3/1959, ngày truyền thống ngành thủy sản Việt Nam, khai trương du lịch Cát Bà; Hội đền Bà xã Hiền Hào được tổ chức vào tháng giêng mà chính hội là ngày 12 tháng giêng gắn với sự tích Mẫu Bà - bậc thánh nhân có công chăm lo cho dân, dạy dân biết cấy trồng, dệt vải, đánh bắt cá tôm; Hội chèo bơi ở thị trấn Cát Hải được tổ chức vào ngày 21 tháng giêng - bắt nguồn từ ý nguyện tâm linh của những người đi biển, cầu Đông Hải đại vương, vị thần cai quản vùng biển phía Đông của Tổ quốc phù hộ cho một năm mưa thuận gió hoà, tôm cá bội thu; Hội sa mã ở xã Hoàng Châu là dịp để dân làng tưởng nhớ những người đã có công khai sinh lập làng, và những người đi làm ăn xa trở về đoàn tụ cùng gia đình... Và còn rất nhiều những hội làng được các địa phương tổ chức sôi nổi, hấp dẫn.

Lễ hội Làng cá tháng ba do Huyện ủy, UBND huyện Cát Hải tổ chức hằng năm, mang ấn tượng sâu đậm nhất cho đông đảo du khách trong và ngoài nước. Lễ hội thường được tổ chức xuyên suốt nửa cuối tháng ba, gồm ba nội dung chính là: Lễ kỷ niệm ngày Bác Hồ về thăm làng cá, Lễ khai trương mùa du lịch Cát Bà và Lễ cầu ngư (gắn với việc ra quân đánh bắt vụ cá Nam). 

Nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao sôi nổi như: biểu diễn nghệ thuật, giao lưu văn hóa vùng miền, giải bóng đá mini, giải bóng chuyền mở rộng... được tổ chức như phần hội trong Lễ hội đặc biệt này. Đặc biệt là Hội đua thuyền rồng, truyền thống của các đội trong huyện và giải đua thuyền tranh cúp Báo Hải Phòng giữa đội đua của huyện Cát Hải với các huyện bạn trong và ngoài thành phố.

Các đội đua thuyền tập dượt lần cuối trước khi vào thi đấu chính thức. (Ảnh: Hoàng Tản)

Phó Chủ tịch UBND huyện Cát Hải Hoàng Hồng Luân cho biết: Hng năm, Lễ hội Làng cá ở Cát Hải được tổ chức trang trọng, ấn tượng, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Các nội dung của lễ hội mang một sắc thái riêng gắn với ý nghĩa văn hóa - lịch sử - chính trị to lớn nên được thể hiện bằng nghi thức trang nghiêm, tự hào riêng có của nhân dân vùng biển, đảo. Mỗi một hoạt động đều gắn liền với biển. Phần nghi lễ là sự cầu nguyện cho một năm mưa thuận, gió hòa, mùa cá bội thu. Ở phần hội là những hoạt động, trò chơi mang sắc thái đặc trưng, trong đó phải kể đến hội đua thuyền trên biển. Mỗi năm, hội đua thuyền được tổ chức với quy mô khác nhau, song về cơ bản nó đều xuất phát từ tính truyền thống lâu đời, nhất là thể lệ cuộc đua. Hội đua thuyền không chỉ là một trò chơi đơn thuần, nó còn khẳng định trí tuệ, sự khéo léo, sự đoàn kết cộng đồng và sức mạnh dẻo dai của con người trong quá trình chinh phục biển cả.

Trước ngày diễn ra lễ hội, huyện Cát Hải sẽ tổ chức “Ngày toàn dân chung tay vì huyện đảo xanh - sạch - đẹp” trên địa bàn toàn huyện. Đây là hoạt động thường niên tổ chức vào ngày 25/3 hàng năm nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của nhân dân trong bảo vệ môi trường; đồng thời cũng là dịp tổng vệ sinh môi trường chuẩn bị cho lễ hội.

Nhằm giáo dục truyền thống quê hương, tuyên truyền về những thành mà tích mà Đảng bộ, quân và dân huyện đảo đã đạt được; đồng thời khơi dậy niềm tự hào, tình yêu quê hương biển, đảo, huyện Cát Hải cũng đã phát động sâu rộng Cuộc thi viết “Tìm hiểu lịch sử Đảng bộ huyện”. Cuộc thi đã thu hút sự tham gia của đông đảo nhân dân với 4.166  bài thi cá nhân, 50 bài thi tập thể của các Chi, Đảng bộ trong toàn huyện.  Hội thi “Tự hào truyền thống quê hương” cũng được tổ chức tại sân khấu trung tâm ở 2 khu Cát Hải, Cát Bà với sự tham gia của 12/12 xã, thị trấn, thu hút hàng nghìn người dân và du khách đến xem, cổ vũ

Các hoạt động trọng tâm của lễ hội năm nay bao gồm: Kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập chi bộ Đảng tiền thân (3/1947 - 3/2017), 40 năm Ngày hợp nhất huyện Cát Hải (11/3/1977 - 11/3/2017), 58 năm Ngày Bác Hồ về thăm làng cá Cát Hải (31/3/1959 - 31/3/2017), Ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam (1/4) và khai trương du lịch Cát Bà năm 2017;  Hội chợ triển lãm Thương mại - Du lịch - Thủy sản Cát Bà và Hội trại tuổi trẻ huyện Cát Hải; công bố và trao giải thưởng Cuộc thi thiết kế biểu trưng Logo du lịch Cát Bà; Lễ hội đường phố Cát Bà lần thứ nhất ; Lễ cầu ngư và hoạt động ra khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam; thả cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản và ra quân đánh bắt vụ cá Nam, phát động phong trào toàn dân bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; Đại hội thể dục thể thao huyện Cát Hải lần thứ 6...

Trong thời gian diễn ra lễ hội Làng cá năm nay, du khách cũng sẽ được hòa mình vào các hoạt động thể dục, thể thao lý thú, đặc biệt là hoạt động đua thuyền trên biển giữa các đội đua trong và ngoài huyện vào chiều 31/3 với 2 lượt đua. Lượt đua thứ nhất gồm đội đua của các xã, thị trấn thuộc huyện Cát Hải bao gồm: thị trấn Cát Hải, thị trấn Cát Bà, các xã Phù Long, Đồng Bài và Hoàng Châu. Lượt đua thứ 2 tranh cúp Báo Hải Phòng lần thứ 23 gồm các đội đua đến từ huyện Cát Hải, Thủy Nguyên ( Hải Phòng), huyện Quảng Yên ( Quảng Ninh), huyện Xuân Trường ( Nam Định) và huyện Thái Thụy (Thái Bình).

Với các hoạt động phong phú và đặc sắc, Lễ hội Làng cá vùng biển Cát Hải năm nay hứa hẹn sẽ mang đến cho nhân dân và du khách những ấn tượng tốt đẹp. Đây cũng là cơ hội để Cát Hải quảng bá tiềm năng du lịch, mời gọi du khách đến với vùng đất giàu truyền thống văn hóa với những danh lam thắng cảnh nổi tiếng./.

Hoàng Tản

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực