Đề xuất nhiều nội dung mới trong tuyển dụng, sử dụng công chức

Thứ sáu, 21/02/2020 18:08
(ĐCSVN) – Rà soát để quy định việc giảm thiểu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong điều kiện tuyển dụng; kiểm định chất lượng đầu vào công chức khi thi tuyển... là những đề xuất mới tại dự thảo Nghị định quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức.

Ảnh minh họa: ĐH

 

Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến vào dự thảo Nghị định quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức.

Nghị định này được xây dựng nhằm quy định chi tiết các nội dung được giao trong Luật số 52/2019/QH14, bảo đảm tiến độ, chất lượng, có hiệu lực thi hành cùng với hiệu lực thi hành của Luật (1/7/2020); bảo đảm đồng bộ với các quy định của Đảng về công tác cán bộ; thu gọn đầu mối các văn bản quy định trong lĩnh vực cán bộ, công chức, bảo đảm thuận lợi trong quá trình thực hiện; giảm thiểu quy định chứng chỉ, tin học trong điều kiện tuyển dụng, nâng ngạch công chức...

Nhiều đổi mới trong tuyển dụng công chức

Một trong những nội dung đáng chú ý tại dự thảo Nghị định là những quy định về tuyển dụng công chức. So với quy định tại Nghị định số 24/2010/NĐ-CP và Nghị định số 161/2018/NĐ-CP thì dự thảo Nghị định có bổ sung một số nội dung mới về vấn đề này.

Cụ thể, trong kế hoạch tuyển dụng, xác định số lượng vị trí việc làm cần tuyển theo từng ngạch công chức trong phạm vi chỉ tiêu biên chế được giao (số lượng vị trí việc làm thuộc nhóm chuyên môn, nghiệp vụ dùng chung; số lượng vị trí việc làm thuộc nhóm chuyên môn, nghiệp vụ chuyên ngành; số lượng vị trí việc làm thuộc nhóm hỗ trợ, phục vụ); số lượng vị trí việc làm thực hiện việc thi tuyển riêng đối với người dân tộc thiểu số; số lượng vị trí việc làm thực hiện việc xét tuyển (nếu có) đối với 03 nhóm đối tượng (người dân tộc thiểu số; người tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc; người cam kết làm việc 5 năm ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo).

“Mục tiêu của quy định tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan có thẩm quyền quản lý công chức bố trí công tác đối với người đạt kết quả thi nhưng không trúng tuyển do hết chỉ tiêu tại cơ quan sử dụng nhưng cơ quan sử dụng khác có chỉ tiêu nhưng không có người trúng tuyển; đồng thời xác định rõ vị trí việc làm thực hiện xét tuyển riêng đối với từng nhóm đối tượng, bảo đảm thực hiện đúng quy định tại khoản 2 Điều 37 Luật Cán bộ, công chức được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5 Điều 1 Luật số 52/2019/QH14...” - Bộ Nội vụ nêu rõ.

Nội dung mới khác được bổ sung là việc rà soát để quy định việc giảm thiểu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong điều kiện tuyển dụng. Theo Bộ Nội vụ, hiện nay, chuẩn đầu ra về ngoại ngữ của sinh viên tốt nghiệp các trình độ trung cấp chuyên nghiệp, cử nhân đều yêu cầu đáp ứng trình độ ngoại ngữ bậc 3. Đồng thời, tại các cơ sở giáo dục đại học hiện quy định chuẩn đầu ra trình độ ngoại ngữ đối với sinh viên khi tốt nghiệp theo Quyết định số 1400/QĐ-TTg, mà chuẩn đầu ra về trình độ ngoại ngữ đó phù hợp với yêu cầu về trình độ ngoại ngữ tương ứng với ngạch công chức tham gia dự tuyển.

Đối với tin học, do hiện nay yêu cầu sử dụng công nghệ thông tin trong các cơ sở giáo dục cũng như quy định việc tổ chức thi tuyển trên máy tính cũng là bước kiểm tra kiến thức và kỹ năng sử dụng tin học. Đồng thời, tại Nghị quyết số 100/2019/QH14 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã yêu cầu tập trung thực hiện các giải pháp, khắc phục hạn chế và rà soát, hoà thiện các quy định về trình độ ngoại ngữ, tin học trong tuyển dụng, thi, xét, nâng ngạch, thăng hạng viên chức, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại nhằm bảo đảm đánh giá đúng trình độ, năng lực của cán bộ, công chức, viên chức và phù hợp với thực tiễn, gắn với vị trí việc làm.

Do vậy, việc quy định người đăng ký dự tuyển có bằng tốt nghiệp tại cơ sở giáo dục chuyên nghiệp hoặc cơ sở giáo dục đại học đã thực hiện chương trình đào tạo chuẩn đầu ra về ngoại ngữ, tin học mà tương ứng với yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, tin học quy định tại tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ của ngạch công chức theo yêu cầu của vị trí việc làm đăng ký dự tuyển thì không yêu cầu phải có chứng chỉ goại ngữ, tin học nhằm mục tiêu giảm thiểu các quy định về hành chính, bảo đảm thực hiện Nghị quyết 100/2019/QH14 của Quốc hội; đồng thời tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục tăng cường triển khai Đề án ngoại ngữ theo quy định của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1400/QĐ-TTg ngày 30/9/2008.

Về nội dung thi môn nghiệp vụ chuyên ngành (vòng 2) tại kỳ thi tuyển công chức, theo Bộ Nội vụ, hiện nay, theo quy định tại Nghị định số 161/2018/NĐ-CP thì thi vòng 2 kỳ thi tuyển dụng công chức thực hiện theo hình thức thi viết hoặc thi phỏng vấn. Tuy nhiên, để có thể kiểm tra được toàn diện hơn nữa năng lực, trình độ, kỹ năng của người tham gia dự tuyển công chức, qua một số cuộc thảo luận, trao đổi đã có một số ý kiến đề nghị bổ sung thêm hình thức kết hợp cả hai hình thức là thi viết và thi phỏng vấn. Như vậy, hình thức thi vòng 2 kỳ thi tuyển sẽ có sự thay đổi (thi viết hoặc thi phỏng vấn hoặc kết hợp cả hai hình thức thi viết và thi phỏng vấn). Bộ Nội vụ nhận thấy kiến nghị này là phù hợp và bổ sung hình thức này vào nội dung dự thảo. Tuy nhiên, để quy định được thực hiện thống nhất, không gây khó khăn cho Bộ, ngành, địa phương trong quá trình thực hiện, Bộ Nội vụ đề xuất trường hợp thi vòng 2 bằng hình thức kết hợp cả thi viết và thi phỏng vấn thì thang điểm chấm thi của thi viết và thi phỏng vấn là 50 điểm (tổng của hai hình thức này là 100 điểm), đồng nhất với thang điểm khi chỉ tổ chức theo một hình thức là thi viết hoặc thi phỏng vấn. Thời gian thi viết là 180 phút và thời gian thi phỏng vấn là 30 phút.

Đặc biệt, để tăng cường hơn nữa tính minh bạch của kỳ tuyển dụng, nâng ngạch, tránh tình trạng có người nhà, người thân tham gia làm thành viên Hội đồng, thành viên các bộ phận giúp việc, dự thảo Nghị định bổ sung quy định không bố trí làm thành viên Hội đồng, thành viên bộ phận giúp việc của Hội đồng tuyển dụng, nâng ngạch đối với những người có quan hệ là cha, mẹ, anh, chị, em ruột của bên vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ hoặc con nuôi của người dự thi hoặc những người đang trong thời hạn xử lý kỷ luật hoặc đang thi hành quyết định kỷ luật.

Quy định về sử dụng công chức

Về nội dung này, dự thảo Nghị định đã đề xuất những quy định về bố trí, phân công công tác và chuyển ngạch công chức; nâng ngạch công chức; điều động, biệt phái công chức; bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý; bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; luân chuyển công chức lãnh đạo, quản lý; từ chức, miễn nhiệm đối với công chức lãnh đạo, quản lý.

So với quy định tại Nghị định số 24/2010/NĐ-CP, Nghị định số 161/2018/NĐ-CP thì dự thảo Nghị định có một số nội dung mới. Đó là, giao Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng và cung cấp phần mềm thông thi, ngân hàng câu hỏi, đề thi, đáp án cho các kỳ thi nâng ngạch công chức.

Dự thảo Nghị định cũng đã bổ sung nội dung quy định thực hiện rà soát để xét nâng ngạch trước, sau đó mới tổ chức thi nâng ngạch, bảo đảm tính thống nhất khi thực hiện.

Đối với quy định về tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự thi cũng được nghiên cứu để thay đổi về điều kiện chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, Bộ Nội vụ cho biết nội dung này được nghiên cứu để bảo đảm tính thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 100/2019/QH14 của Quốc hội (tương tự như đối với tuyển dụng công chức).

Mặt khác, các nội dung liên quan đến quy định về điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian công tác, từ chức, miễn nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý được rà soát, bảo đảm thống nhất giữa quy định của Đảng và của pháp luật trong công tác cán bộ.

Ngoài ra, dự thảo Nghị định đã đề xuất các quy định về nội dung quản lý công chức; nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Nội vụ; nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; nhiệm vụ, quyền hạn của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan sử dụng công chức; chế dodọ báo cáo về công tác quản lý công chức./.

Tú Giang

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực