Một dấu mốc lịch sử trong quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản

Thứ ba, 28/02/2017 13:02
(ĐCSVN) - Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Nhà vua Nhật Bản Akihito và Hoàng hậu Nhật Bản Michiko tiến hành chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 28/02 - 05/3/2017. Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản.


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội kiến Nhà vua Nhật Bản Akihito trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản, ngày 16/9/2015. Ảnh: Trí Dũng - TTXVN

Chuyến thăm của Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản diễn ra trong bối cảnh quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á giữa Việt Nam và Nhật Bản ngày càng phát triển tốt đẹp, toàn diện trên nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, an ninh - quốc phòng, nông nghiệp, lao động, văn hóa, thể thao, du lịch... Giao lưu, tiếp xúc giữa Lãnh đạo cấp cao, các cấp, địa phương hai nước và giao lưu nhân dân diễn ra thường xuyên, mật thiết. Thủ tướng Nhật Bản Sin-dô A-bê vừa kết thúc thành công chuyến thăm chính thức Việt Nam tháng 01/2017.

Nhật Bản là quần đảo nằm ở Tây Bắc lòng chảo Thái Bình Dương, ngoài khơi phía Đông lục địa châu Á, trải theo một vòng cung hẹp dài 3.800km; gồm 6.852 hòn đảo lớn nhỏ, tổng diện tích là 377.944km2, với 4 đảo lớn nhất, chiếm 97% diện tích, là Hokkaido, Honshu, Shikoku và Kyushu. 73% diện tích đất là đồi núi và rừng rậm. Hiện còn 108 núi lửa đang hoạt động. Dân số 126,86 triệu (tính đến tháng 12/2016), giảm liên tục từ năm 2011 đến nay. 98,5% dân số là thuần Nhật, phần còn lại là dân tộc thiểu số (Ainu ở phía Bắc) và người nước ngoài. Tuổi thọ trung bình là 83,5 cao nhất thế giới. Nhật Bản đang đối mặt với nguy cơ sụt giảm dân số, dự báo là 95 triệu đến 2050, chủ yếu do tỷ lệ sinh mới thấp. Chính phủ Nhật Bản đang từng bước nới lỏng các quy định nhập cư và công nhận quốc tịch tự nhiên nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động.

Lịch sử Nhật Bản đi qua thời cổ đại và phong kiến, hình thành phân chia giai cấp và các nhà nước nhỏ. Thủ đô đầu tiên của Nhật Bản là Nara vào đầu thế kỷ thứ 8 và tồn tại hơn 70 năm (từ 710 đến 784). Năm 794, Thủ đô mới được chuyển tới Kyoto, mở ra thời kỳ Heian với những phát triển vượt bậc trong văn học nghệ thuật. Năm 1603, Tướng quân Tokugawa Ieyasu lập ra Chính phủ quân sự ở Edo (sau gọi là Tokyo). Đây là một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử Nhật Bản, tạo ra khuôn mẫu thể chế chính trị xã hội duy trì trong suốt 265 năm với những biện pháp quyết liệt như đóng cửa với thế giới bên ngoài, rồi sụp đổ năm 1867 và Hoàng đế được khôi phục đầy đủ quyền lực trong cuộc phục hưng Minh Trị (1868-1912) - là thời kỳ phát triển rực rỡ nhất trong lịch sử Nhật Bản. Sau Chiến tranh thế giới thứ II, Nhật Bản đặt dưới sự kiểm soát của Mỹ từ 1945-1951. Năm 1951, Nhật Bản ký Hiệp ước Hoà bình San Francisco; song song với phục hồi kinh tế, Nhật Bản dần khôi phục vị thế quốc tế, trở thành thành viên tích cực trong các diễn đàn kinh tế, chính trị, xã hội quốc tế.

Theo Hiến pháp năm 1947, Nhật Bản theo thể chế quân chủ lập hiến kiểu Anh, trong đó, Nhà vua Nhật Bản Akihito là nguyên thủ tượng trưng về mặt đối ngoại; Nhà nước được tổ chức theo chế độ tam quyền phân lập; Chính phủ hiện nay là chính phủ liên minh giữa Đảng Dân chủ Tự do (LDP) và Đảng Công Minh (Komeito). 

Lịch sử cho thấy quan hệ giao lưu hai nước Việt Nam – Nhật Bản đã được diễn ra từ xa xưa. Vào thế kỷ thứ 8, nhà sư Phật Triết từ miền Trung Việt Nam đã sang Nhật Bản truyền đạo và dạy nhạc Lâm Ấp, được dân người địa phương thờ tại Chùa Đại An thành phố Nara. Vào thế kỷ 16, 17, các thương nhân Nhật Bản đã đến giao thương tại Hội An và hiện vẫn còn nhiều di tích còn được lưu giữ đến ngày nay như cầu Nhật Bản, khu mộ người Nhật Bản. Đầu thế kỷ 20, phong trào Đông Du đã diễn ra với mục tiêu đưa thanh niên Việt Nam sang Nhật Bản học tập để giải cứu đất nước. Trong phong trào này, nhà chí sĩ Phan Bội Châu và bác sỹ Sa-ki-ta-rô A-sa-ba đã có một tình bạn đẹp, được lưu truyền trong lịch sử.

Việt Nam – Nhật Bản  thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 21/09/1973. Sau năm 1975, hai bên trao đổi Đại sứ quán. Giai đoạn 1979-1990, do vấn đề Campuchia, Nhật Bản đông kết các khoản viện trợ đã thỏa thuận. Quan hệ chính trị rất hạn chế. Năm 1992, Nhật Bản quyết định mở lại viện trợ cho Việt Nam. Từ đó đến nay, các mối quan hệ kinh tế, chính trị, giao lưu văn hoá… được mở rộng; sự hiểu biết và tin cậy giữa hai nước từng bước được tăng lên. Trong những năm gần đây, quan hệ Việt Nam và Nhật Bản phát triển nhanh chóng. Nhật Bản là nước G-7 đầu tiên đón Tổng Bí thư Việt Nam đi thăm (năm 1995), nước G-7 đầu tiên thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược với Việt Nam (năm 2009), nước G-7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam (năm 2011), nước G-7 đầu tiên mời Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng (5/2016).

Từ năm 2002 đến nay, quan hệ hai nước không ngừng được củng cố và phát triển. Nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản Koizumi 4/2002, hai nước đã thiết lập quan hệ “Đối tác tin cậy, ổn định lâu dài”. Năm 2004 hai bên xác định “Vươn tới tầm cao mới của quan hệ đối tác bền vững” (Tuyên bố chung cấp Ngoại trưởng tháng 7/2004). Nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe 11/2006, Thủ tướng hai nước ra Tuyên bố chung về “Hướng tới đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở Châu Á”. Nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Nhật Bản của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tháng 11/2007, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Thủ tướng Yasuo Fukuda đã ký Tuyên bố chung về việc “Làm sâu sắc hơn quan hệ Việt Nam và Nhật Bản” và “Chương trình hợp tác hướng tới quan hệ đối tác chiến lược”. Nhân chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (4/2009), Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và Thủ tướng Aso Taro đã ký Tuyên bố chung về “Quan hệ đối tác chiến lược vì hoà bình và phồn vinh ở Châu Á”, nhất trí đưa quan hệ hai nước lên tầm đối tác chiến lược. Nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan (tháng 10/2010), Thủ tướng hai nước ký “Tuyên bố chung Việt Nam-Nhật Bản về phát triển toàn diện quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở Châu Á”. Trong chuyến thăm Nhật Bản tháng 10/2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Nhật Bản Noda đã ký “Tuyên bố chung triển khai hành động trong khuôn khổ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở Châu Á giữa Việt Nam và Nhật Bản”. Trong chuyến thăm cấp nhà nước Nhật Bản tháng 3/2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã ký “Tuyên bố chung Việt Nam-Nhật Bản về thiết lập quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á”. Trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản tháng 9/2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã ra “Tuyên bố về tầm nhìn chung quan hệ Việt Nam - Nhật Bản”.

Về quan hệ chính trị, đến nay quan hệ giữa hai nước đang ở giai đoạn tốt nhất trong lịch sử kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, có sự tin cậy cao. Lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì thường xuyên các chuyến thăm và tiếp xúc tại các diễn đàn quốc tế và khu vực.

Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam và là nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam (tháng 10/2011). Đến nay, Nhật Bản là nước tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam, nhà đầu tư số 2 tại Việt Nam, đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam (năm 2016). Hai bên đã ký Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư (tháng 12/2004), Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (VJEPA) (tháng 10/2009)... tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho phát triển quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước.

Hiện tại, Nhật Bản đang tích cực hỗ trợ Việt Nam phát triển công nghiệp với 6 ngành được lựa chọn (ô tô và phụ tùng ô tô, máy nông nghiệp, công nghiệp chế biến nông thủy sản, điện tử, công nghiệp môi trường và tiết kiệm năng lượng, đóng tàu) trong Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản đến năm 2020 tầm nhìn 2030.

Về thương mại, hai nước đã dành cho nhau thuế suất tối huệ quốc từ năm 1999. Năm 2016, Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 29,709 tỷ USD (tăng 4,15% so với năm 2015), trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 14,676 tỷ USD (tăng 3,9% so với năm 2015), nhập khẩu đạt 15,033 tỷ USD (tăng 4,7%).

Lũy kế tính đến ngày 20/12/2016, Nhật Bản có 3.280 dự án FDI còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký 42,058 tỷ USD, chiếm 14,36% tổng FDI vào Việt Nam, đứng 2 trong tổng số 116 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Về viện trợ phát triển chính thức ODA, Nhật Bản là nước tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam, chiếm khoảng 30% tổng cam kết ODA của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam. 

Hợp tác về văn hoá, Nhật Bản có nhiều dự án giúp Việt Nam nghiên cứu bảo tồn, tôn tạo các ngôi nhà ở dân gian truyền thống tiêu biểu ở cả ba miền Bắc-Trung-Nam. Chính phủ Nhật Bản bắt đầu hợp tác và hỗ trợ cho việc bảo tồn di tích Hoàng Thành Thăng Long vào năm 2004. Năm 2006, Ủy ban hỗn hợp Việt-Nhật bảo tồn di tích Hoàng Thành Thăng Long đã được thành lập. Từ đó đến nay, Nhật Bản đã cử nhiều chuyên gia về khảo cổ học sang Việt Nam cùng điều tra, khai quật và nghiên cứu. Ngoài ra, hai bên cử nhiều đoàn sang thăm, làm việc, biểu diễn nghệ thuật, tham dự triển lãm, liên hoan phim, tổ chức Lễ hội tại mỗi nước. Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản đã được tổ chức thường niên từ năm 2008; Đại nhạc hội Việt Nam-Nhật Bản năm 2008, 2010 và 2013.

Năm 2010, hai bên đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động văn hóa thiết thực kỷ niệm 1000 năm Thăng Long (Hội chợ Fukuoka-Nhật Bản tại Việt Nam, cuộc thi làm phim toàn quốc dành cho học sinh Việt Nam, Lễ hội tiếng Nhật, Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản). Bộ trưởng Ngoại giao hai nước gia hạn nhiệm kỳ Đại sứ Đặc biệt Việt-Nhật và Đại sứ Đặc biệt Nhật-Việt (đến 31/3/2018) cho ông Sugi Ryotaro.

Nhật Bản là một trong những nước có lượng khách du lịch lớn nhất đến Việt Nam (chiếm gần 10% tổng lượng khách vào Việt Nam). Hai bên đã ký Tuyên bố chung về hợp tác du lịch Việt Nam-Nhật Bản (4/2005) tạo điều kiện cho việc thu hút khách du lịch Nhật Bản vào Việt Nam. Số lượng khách du lịch Nhật Bản vào Việt Nam tăng đều trong những năm qua. Năm 2016, lượng khách du lịch Nhật Bản vào Việt Nam đạt 740.592 lượt, tăng 10,3% so với năm 2015, đứng thứ 3 (sau Trung Quốc và Hàn Quốc). Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 xác định Nhật Bản là một trong những thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam. Khách du lịch Việt Nam đến Nhật Bản tuy số lượng còn khiêm tốn nhưng đã có mức tăng mạnh trong những năm qua (số khách du lịch Việt Nam vào Nhật Bản năm 2015 là 185.400 người; năm 2016 là 233.800 người). Từ tháng 7/2013, Nhật Bản đã áp dụng cấp thị thực nhập cảnh nhiều lần cho công dân Việt Nam.

Chính phủ Nhật Bản thông qua Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã thực hiện dự án hỗ trợ kỹ thuật cho ngành du lịch Việt Nam như: Bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long, tăng cường năng lực quản lý Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà, Phát triển vùng miền thông qua du lịch di sản...

Về phát triển nguồn nhân lực, Nhật Bản đã hỗ trợ Việt Nam nhiều khóa đào tạo ngắn hạn cho các cán bộ quản lý nhà nước và doanh nghiệp du lịch của Việt Nam trong các lĩnh vực như quản lý phát triển du lịch, quy hoạch phát triển du lịch sinh thái, phòng chống thiên tai, bảo vệ đô thị lịch sử văn hóa, sử dụng bền vững và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và văn hóa...

Quan hệ hợp tác về giáo dục và đào tạo giữa hai nước đã phát triển dưới nhiều hình thức: Hợp tác giữa hai Chính phủ, giữa các trường học, giữa các tổ chức, giữa các cá nhân. Nhật Bản là một trong những nước viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho ngành giáo dục đào tạo của Việt Nam. Việt Nam cũng đã mời nhiều giáo sư, chuyên gia Nhật Bản sang giảng dạy, tiếp nhận các học giả Nhật Bản sang tìm hiểu về văn hoá, lịch sử Việt Nam. Tính đến hết 2016, tổng số lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản ở các cấp và bằng tất cả các nguồn kinh phí (kể cả du học tự túc) có khoảng 60.000 người.

Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản là biểu tượng cao quý của đất nước và khối đoàn kết toàn dân Nhật Bản. Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản chỉ thực hiện các chuyến thăm nhân dịp kỷ niệm đặc biệt đối với các đối tác có quan hệ thân thiết với Nhật Bản. Nhà vua Akihitô là người có tình cảm tốt đẹp với Việt Nam, ủng hộ các thành viên Hoàng gia Nhật Bản tăng cường giao lưu với Việt Nam.

Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản là một sự kiện quan trọng, mang ý nghĩa biểu tượng, một dấu mốc lịch sử trong quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước; thể hiện tình cảm và sự quan tâm của Nhật Bản đối với đất nước và nhân dân Việt Nam; góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản ngày càng phát triển toàn diện, tăng cường sự hiểu biết giữa hai dân tộc, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai nước./.

Mạnh Hùng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực