Quyền tài sản và nghĩa vụ chứng minh

Thứ năm, 14/01/2016 17:16
(ĐCSVN) – Công dân có quyền sở hữu, quyền đứng tên hộ người khác nhiều tài sản có giá trị lớn, mà không phải chứng minh nguồn gốc tài sản, hiện đang có nhiều quan điểm khác nhau. Trân trọng những người giàu có, nhưng cũng cần phải có cơ chế kiểm soát nguồn gốc thu nhập.

Ảnh minh họa. (Nguồn: vov.vn)

Thói quen thanh toán bằng tiền mặt trong mọi giao dịch (trừ một số giao dịch phải thanh toán của ngân hàng) đã tồn tại ở nước ta nhiều năm. Dù thanh toán bằng tiền mặt hay qua ngân hàng với số lượng tiền nhiều hay ít, thì cá nhân, tổ chức cũng không phải chứng minh nguồn tiền từ đâu mà có.

Cách thanh toán đơn giản, linh hoạt, xét theo khía cạnh nào đó đã góp phần làm cho thị trường tài chính và nhiều thị trường khác vận hành thông suốt. Tuy nhiên, cách thanh toán này cũng tiểm ẩn nhiều rủi ro, “ tiền sạch”, “ tiền đen” nhiều khi rất khó phân định.

Chỉ khi Giang Kim Đạt (nguyên Trưởng phòng kinh doanh Công ty TNHH Một thành viên Vận tải viễn dương Vinashin, thuộc Tập đoàn Vinashin) bị bắt thì dư luận mới “rúng động” khi báo chí  thông tin: Ngoài 34 biệt thự, nhà có giá trị lớn ở trong nước, Đạt còn sở hữu căn hộ cao cấp nhiều triệu USD tại Singapore, mua bán 4 căn hộ sang trọng hơn 4 triệu bảng ở Anh.

Vụ án Giang Kim Đạt đang được điều tra, nhưng nguồn tài sản mà Giang Kim Đạt có hoặc đứng hộ vẫn là “ẩn số” và chắc sẽ  được cơ quan điều tra làm rõ. Giang Kim Đạt không phải là người tài năng, chỉ “nổi tiếng” ở Vinashin mà có tài sản như thế kể cũng lạ(?!). Nếu Giang Kim Đạt không bị bắt, rất có thể khối tài sản khổng lồ kia sẽ “an toàn”?

Khi chưa xác minh, điều tra được dấu hiệu phạm tội và tài sản bất minh, thì cá nhân, tổ chức không có nghĩa vụ phải tiết lộ tài sản của mình hoặc đứng tên hộ người khác. Đề cập đến vấn đề này, hẳn dư luận không quên vụ một công dân ở Đà Nẵng đứng tên hộ 12 lô đất ven biển vừa được báo chí thông tin.

Khi báo chí hỏi: Tiền đâu mà mua được nhiều đất như vậy? Công dân ở Đà Nẵng đã trả lời: “Khi đi làm ăn, tôi có tích lũy được ít tiền, trong số 12 lô đất tôi mua có một phần ít tiền của tôi, còn lại là tôi đứng tên mua giúp cho một người. Còn người đó là ai thì xin phép tôi không cung cấp cho báo chí được, vì đó là chuyện làm ăn riêng tư của chúng tôi” (!?). 

Nhìn ra thế giới, mỗi nước đều có những quy định khác nhau về kiểm soát thu nhập và tài sản. Nhưng điểm chung là, nhiều nước quy định, các giao dịch đều phải thực hiện qua ngân hàng, phải có xác nhận của cơ quan thuế và phải chứng minh rõ nguồn thu nhập hợp pháp .

Ở nước ta, kể cả khi  tài sản (đặc biệt bất động sản có giá trị lớn) đã được đóng thuế và giao dịch qua ngân hàng, thì cũng khó kiểm soát đâu là tài sản sạch, đâu là tài sản bất minh.

Có rất nhiều giải pháp để kiểm soát được tài sản và thu nhập của mọi chủ thể (không phân biệt tổ chức, cán bộ và người dân ), trong đó có việc sửa đổi cơ chế, chính sách pháp luật để hạn chế tối đa việc thanh toán bằng tiền mặt; cá nhân, tổ chức phải có nghĩa vụ chứng minh, giải trình đối với khoản thu nhập và các giao dịch có giá trị từ 50 - 100 triệu đồng trở lên.

Kiểm soát tài sản và thu nhập không đống nghĩa với việc công khai tài sản hợp pháp khi không có sự đồng ý của cá nhân, tổ chức. Đây không chỉ là quyền công dân, mà còn là cách bảo đảm an toàn tài sản hợp pháp trước những phần tử xấu và tội phạm./.

 

Đăng Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực