Lễ hội Katê của đồng bào Chăm Ninh Thuận năm 2016

Thứ sáu, 30/09/2016 18:24
(ĐCSVN) – Sáng 30/9, tại khu đền tháp Pô Klong Garai, UBND tỉnh Ninh Thuận phối hợp với huyện Ninh Phước và cộng đồng đồng bào Chăm Ninh Thuận tổ chức Lễ hội Katê năm 2016.

Đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước cùng lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Tôn giáo Chính phủ đã đến dự. Cùng dự có các đồng chí lãnh đạo Đảng bộ, chính quyền, các ban, ngành tỉnh Ninh Thuận, huyện Ninh Phước và đông đảo đồng bào Chăm tỉnh Ninh Thuận, đồng bào Chăm từ nhiều tỉnh, thành khác hành hương về cũng như đông đảo du khách trong và ngoài nước...

Từ sáng sớm, đông đảo người Chăm Ninh Thuận và các du khách gần xa
đã lên Tháp Pô Klong Garai để tham dự Lễ hội Katê năm nay (Ảnh: Đình Tăng)

Ban Tổ chức Lễ hội Katê Ninh Thuận 2016 cho biết: Theo thông lệ, hàng năm cứ đúng vào ngày mùng 01 tháng 7 Chăm lịch thì đồng bào Chăm khắp nơi của tỉnh Ninh Thuận nô nức đến viếng và dâng lễ tại các Đền Tháp để tỏ lòng biết ơn các đấng đã có công xây dựng đất nước.

Phong tục này đã có từ lâu đời, do người Chăm chủ yếu sống bằng nghề nông phụ thuộc vào thời tiết rất nhiều, nên sau khi thu hoạch họ thường lên Tháp để tạ ơn và cầu xin Ngài cho mưa thuận gió hòa, mùa màng được tươi tốt, gia quyến được bình an. Việc này lâu dần trở thành một nét văn hóa tinh thần độc đáo trong đời sống và sinh hoạt của cộng đồng người Chăm.

Hiện nay, cùng với sự chăm lo phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào Chăm cả nước, trong đó có Ninh Thuận, Đảng và Nhà nước cũng đề ra nhiều chủ trương tôn vinh và bảo tồn bản sắc các giá trị văn hóa của các dân tộc với tinh thần đại đoàn kết các dân tộc và tôn giáo. Trong điều kiện đó, Lễ hội Katê của cộng đồng đồng bào Chăm tại Ninh Thuận cũng ngày càng được tổ chức long trọng hơn, quy mô hơn trong một không gian rộng lớn; từ Katê đền tháp, Katê thôn làng đến Katê gia đình.

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Thuận khẳng định: Qua quá trình dung hợp, tiếp nhận, tiếp biến văn hóa, dân tộc Chăm đã tạo nên bản sắc văn hóa riêng, độc đáo, phát triển rực rỡ bắt nguồn từ nền văn hoá bản địa. Văn hóa dân tộc Chăm là bộ phận không thể tách rời và nằm trong sự thống nhất của nền văn hóa dân tộc Việt Nam.

Đồng chí Nguyễn Đức Thanh nhấn mạnh: “Nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước đã quan tâm, chỉ đạo việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, đồng thời với phát triển kinh tế, xã hội, trong đó có dân tộc Chăm. Những đền tháp là tài sản vô giá, quý báu của dân tộc Chăm được thế giới vinh danh, nhà nước tu bổ, bảo tồn, phát huy giá trị; các lễ hội đặc sắc gắn liền với đời sống tâm linh, tín ngưỡng, lao động sản xuất được duy trì, phát huy trong cộng đồng, trở thành nét đẹp, bản sắc văn hóa của dân tộc Chăm; diện mạo và đời sống văn hóa, kinh tế các làng Chăm đã có những chuyển biến, thay đổi hòa nhịp với sự phát triển của đất nước”.

Thay mặt Đảng bộ, chính quyền tỉnh Ninh Thuận, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Đức Thanh bày tỏ mong muốn: Các vị chức sắc tiếp tục tuyên truyền, động viên bà con tín đồ đồng bào Chăm sát cánh cùng đồng bào cả nước chung sức, phát huy truyền thống yêu nước, yêu quê hương, quyết tâm vượt qua những khó khăn, nỗ lực phấn đấu, thực sự đoàn kết một lòng, ra sức thi đua lao động, phát triển sản xuất; quyết tâm cùng với cả nước thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, góp phần xây dựng quê hương Ninh Thuận giàu về kinh tế, đẹp về văn hóa, mạnh về quốc phòng an ninh. Thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Quang cảnh Lễ hội tại khu đền tháp Pô Klong Garai sáng 30/9 (tức mồng Một tháng Bảy theo Chăm lịch)
(Ảnh: Đình Tăng)

Trước đó, Cả sư Đổng Bạ, chủ trì tháp Pô Klong Garai trong phát biểu mở đầu Lễ Katê năm nay cho biết: Katê là lễ hội lớn nhất trong năm, được cử hành long trọng tại 3 vùng Đền Tháp gồm: Tháp Pô Rômê ở Hậu Sanh, Đền Pô Inư Nưgar ở Hữu Đức và Tháp Pô Klong Garai ở trên đỉnh Chơk Hala (Đồi Trầu). Tương truyền, Ngài (tức vua Po Klong Garai (1151 – 1205)) là vị vua có công trạng đối với dân tộc Chăm. Ngài có tài dẫn thủy nhập điền, hướng dẫn xây đập Nha Trinh và đào vét các kênh Chàm. Vì thế, lễ hội Katê là dịp để nhắc nhở đồng bào Chăm luôn luôn tôn trong đạo lý “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây”. Đón mừng Katê trong niềm hân hoan phấn khởi, chúng ta càng bồi đắp tình đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc anh em, hướng về tương lai, chung sức xây dựng tỉnh nhà ngày càng trù phú tươi đẹp.

Trước đó, để chuẩn bị cho buổi Lễ, trong không gian linh thiêng của các đền tháp, âm nhạc hòa quyện với các điệu múa truyền thống, trang phục đặc sắc… hàng nghìn người Chăm khắp nơi từ sáng sớm đã hành hương đến các đền tháp để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, con cháu sức khỏe, bình an cho bản thân, gia đình, làng xóm. Lễ hội cũng thu hút rất nhiều du khách thập phương đến tham quan và tìm hiểu phong tục tập quán của đồng bào Chăm, qua đó làm cho không khí Lễ hội thêm sôi động và đầy sắc màu rực rỡ./.

Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực