Chung tay bảo đảm cấp nước an toàn khu vực nông thôn

Thứ sáu, 12/06/2020 22:06
(ĐCSVN) - Việc cung cấp nguồn nước an toàn cho khu vực nông thôn hiện nay còn gặp nhiều khó khăn do liên quan đến điều kiện tự nhiên, thiếu nguồn vốn triển khai hoặc việc còn có hiện tượng xả chất độc hại ra môi trường, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước, sử dụng các công trình cấp nước chưa phát huy hết hiệu quả…

Đó là những vấn đề bấp cập được các đại biểu nêu ra tại Tọa đàm trực tuyến “Chung tay bảo đảm cấp nước an toàn khu vực nông thôn” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức, diễn ra chiều 12/6, tại Hà Nội.

 Quang cảnh Tọa đàm (Ảnh: BT)

Là địa phương chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn ảnh hưởng đến nguồn nước, tại Tọa đàm, ông Nguyễn Quốc Hận – Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau cho biết, thực tế tại Cà Mau, là tỉnh có cao trình trung bình thấp so với mặt nước biển, đồng thời là địa phương dự báo chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Thời gian qua, do nước biển dâng, tình hình xâm nhập mặn ngày càng sâu vào đất liền nên diện tích nước ngọt của tỉnh mỗi ngày bị thu hẹp, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân.

Ý thức được vấn đề này, từ năm 2015, tỉnh đã ban hành Nghị quyết 07 về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2020, trong đó có chỉ tiêu cung cấp nước sạch. Tuy nhiên, hiện, tỉnh còn trên 18.000 hộ chưa đủ nước sạch để sinh hoạt, với những hộ này, người dân phải sống từ nguồn nước từ nơi khác đến và mua với mức giá cao. Đồng thời, để triển khai nước sạch cho người dân, hiện nay, khó khăn lớn nhất của địa phương đang gặp phải là về nguồn vốn.

Chia sẻ về những bất cập trong triển khai cấp nước an toàn cho người dân hiện nay, ông Nguyễn Lâm Thành – Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội nhấn mạnh, bên cạnh những vùng thuận lợi về nguồn nước, vẫn còn nhiều vùng khó khăn, thiếu, khan hiếm nước. Đặc biệt là vùng cao, vùng núi đá hoặc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Tây nguyên.

Ở khu vực nông thôn, chất lượng nước ngầm và nước giếng khoan vẫn còn thấp. Đồng thời, qua giám sát, công tác duy tu, bảo dưỡng công trình cấp nước một số nơi chưa được duy trì tốt, ảnh hưởng đến việc cung cấp nguồn nước. Tình trạng xả chất độc hại ra môi trường ở một số nơi đáng báo động, ảnh hưởng đến nguồn và chất nước nước. Do vậy, theo ông Nguyễn Lâm Thành, một trong những giải pháp quan trọng hiện nay là cần tăng cường nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ nguồn nước sạch.

PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Cấp thoát nước Việt Nam cho biết thêm: Mặc dù nhiều địa phương đã có Ban Chỉ đạo cấp nước an toàn nhưng quy chế, cơ chế, tổ chức triển khai thực hiện còn nhiều hạn chế, dẫn đến triển khai kế hoạch chưa được triệt để. 

Nhằm để đảm bảo nguồn cung và chất lượng nước an toàn, tại Tọa đàm, ông Nguyễn Quốc Thắng – Phó Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân cho rằng, cần xử lý nghiêm các hành vi vi phạm làm ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước. Đồng thời, cần giải quyết được bài toán làm sao thu hút được các nguồn lực để góp phần giải quyết các khó khăn hiện nay liên quan đến nguồn nước.

Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, cần chú ý đến việc hợp nhất quản lý nguồn nước giữa đô thị và nông thôn, không có sự phân biệt giữa hai khu vực này để tận dụng năng lực tài chính và đầu tư của khu vực đô thị; đồng thời, hợp nhất quản lý nước, hệ thống đầu tư vận hành về một đầu mối. Trong đó, chú ý xây dựng kế hoạch cấp nước an toàn theo từng khu vực./.

 

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực