Cuộc sống của đồng bào Khmer Sóc Trăng ngày một khởi sắc

Thứ tư, 13/05/2020 15:45
(ĐCSVN) - Những năm qua, nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước về đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, hỗ trợ vốn vay ưu đãi, chuyển giao khoa học, kỹ thuật trong sản xuất… nên cuộc sống của đồng bào Khmer tại huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng ngày càng một phát triển rõ nét, diện mạo xóm, ấp nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống cũng ngày càng khởi sắc.

Thời gian qua, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng đã triển khai hiệu quả các nguồn hỗ trợ đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhờ đó, đời sống người dân nơi đây đã có những chuyển biến đáng kể, diện mạo phum sóc đổi thay từng ngày. 

Chị Lâm Thị Nal, ấp Bưng Lức đang chăm sóc đàn bò giống của gia đình. 

Ấp Bưng Lức, xã Trung Bình, huyện Trần Đề có 100% là đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào trồng lúa và chăn nuôi gia súc (trâu, bò). Đây từng là ấp đặc biệt khó khăn, không đường, không điện, không nước sạch. Từ khi có các chương trình, dự án của Đảng, Nhà nước, cơ sở hạ tầng từng bước được xây dựng, người nghèo được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, nên đời sống của bà con ở đây không ngừng tiến bộ. Ông Triệu Sát, người dân địa phương cho biết, hơn 10 năm nay, nhờ hệ thống công trình thủy lợi được đầu tư đồng bộ, ngăn mặn, trữ ngọt, người dân Bưng Lức từ làm một vụ lúa đã chuyển sang làm 2 vụ, 3 vụ. Bên cạnh đó, người dân còn áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa giống lúa chất lượng cao vào sản xuất, giúp năng suất và giá trị lúa không ngừng được nâng cao, đời sống ngày càng đổi thay.

 Tại các phum sóc, đồng bào Khmer xây dựng thành công nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, đem lại thu nhập cao như trồng trọt kết hợp chăn nuôi, mô hình tôm - lúa, cá - lúa, nuôi bò sữa, nuôi gà, trồng nấm rơm…  Hàng chục nghìn hộ Khmer vươn lên thoát nghèo ngay trên chính quê hương mình. Hộ chị Lâm Thị Nal, là hộ nghèo, ở ấp Bưng Lức không đất sản xuất, không có nghề ổn định, được địa phương xét hỗ trợ 5 con bò giống lai sind về nuôi. Nhờ được tập huấn kỹ thuật, đàn bò của chị không ngừng phát triển. Nhờ vậy mà hiện nay gia đình chị là một trong những hộ thoát nghèo bền vững tại địa phương. Chị Nal chia sẻ: “Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng chính quyền địa phương quan tâm, bây giờ gia đình tôi đã đỡ khó khăn rồi, có nhà để ở, không còn sợ mưa gió nữa, con tôi cũng được cấp sách đến trường”.

 Các tuyến lộ giao thông nông thôn được xây dựng khang trang, sạch đẹp

Các nguồn vốn hỗ trợ đầu tư từ ngân sách của Đảng, Nhà nước, cùng sự chung tay, góp sức của người dân ngày một thay đổi diện mạo trong xây dựng điện, đường, trường, trạm ngày càng khang trang, sạch đẹp và văn minh. Đồng chí Ngô Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, đến nay, đa số xã, thôn, bản... tại huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng có đường ô-tô đến trung tâm xã được trải nhựa hay bê-tông thông thoáng, ấp, khóm đều có điện lưới quốc gia, nước sạch phục vụ sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh chương trình giảm nghèo bền vững, chương trình xây dựng nông thôn mới tại huyện Trần Đề cũng được quan tâm, đẩy mạnh, làm theo đổi diện mạo nông thôn. Từ đó cũng đã góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội vùng nông thôn phát triển. Đây cũng là động lực hỗ trợ để thực hiện chính sách giảm nghèo của huyện đạt hiệu quả cao.

 Với chính sách quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước và địa phương, vùng đồng bào Khmer tại huyện Trần Đề đã phát triển mạnh về kinh tế - xã hội. Bà con đều phấn đấu phát triển kinh tế gia đình, đời sống văn hóa được cải thiện nhanh chóng, hiệu quả; trình độ dân trí được nâng cao. Từ đó, niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước trong đồng bào ngày càng được củng cố. Khối đại đoàn kết dân tộc trong đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được giữ vững và tăng cường./.

Bài, ảnh: Thanh Nam

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực