Hành trình 70 năm tri ân

Thứ năm, 27/07/2017 09:10
(ĐCSVN) – Với trách nhiệm cao cả và tình cảm sâu nặng, 70 năm qua (1947-2017), công tác thương binh – liệt sĩ và người có công với cách mạng đã phần nào xoa dịu nỗi đau, sự mất mát của người có công và thân nhân người có công với cách mạng.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung thăm, tặng quà thương binh tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh tỉnh Phú Thọ (Ảnh: MD)

Tri ân bằng cả tấm lòng

Đất nước ta đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc mà phần lớn là thanh niên, đã hiến dâng tuổi thanh xuân và cả cuộc sống của mình cho đất nước.

Cách đây 70 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nền móng cho chính sách người có công và chọn ngày 27/7 là Ngày Thương binh toàn quốc (nay là Ngày Thương binh - Liệt sĩ). Và ngày 27/7 hằng năm đã khắc vào tâm khảm hàng triệu trái tim, tấm lòng người Việt. Tháng 7 này càng trở nên ý nghĩa hơn khi năm nay vừa tròn 70 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2017).

Nhìn lại công tác người có công, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung khẳng định: Trong suốt 70 năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn quan tâm đến công tác tri ân liệt sĩ, gia đình liệt sĩ và công tác thương binh; hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng đã được nghiên cứu xây dựng, ban hành tương đối toàn diện, đầy đủ và kịp thời, được ghi trong Hiến pháp Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và được chế định thành các văn bản như Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” cùng nhiều chính sách ưu đãi khác. Đối tượng người có công ngày một mở rộng, chế độ ưu đãi ngày một nâng cao gắn liền với sự đảm bảo công bằng và sự đồng thuận của xã hội.

Đến nay, việc xác nhận các đối tượng người có công với cách mạng cơ bản đã hoàn thành với hơn 9 triệu người (trong đó có 1,2 triệu liệt sĩ, 127.000 mẹ Việt Nam anh hùng, 800.000 thương binh, 110.000 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày và 312.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học được công nhận). Nhiều chế độ ưu đãi được bổ sung so với trước như chế độ trợ cấp người phục vụ đối với Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống tại gia đình; chế độ trợ cấp người phục vụ đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên sống tại gia đình; chế độ thờ cúng liệt sĩ…

Cùng với đó, phong trào đền ơn đáp nghĩa được phát triển rộng khắp trong cả nước. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin: “Chỉ tính riêng từ năm 2007-2017, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của Trung ương đã vận động được trên 46 tỷ đồng, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của địa phương vận động được gần 5.524 tỷ đồng. Phong trào tặng sổ tiết kiệm của cả nước 133.321 sổ với tổng kinh phí hơn 4.620 tỷ đồng. Xây dựng mới 104.763 nhà tình nghĩa trị giá 3.532 tỷ đồng, sửa chữa 74.906 nhà tình nghĩa trị giá hơn 1.115 tỷ đồng. Thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, đã bố trí 11.568 tỷ đồng hỗ trợ trên 410 nghìn hộ gia đình chính sách người có công sửa chữa, xây dựng nhà ở mới”.

Công tác xây dựng, tu bổ nghĩa trang liệt sĩ, các công trình tưởng niệm liệt sĩ được quan tâm và đạt kết quả tích cực. Hiện cả nước có 9.637 công trình ghi công liệt sĩ, bao gồm: tượng đài tưởng niệm, nhà bia ghi tên liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ. Nhiều công trình ghi công liệt sĩ có giá trị về mỹ thuật, giáo dục truyền thống; công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; xác định danh tính liệt sĩ đã được Đảng, Nhà nước, quân đội quan tâm, chú trọng. 5 năm qua, đã tổ chức tìm kiếm, quy tập trên 75.000 hài cốt liệt sĩ (trong đó từ Lào về là 16.613 hài cốt; Campuchia 15.148 hài cốt). Bằng phương pháp thực chứng và giám định ADN, chúng ta đã xác định danh tính cho 3.423 liệt sĩ gửi tới thân nhân và tổ chức gắn bia ghi tên liệt sĩ. Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ, đã cấp, đổi trên 42.000 bằng Tổ quốc ghi công; xác nhận và công nhận 585 liệt sĩ trong số hồ sơ tồn đọng, xác nhận trên 2.000 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh.

Với những chính sách ưu đãi của Nhà nước cùng sự chung tay chăm lo của toàn xã hội, các mẹ Việt Nam anh hùng còn sống đều đã được các đơn vị nhận phụng dưỡng; 96,5% xã, phường được công nhận làm tốt công tác thương binh - liệt sĩ, 97% hộ gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống người dân nơi cư trú.

Có thể nói, những hành động đó đã phần nào thể hiện được trách nhiệm, tinh thần "hiếu nghĩa, bác ái" của toàn dân tộc ta đối với những người đã hy sinh, người có công và thân nhân người có công trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc vĩ đại của dân tộc.       

Không được phép tự hài lòng, ngưng nghỉ

Dù đã làm được rất nhiều việc, tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ LĐ-TB&XH, hiện nay công tác chăm sóc người có công, động viên giúp đỡ người có công vươn lên trong cuộc sống vẫn còn có những hạn chế cần khắc phục.

Người đứng đầu ngành Lao động – Thương binh và Xã hội luôn bày tỏ những trăn trở, day dứt về những việc chưa làm được trong công tác người có công. Đó là, hiện tại cuộc sống của một số gia đình người có công còn nhiều khó khăn, vẫn còn nhiều trường hợp người có công chưa hoàn tất hồ sơ để hưởng chế độ. Đặc biệt, hiện vẫn còn hơn 300 nghìn hài cốt liệt sĩ đã được quy tập về các nghĩa trang nhưng chưa xác định được danh tính và trên 200 nghìn mộ liệt sĩ vẫn chưa được quy tập. Họ đều phải mang tên Liệt sĩ khuyết danh. Đây là nỗi day dứt khôn nguôi và trách nhiệm lớn của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, bước vào thời kỳ mới, việc giải quyết chính sách ưu đãi người có công và gia đình người có công cần phải được đổi mới và tăng cường.

Bộ trưởng cho biết, mục tiêu tổng quát cần phấn đấu trong thời gian tới là từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người có công với cách mạng, phấn đấu đến năm 2020, 100% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú. Tập trung, quyết liệt thực hiện công tác xác nhận người có công, phấn đấu đến năm 2020, giải quyết căn bản việc xác nhận hồ sơ tồn đọng xác nhận người có công với cách mạng.

Đồng thời, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; triển khai đồng bộ, thống nhất, kịp thời Pháp lệnh Ưu đãi người có công; giải quyết tốt các vấn đề tồn đọng sau chiến tranh; cải cách thủ tục hành chính trong xác nhận người có công qua các thời kỳ kháng chiến; tạo điều kiện thuận lợi để người có công thụ hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước; thường xuyên thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm những vụ việc tiêu cực sai phạm trong quá trình thực hiện chính sách ưu đãi người có công; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.

Quan tâm và thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình người có công, huy động mọi nguồn lực xã hội trong phong trào đền ơn đáp nghĩa; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng truyền thống cách mạng, sự đóng góp hy sinh của những người và gia đình người có công; đẩy mạnh xã hội hóa công tác Đền ơn đáp nghĩa, vận động để công tác đền ơn đáp nghĩa thực sự là một nghĩa vụ, bổn phận của tất cả mọi người, nhất là cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên thế hệ trẻ…

Mặt khác, phải động viên, khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để thương binh, bệnh binh, gia đình người có công với cách mạng hăng say, tích cực, gương mẫu trong học tập, lao động sản xuất, quản lý xã hội, nghiên cứu khoa học xứng đáng là người công dân kiểu mẫu, gia đình cách mạng gương mẫu, góp phần xây dựng quê hương đất nước, qua đó giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc đối với thế hệ trẻ...

Tất nhiên, để làm được những việc trên không hề dễ dàng. Cũng cần khẳng định, đền ơn đáp nghĩa không phải là chỉ thực hiện một ngày, một tháng kỉ niệm, mà cần phải được tiến hành thường xuyên, quanh năm.

Trăn trở trước những điều chưa làm được, người đứng đầu ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã nhiều lần nhấn mạnh: “Chúng ta không bao giờ tự cho phép mình được ngưng nghỉ, hay tự hài lòng về kết quả chăm sóc người có công. Trên thực tế vẫn còn đó rất nhiều nhiệm vụ trọng tâm, trước mắt và lâu dài cần được tổ chức thực hiện thật tốt với tất cả lòng tri ân chân thành, với những tình cảm cách mạng sâu sắc đối với những hy sinh to lớn mà hàng triệu người có công đã mang lại cho cuộc sống, xã hội hôm nay”./.

Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực