Hướng tới Đại hội Hội Người mù Việt Nam: Thực hiện tốt chức năng đại diện, tập hợp, chăm sóc người mù

Thứ tư, 06/12/2017 11:21
(ĐCSVN) - Nhiệm kỳ qua, bám sát nghị quyết Đại hội lần thứ VIII, toàn thể cán bộ, hội viên Hội Người mù Việt Nam luôn đoàn kết, khắc phục khó khăn, năng động, sáng tạo xây dựng Hội vững mạnh, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người mù.

 

Thời gian qua, các cấp Hội Người mù đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho hội viên. (Ảnh: HM)

Phát triển tổ chức Hội

Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam Cao Văn Thành khẳng định: Thực tiễn cho thấy ở đâu có tổ chức Hội, ở đó người mù được chăm sóc tốt hơn, vì vậy công tác tổ chức luôn được coi là nhiệm vụ then chốt để phát triển Hội cả chiều sâu và chiều rộng, hướng tới mục tiêu tất cả người mù đều được sinh hoạt, trưởng thành trong ngôi nhà chung của Hội.

Trung ương Hội luôn quan tâm đến công tác củng cố hoạt động của các tỉnh, nhất là các tỉnh vùng sâu, vùng xa. Với sự quyết tâm của Hội và được sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương, trong 5 năm qua đã thành lập thêm được 9 tỉnh hội mới: An Giang, Trà Vinh, Ninh Thuận, Hậu Giang, Kiên Giang, Đắc Nông, Yên Bái, Bắc Kạn, Hà Giang, nâng tổng số lên 57 tỉnh, thành hội, 436 huyện hội, 3.109 chi hội, 72.445 hội viên.

Nhằm tạo điều kiện để hội viên có cơ hội được phát triển, hòa nhập cộng đồng, các cấp Hội luôn động viên, khuyến khích cán bộ, hội viên học tập ở mọi hình thức như: học hòa nhập tại các cấp học phổ thông, học bổ túc văn hóa, mở các lớp xóa mù chữ, tin học, phục hồi chức năng kết hợp dạy nghề, người biết chữ dạy người chưa biết chữ... Trong 5 năm qua, các cấp Hội mở 288 lớp xóa mù chữ - phục hồi chức năng cho 2.794 hội viên. Trung ương Hội đã cấp hơn 4.477 bộ học cụ, 1.227 bộ sách xóa mù chữ cho các lớp học.

Các Trung tâm Giáo dục dạy nghề trong Hội đã có nhiều nỗ lực, vận động tài trợ để duy trì và phát huy tốt chức năng, mở được 185 lớp cho 1.257 trẻ em; giúp đỡ, nuôi dưỡng các em trong độ tuổi đến trường, mỗi năm khoảng 1.000 em tham gia học hòa nhập ở các cấp học, đa số các em có thành tích học tập tốt, nhiều em đạt được giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh.

Cùng với việc phát triển tổ chức Hội, công tác bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng lãnh đạo cho cán bộ chuyên môn các cấp được Trung ương Hội triển khai thường xuyên. Thông qua các lớp bồi dưỡng cán bộ tại Trung tâm Đào tạo cán bộ - phục hồi chức năng; các chương trình tập huấn, hội thảo, chuyên đề, kết hợp với thực tiễn, sự nhiệt tình, tâm huyết trong công tác, năng lực lãnh đạo của nhiều cán bộ từng bước được nâng lên, ngày càng đáp ứng với yêu cầu đổi mới của đất nước, của Hội.

Hiệu quả từ công tác đào tạo nghề cho hội viên

Nói về công tác đào tạo nghề cho hội viên, Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam Cao Văn Thành cho biết: Để khẳng định khả năng, nghị lực, giảm bớt sự lệ thuộc vào gia đình và xã hội, người mù luôn mong muốn có được việc làm. Thấu hiểu được nhu cầu chính đáng của hội viên, trong các nhiệm kỳ, công tác tạo việc làm, tổ chức sản xuất luôn được coi là nhiệm vụ trọng tâm. Trong giai đoạn 2012 - 2017, công tác này đã đạt được nhiều kết quả có ý nghĩa, giúp cho hội viên tự tin hơn trong cuộc sống, chủ động để nuôi sống bản thân và có cơ hội cống hiến cho xã hội.

 

Một lớp đào tạo tin học do Hội Người mù tỉnh Hải Dương tổ chức cho hội viên. (Ảnh: HM)

Chương trình tạo việc làm, tổ chức sản xuất được triển khai với mô hình chính là sản xuất tập trung và sản xuất tại gia đình. Các cấp Hội đã tận dụng lợi thế về nguyên liệu sẵn có, nghề truyền thống của địa phương, của Hội để thành lập các mô hình hợp tác xã, công ty trách nhiệm hữu hạn, trung tâm, tổ, nhóm sản xuất các mặt hàng thủ công, cơ khí, văn phòng phẩm, se hương, làm đũa, chổi, tăm... tạo việc làm thường xuyên, mang lại thu nhập cho hội viên. Đặc biệt nghề xoa bóp, tẩm quất là nghề chính và phù hợp của người mù hiện nay, đang phát triển mạnh về số lượng cơ sở và kỹ thuật viên, trình độ tay nghề từng bước được nâng cao, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho hội viên ở mức 2,5 triệu đồng/tháng, góp phần giải quyết việc làm, tạo môi trường lành mạnh nghề massage trong xã hội.

Đặc biệt, trong thời đại phát triển mạnh mẽ ứng dụng tiến bộ khoa học trong sản xuất, các cơ sở sản xuất đã đầu tư trang thiết bị, nhà xưởng, nâng cao chất lượng sản phẩm, chú trọng công tác tuyên truyền để sản phẩm của người mù được nhiều người biết đến và tiêu thụ. Đến nay, các cơ sở sản xuất tập trung vẫn ổn định, từng bước phát triển, đã có đơn vị tham gia xuất khẩu sản phẩm của người mù. Qua thống kê, Hội đang quản lý 386 cơ sở sản xuất tập trung trong đó 243 cơ sở xoa bóp, mang lại doanh thu cả nhiệm kỳ là 517,3 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, các cấp Hội tiếp tục nâng cao hiệu quả của Chương trình mục tiêu Quốc gia về vay vốn hỗ trợ việc làm. Với nguồn vốn Trung ương Hội đang quản lý là 49,651 tỷ đồng, vốn kênh địa phương hơn 40 tỷ đồng (trong nhiệm kỳ tăng 5,840 tỷ đồng), nguồn vốn được duy trì và triển khai có hiệu quả tới 49 tỉnh, thành hội, các hội cơ sở. Nguồn vốn đã hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất tập trung mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hội viên phát triển kinh tế gia đình bằng sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi, tự tạo thêm nhiều việc làm mới... góp phần giải quyết, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 10 nghìn lao động chủ yếu là người mù, đời sống hội viên từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống theo hướng bền vững.

Mặt khác, trong nhiệm kỳ qua, công tác dạy nghề, giải quyết việc làm cho hội viên trong độ tuổi lao động là một trong những giải pháp bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế gia đình, kinh tế tập thể cho các cấp hội và hội viên. Trong nhiệm kỳ, các cấp Hội đã mở được 402 lớp, dạy nghề cho 6.630 người, tập trung vào 3 nhóm chính: Nghề xoa bóp; đào tạo, phổ biến, nâng cao trình độ kỹ thuật cho lao động sản xuất, sản phẩm nông nghiệp, sản xuất hàng hóa; đào tạo nghề, phát triển năng khiếu (tin học, âm nhạc…). Các lớp học bảo đảm thời gian theo giáo trình, chi tiêu tài chính đúng quy định, số người có việc làm sau đào tạo là 70%.

Song song với việc vay vốn, dạy nghề tạo việc làm, công tác xã hội hóa trong hoạt động Hội đã giúp cho Hội có điều kiện tổ chức các hoạt động phong phú, đa dạng, thiết thực, chăm sóc người mù tốt hơn. Các cấp hội tích cực trong công tác tuyên truyền hoạt động Hội, từ đó nhận thức của xã hội về tổ chức Hội, cũng như khả năng của người mù có nhiều tiến bộ. Hội viên tin tưởng, đoàn kết xây dựng Hội. 

Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam khẳng định: Nhiệm kỳ tới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự giúp đỡ của các cấp, các ngành, tổ chức và cộng đồng xã hội, Hội Người mù Việt Nam tiếp tục đoàn kết một lòng, không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động, thực hiện thành công những mục tiêu và giải pháp được đề ra trong giai đoạn 2017- 2022. Các cấp Hội tiếp tục xây dựng và phát triển tổ chức Hội vững mạnh, thực hiện tốt chức năng đại diện, tập hợp, chăm sóc người mù./.

Hoàng Mẫn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực