Khắc phục vướng mắc trong thu hồi nợ đọng bảo hiểm xã hội

Thứ hai, 26/06/2017 15:34
Trên địa bàn tỉnh Bến Tre có 414 doanh nghiệp đang nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp với số tiền trên 37 tỷ đồng.

Trong đó, 4 doanh nghiệp nợ dài hạn với số tiền lớn như: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư thủy sản Huy Thuận nợ 3,1 tỷ đồng (thời gian nợ 41 tháng); Doanh nghiệp tư nhân in Trần Tiến nợ gần 812 triệu đồng (thời gian nợ 52 tháng); Công ty Cổ phần Xây dựng công trình giao thông Bến Tre nợ 3,6 tỷ đồng (thời gian nợ 34 tháng); Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu lâm thủy sản Bến Tre nợ 4 tỷ đồng (thời gian nợ 16 tháng). 

Ảnh mịh họa (Nguồn: suckhoedoisong.vn)

Theo ông Lê Văn Tám, Trưởng phòng Khai thác và Thu hồi nợ, Bảo hiểm xã hội tỉnh Bến Tre, phần lớn doanh nghiệp nợ bảo hiểm do khó khăn trong sản xuất - kinh doanh. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp lợi dụng sự hỗ trợ của Nhà nước trong kêu gọi đầu tư, giải quyết việc làm cho lao động địa phương…để né tránh không đóng hoặc đóng không đủ, thậm chí để nợ bảo hiểm kéo dài. 

Ông Huỳnh Kim Quân, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Bến Tre dự đoán, thời gian tới, doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (gọi chung là bảo hiểm xã hội) ở Bến Tre có thể tăng. 

Ông Quân lý giải, khi chưa có Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13, cơ quan Bảo hiểm xã hội có quyền khởi kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động theo Điều 151, Bộ luật Lao động và Điều 162, Bộ luật Tố tụng dân sự. Năm 2016, Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi quy định, chỉ tổ chức Công đoàn mới có quyền khởi kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, Chủ tịch Công đoàn cơ sở là người đang thực hiện hợp đồng lao động với chủ sử dụng lao động nên không dám đứng nguyên đơn khởi kiện chủ doanh nghiệp, đồng thời không dám ký giấy ủy quyền cho tổ chức Công đoàn cấp trên khởi kiện. Do vậy, Công đoàn cấp trên chưa đủ điều kiện về mặt pháp lý để khởi kiện dù biết doanh nghiệp đã vi phạm đến quyền lợi của người lao động về bảo hiểm xã hội. 

Thời gian qua, ở Bến Tre chưa có tổ chức Công đoàn đứng ra khởi kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm, điều này khiến các doanh nghiệp “chây ì” trong việc trả nợ. Ngoài ra, theo quy định của Chính phủ, các cơ quan Nhà nước không được đến thanh tra, kiểm tra một doanh nghiệp quá 2 lần/năm. Quy định này sẽ hạn chế việc đến doanh nghiệp thanh tra, kiểm tra thu nợ bảo hiểm xã hội. Do đó, số nợ sẽ tăng đối với các doanh nghiệp không chấp hành tốt quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. 

Để khắc phục những vướng mắc trong quá trình thu hồi nợ đọng bảo hiểm xã hội, thời gian qua, Bảo hiểm xã hội tỉnh Bến Tre chủ yếu dùng biện pháp ghi lại biên bản sau khi tổ công tác thu hồi nợ làm việc với doanh nghiệp, sau đó chuyển sang thanh tra chuyên ngành xử lý. Nếu thanh tra chuyên ngành không xử lý được thì chuyển sang thanh tra lao động (thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) xử lý. Nếu bước này vẫn chưa giải quyết được sẽ báo cáo UBND tỉnh để làm thủ tục xử phạt hoặc Bảo hiểm xã hội khởi kiện ra tòa. 

Theo ông Lê Văn Tám, trên thực tế các biện pháp này đều không khả thi. Năm 2015, UBND tỉnh Bến Tre xử phạt 4 doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội thì chỉ có một doanh nghiệp đóng phạt nhưng vẫn không trả nợ bảo hiểm xã hội. Đến nay, ba doanh nghiệp còn lại không đóng phạt cũng không trả nợ bảo hiểm xã hội. 
Đặc biệt, năm 2014, Bảo hiểm xã hội tỉnh Bến Tre đã khởi kiện một doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội ra tòa. Tòa xử Bảo hiểm xã hội thắng kiện, buộc doanh nghiệp phải nộp phạt và trả nợ.Tuy nhiên khi thi hành án kiểm kê tài thì doanh nghiệp đã tẩu tán tài sản. Đến nay, Bảo hiểm xã hội tỉnh vẫn chưa tìm được hướng thu hồi nợ hiệu quả./. 

Trần Thị Thu Hiền/TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực