Long An cần xây dựng nhiều công trình phòng, chống sạt lở

Thứ năm, 13/09/2018 00:25
(ĐCSVN) - Trước diễn biến mưa, lũ bất thường, tình hình sạt lở bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn tỉnh Long An có mức độ nguy hiểm và nghiêm trọng hơn. Tỉnh Long An đã đề xuất Trung ương hỗ trợ nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình phòng, chống sạt lở trên địa bàn nhằm hạn chế những thiệt hại do sạt lở gây ra.
Người dân thị trấn Cần Giuộc chịu ảnh hưởng nghiêm trọng do sạt lở
ven sông Cần Giuộc - Ảnh: PC

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, nhằm bảo đảm ổn định đời sống, sinh hoạt của người dân trong vùng bị ảnh hưởng do thiên tai, sạt lở đất ở ven sông, kênh, rạch trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, các cấp chính quyền từ tỉnh đến địa phương đã tập trung triển khai các biện pháp trước mắt và lâu dài nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản, cơ sở vật chất, hạ tầng, nhà cửa... của Nhà nước và nhân dân được an toàn.

Nhưng hiện nay, trước diễn biến mưa, lũ bất thường, tình hình sạt lở bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn tỉnh Long An có chiều hướng ngày càng phức tạp, khó lường, mức độ nguy hiểm và nghiêm trọng hơn. Trong đó, tình trạng sạt lở nghiêm trọng tại các huyện: Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ, Bến Lức, Thủ Thừa, Thạnh Hóa. Nguyên nhân sạt lở do các tác động của dòng chảy, phương tiện thủy có trọng tải lớn lưu thông với mật độ dày; việc neo đậu tàu, thuyền sai quy định; các công trình nhà ở, kho bãi xây dựng lấn chiếm lòng dẫn trên các tuyến sông, kênh, rạch làm gia tăng tình trạng sạt lở.

Tuy nhiên, đối với những đoạn sạt lở nhỏ, việc khắc phục, xử lý dễ, nhưng đối với các điểm sạt lở lớn tại kênh Nước Mặn, đoạn nối giữa sông Vàm Cỏ và sông Cần Giuộc; sạt lở ven sông Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc, xã Long Hậu và ven thị trấn Cần Giuộc; các điểm sạt tại huyện Bến Lức, Tân Trụ, việc khắc phục hết sức khó khăn.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An Lê Văn Hoàng cho biết, để hạn chế những thiệt hại do sạt lở gây ra ở các địa phương, tỉnh Long An đã đề xuất Trung ương hỗ trợ nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình phòng, chống sạt lở trên địa bàn các huyện.

Cụ thể: tỉnh Long An đề xuất nguồn vốn hỗ trợ nhiều nhất cho Dự án xây dựng hệ thống đê kè kênh Nước Mặn nhằm ứng phó với xâm nhập mặn, sạt lở đất tại xã Phước Đông và Long Hựu Đông, huyện Cần Đước, kinh phí 560 tỉ đồng. Tiếp đến là Dự án kè chống xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu ven sông Vàm Cỏ Tây (đoạn từ rạch Châu Phê đến cầu mới đường tránh TP.Tân An thuộc phường 5), kinh phí 420 tỉ đồng.

Cùng với đó, tỉnh Long An đề xuất Trung ương hỗ trợ nguồn vốn xây dựng Dự án kè chống sạt lở sông Vàm Cỏ Tây, đoạn qua thị trấn Đông Thành, huyện Đức Huệ, kinh phí 220 tỉ đồng; Dự án đê kè phục vụ sản xuất, dân sinh dọc sông Rạch Dừa, Rạch Giồng, huyện Cần Giuộc, kinh phí khoảng 200 tỉ đồng; Dự án kè chống sạt lở ven sông Cần Giuộc đoạn từ cống Trị Yên đến bến phà Cần Giuộc, kinh phí 190 tỉ đồng; Dự án kè chống sạt lở ven sông Cần Giuộc (khu vực xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc), kinh phí 110 tỉ đồng…

Trước mắt, tỉnh Long An thường xuyên thông tin, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về tình hình thời tiết, triều cường, sạt lở đất, các khu vực xung yếu dễ xảy ra sạt lở đất trên các phương tiện thông tin đại chúng... để người dân biết, từ đó nâng cao nhận thức trong việc bảo vệ công trình thủy lợi và năng lực ứng phó sạt lở đất. Đồng thời, trực tiếp theo dõi diễn biến sạt lở, sụp lún, tăng cường lực lượng kiểm tra nhằm sớm phát hiện các khu vực xung yếu, nguy hiểm có nguy cơ cao về sạt lở đất và có kế hoạch gia cố, xử lý kịp thời; vận động, hướng dẫn người dân và phương tiện không đi vào những khu vực đang có diễn biến sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện, khẩn trương di dời các hộ dân sống ở những khu vực sạt lở đến khu vực an toàn…/.

Phạm Cường

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực