Những căn nhà chống lũ ấm tình người

Thứ năm, 16/02/2017 15:45
(ĐCSVN) - Vốn sẵn tấm lòng thiện nguyện nên năm 2009, trước tình cảnh người dân miền Trung phải đối mặt với thiệt hại nặng nề do mưa lũ, nhóm của chị Phạm Thị Hương Giang đã rủ nhau tới huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam giúp đỡ bà con. Từ những điều trông thấy, dự án “Nhà chống lũ” đã ra đời.

“Chứng kiến cảnh tan hoang do mưa lũ, nhà cửa, vườn tược, tài sản, đồ đạc rồi cả vật nuôi của người dân dần biến mất trước dòng lũ dữ, chứng kiến những tâm trạng thất thần, đau khổ đến vô vọng của những người dân bé nhỏ trước sức mạnh của thiên nhiên, không ít người rơi vào cảnh “màn trời, chiếu đất”, bị ám ảnh bởi đôi mắt vô hồn của một cụ già trên nền ngôi nhà tan hoang, ngay lúc đó, tôi đã nảy ra ý tưởng cần có mẫu nhà an toàn, vững chãi cho người dân vùng lũ, giảm thiểu thiệt hại cho bà con”, chị Hương Giang, người sáng lập dự án chia sẻ.

Niềm vui của người dân xã Cảnh Hóa, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình khi “Nhà chống lũ”
được đưa vào sử dụng tháng 10/2016 - Ảnh: Facebook Nhà chống lũ.

Cơ duyên khi biết đến mô hình ngôi nhà gỗ ba gian được đặt trên sáu cọc bê tông, vững vàng trên mặt nước suốt mười năm trong vùng lũ, chị Giang liên tưởng ngay tới những căn nhà chống lũ sẽ áp dụng theo cách làm này và rủ những người bạn cùng bắt tay triển khai.

Tìm bằng được tác giả của ngôi nhà là GS.TS Tống Trần Tùng, chuyên gia về vật liệu nhẹ, giảng viên Đại học Giao thông vận tải làm tặng cho người hàng xóm của mình ở vùng lũ Hương Sơn (Hà Tĩnh), biết được tấm lòng của nhóm, GS Tùng đã tin tưởng trao toàn bộ thiết kế ngôi nhà cho chị Giang – người phụ nữ lần đầu gặp mặt.

Tuy vậy, cũng phải mất đến 3 năm “thai nghén”, dự án mới đủ điều kiện triển khai trên thực tế. Đó là cuối năm 2013, sau một thời gian xây dựng kế hoạch, tìm kiếm nguồn lực, sau những chuyến khảo sát bằng tiền túi, những sự kiện gây quỹ, nhóm huy động được hơn 200 triệu đồng để triển khai. Điểm đến đầu tiên là huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Nhóm cũng xác định rõ đối tượng hỗ trợ phải là hộ nghèo, hộ cận nghèo chịu thiệt hại nặng nề do mưa lũ, cam kết thực hiện theo đúng thiết kế, tiến độ của dự án; có vốn đối ứng, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; ưu tiên các hộ đông nhân khẩu, có con nhỏ… Đối với những hộ có hoàn cảnh đặc biệt như quá khó khăn, bệnh tật, không biết quản lý tài chính thì phải được UBND xã, phường hoặc các tổ chức đoàn thể ở địa phương hỗ trợ.

Và thế là chỉ trong 35 ngày, 5 ngôi nhà ở vùng lũ Hương Sơn đã kịp thi công xong để chủ nhân đón Tết. Cũng qua thời gian thâm nhập thực tế, tham vấn các chuyên gia, những người có kinh nghiệm, nhóm đã đưa ra được 7 mô hình nhà chống lũ thích ứng với các địa phương có địa hình, khí hậu khác nhau như: Nhà chống lũ bùn, lũ ống, nhà chống lũ trên nền địa chất yếu, nhà chống lũ kết hợp chống bão, cát hay nhà phao để đối phó với những đợt lũ dâng có khi lên tới cả trên chục mét…

Số hộ dân cần giúp đỡ theo mô hình này là khá lớn, nhưng nhân lực của nhóm cũng chỉ giới hạn, đếm trên đầu ngón tay, lúc 5, lúc 7 thành viên. Nguồn kinh phí cũng không phải dồi dào và muốn dồn cả vào xây nhà cho người dân càng được nhiều hộ càng tốt nên nhóm áp dụng cách làm cuốn chiếu. Khi triển khai trên một địa bàn thì sẽ khảo sát luôn địa bàn xung quanh để tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại.

“Khó khăn không phải là ít, nhưng may mắn là rất nhiều tập thể, cá nhân hiểu được ý nghĩa thiết thực của dự án. Mỗi bước đi, mỗi căn nhà từ khi xây dựng đến lúc khánh thành đều được nhóm công khai, cập nhật thông tin, hình ảnh trên mạng xã hội nên cũng được hỗ trợ, tiếp sức rất nhiều. Người lo tổ chức sự kiện gây quỹ, người tình nguyện đem tranh của mình đi đấu giá dành toàn bộ số tiền góp cho dự án…” - chị Giang chia sẻ.

Chị Hương Giang (thứ 5 từ trái qua) – đại diện cho dự án nhận giải thưởng Tình nguyện Quốc gia 2016.
 Ảnh: Minh Châu.

Mỗi căn nhà của dự án sau khi hoàn thiện đều được gắn 1 viên gạch gốm ghi dòng chữ: “Nhà chống lũ”, thể hiện sự chung tay của cả cộng đồng cùng xây nhà cho người dân vùng khó khăn và trong 3 năm (2013-2016), 350 viên gạch gốm đánh dấu mốc 350 căn nhà đã được xây dựng, đảm bảo an toàn cho bà con vùng lũ thuộc 6 tỉnh, thành trên cả nước.

Chỉ tính riêng xã miền núi Tân Hóa, huyện Minh Hóa (tỉnh Quảng Bình), dự án đã hỗ trợ 62 căn nhà phao trong các năm từ năm 2014 đến 2016, khẳng định rõ tính ưu việt trong trận lũ lịch sử tháng 10 năm vừa qua tại các tỉnh miền Trung.

Tiếp theo nhà chống lũ, chị Hương Giang cho biết, thời gian tới, dự án sẽ triển khai các hình thức nhằm tạo sinh kế bền vững, đảm bảo thu nhập, cải thiện cuộc sống cho người dân vùng khó khăn.

Với những việc làm thiết thực cho cộng đồng, Dự án “Nhà chống lũ” vừa vinh dự nhận giải thưởng Tình nguyện Quốc gia 2016 – phần thưởng cao quý do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam trao tặng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tình nguyện vì cộng đồng, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.

Minh Châu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực