Ninh Thuận: Tăng cường đảm bảo an toàn giao thông đường sắt

Thứ ba, 28/03/2017 19:24
Tuyến đường sắt Bắc Nam đoạn qua tỉnh Ninh Thuận dài 61 km đi qua 4 huyện, 1 thành phố của tỉnh. Trên tuyến có 93 điểm giao cắt giữa đường ngang với đường sắt, ngoài 28 đường ngang hợp pháp thì có tới 65 đường ngang dân sinh tự phát, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông cao.


Chắn đường ngang giao với đường sắt, đoạn qua huyện Ninh Phước, để đảm bảo an toàn
 giao thông. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Các đường ngang trên địa bàn tỉnh chủ yếu do người dân sinh sống hoặc mưu sinh hai bên đường sắt tự ý mở, phần lớn là đường đất. Hầu hết, các đường ngang dân sinh trên địa bàn đều không có đèn hoặc chuông báo, không cắm biển chú ý tàu hỏa để cảnh báo... 

Nhiều đường ngang giao với đường sắt khuất tầm nhìn nếu không chú ý quan sát sẽ rất nguy hiểm cho người và phương tiện lưu thông qua đây. Trong khi đó, tại tỉnh Ninh Thuận mỗi ngày có khoảng 26 chuyến tàu và 500 lượt hành khách/chuyến lưu thông qua địa bàn với tốc độ tàu khách được phép chạy từ 80 - 90 km/giờ. Mặc dù tỉnh Ninh Thuận đã triển khai nhiều biện pháp để đảm bảo an toàn giao thông đường sắt nhưng trong hai tháng đầu năm 2017, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông đường sắt làm chết 2 người, tăng 2 vụ so với cùng kỳ năm 2016. 

Để đảm bảo an toàn giao thông đường sắt, UBND tỉnh Ninh Thuận chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải phối hợp với các đơn vị có liên quan khẩn trương rà soát, lên phương án cụ thể trong việc xóa bỏ các đường ngang dân sinh trái phép giao với đường sắt. Đồng thời kiên quyết không để phát sinh đường ngang trái phép; lập lý lịch từng lối đi dân sinh, đường ngang gửi cho các địa phương phối hợp quản lý. 

UBND tỉnh Ninh Thuận yêu cầu các đơn vị chức năng tổ chức kiểm tra, phát hiện, đề xuất xử lý trách nhiệm người đứng đầu đơn vị, địa phương có liên quan nếu để xảy ra việc phát sinh đường ngang dân sinh trái phép. Đồng thời, yêu cầu đơn vị quản lý, khai thác hạ tầng đường sắt trên địa bàn tỉnh thường xuyên kiểm tra, bảo trì các đường ngang hợp pháp; cắm biển “Chú ý tàu hỏa” tại 65 lối đi dân sinh tự phát và biển cấm đối với các phương tiện cơ giới không được phép qua lại; cung cấp lịch trình tàu chạy để tổ chức cảnh giới, đảm bảo an toàn giao thông đường sắt theo quy định. 

Ông Trương Phi Hùng, Chánh Văn phòng Ban An toàn Giao thông tỉnh Ninh Thuận cho biết: Thời gian tới, Ban An toàn Ggiao thông tỉnh tiếp tục phối hợp với các đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật an toàn giao thông đến từng gia đình, thôn, xóm; hướng dẫn nghiệp vụ về an toàn giao thông đường sắt cho người của địa phương cử ra làm nhiệm vụ cảnh giới hoặc chốt gác.../. 

Nguyễn Thành/TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực