Phối hợp nâng cao chất lượng công tác pháp luật của ngành lao động, thương binh và xã hội

Thứ sáu, 08/12/2017 19:07
(ĐCSVN) - Chiều 8/12, tại Hà Nội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bộ Tư pháp đã kí kết chương trình phối hợp thực hiện công tác pháp luật giai đoạn 2018-2022.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long và Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung 
 ký kết chương trình phối hợp. (Ảnh: MD)

Phát biểu tại lễ ký kết, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh, sự phối hợp giữa hai Bộ là chương trình phối hợp mang tính toàn diện, liên quan đến tất cả các lĩnh vực quản lý của ngành tư pháp. Chương trình phối hợp được ký kết này sẽ tạo ra cơ sở pháp lý giúp hai Bộ, hai ngành tư pháp, lao động - thương binh và xã hội hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là mọi giải pháp đều bắt đầu từ thể chế.

Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là ngành quản lý đa lĩnh vực (14 lĩnh vực), lại có liên quan sát sườn tới cuộc sống của người dân. Chính vì vậy Bộ xác định xây dựng thể chế là nhiệm vụ hàng đầu trong công tác quản lý nhà nước. “Xây dựng thể chế chính sách có ảnh hưởng trực tiếp và rất nhanh, nếu một chủ trương hay chính sách chưa kịp thời, chưa đúng sẽ tác động lớn đến các đối tượng xã hội” – Bộ trưởng phát biểu.

Thể hiện sự đồng tình với 8 nội dung lớn trong chương trình phối hợp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng bày tỏ tin tưởng chương trình phối hợp giữa hai bên sẽ có hiệu quả, trở thành một chương trình hợp tác mẫu mực, góp phần tạo sự chuyển biến trong xây dựng thể chế, bảo đảm an sinh xã hội, giúp ổn định và phát triển bền vững kinh tế đất nước.

Theo chương trình phối hợp được ký kết, trong giai đoạn 2018-2022, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Tư pháp tăng cường phối hợp nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả 8 nội dung nhiệm vụ về: Công tác xây dựng pháp luật; Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; Công tác nuôi con nuôi, quốc tịch, hộ tịch; Công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, công tác hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật, pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật; Công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật; Công tác quản lý, đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; Công tác pháp chế; Ứng dụng công nghệ thông tin./.

Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực