Quảng Nam trao đổi thẳng thắn về nông nghiệp, nông thôn

Thứ ba, 18/07/2017 14:36
(ĐCSVN) – Các vấn đề liên quan đến nông nghiệp, nông thôn đã được đại diện chính quyền và ngành chức năng của tỉnh Quảng Nam thẳng thắn trao đổi, trả lời tại Kỳ họp kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khoá IX (nhiệm kỳ 2016 - 2021) diễn ra từ 17 - 19/7/2017, thu hút sự quan tâm của nhiều cử tri.

Phản ánh đến Kỳ họp, đại diện cử tri huyện Phú Ninh cho rằng, tình trạng khai thác rừng tự nhiên trái phép đang diễn ra và có lúc diễn biến hết sức phức tạp, cần được xử lý nghiêm túc và có biện pháp khôi phục diện tích rừng tự nhiên đã bị khai thác, đồng thời cần có biện pháp quyết liệt để bảo vệ số rừng còn lại.

Trả lời vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu cho biết, trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, những năm qua Quảng Nam đã tập trung chỉ đạo các cấp uỷ, chính quyền các địa phương tăng cường kiểm tra, thanh tra các phương án quản lý, bảo vệ rừng; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Riêng tại huyện Phú Ninh, theo số liệu tổng hợp tình hình vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng của đơn vị chức năng, trong năm 2016 đã phát hiện và lập hồ sơ, xử lý 51 vụ vi phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu
 trả lời các câu hỏi của đại diện cử tri đặt ra tại Kỳ họp (ảnh: Đình Tăng)

UBND tỉnh cũng đã yêu cầu ngành Nông nghiệp tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp chặt chẽ với lực lượng chính quyền địa phương liên quan thường xuyên kiểm tra, có biện pháp cụ thể để ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Về đề nghị khôi phục lại rừng tự nhiên và có biện pháp bảo vệ rừng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu cho biết: Hiện nay, diện tích rừng đã bị phá trước đây đã được Ban quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh tổ chức trồng lại, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên với tiêu chí rừng phòng hộ do Nhà nước hỗ trợ vốn từ các chương trình, dự án. Hiện trên địa bàn huyện Phú Ninh (Ban quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh) đã giao khoán toàn bộ diện tích rừng tự nhiên hiện có cho Đội bảo vệ rừng, nhóm hộ bảo vệ rừng tại các xã có rừng với tổng diện tích 4.897,39 ha từ nguồn vốn Kế hoạch bảo vệ phát triển rừng và dịch vụ chi trả môi trường rừng.

Theo ông Đinh Văn Thu, để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu UBND huyện Phú Ninh tiếp tục chỉ đạo, quán triệt trong tất cả các cấp, ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân cùng tham gia bảo vệ, phát triển rừng; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng trong công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp khai thác rừng trái phép trên địa bàn.

Cũng liên quan đến rừng, đại diện cử tri huyện Nam Giang đề nghị tiếp tục rà soát, điều chỉnh từ quỹ đất rừng đặc dụng và rừng phòng hộ sang đất rừng sản xuất, vì nhiều hộ dân thiếu cả đất sản xuất và đất ở.

Trả lời yêu cầu trên, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu khẳng định: Tại Quyết định số 120/QĐ-UBND, ngày 111/1/2017 của UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2011-2020 thì tổng diện tích đất lâm nghiệp huyện Nam Giang là 154.224,3 ha. So với Quyết định số 2462/QĐ-UBND ngày 9/8/2013, diện tích chuyển ra là 10.388,4 ha. Cụ thể, diện ích từ đất rừng phòng hộ sang đất sản xuất 734,6 ha; từ đất rừng phòng hộ sang ngoài 3 loại rừng (đặc dụng, phòng hộ, sản xuất) là 1.163 ha; đặc dụng sang sản xuất là 22,9 ha; đặc dụng sang ngoài 3 loại rừng là 588,3 ha; ngoài 3 loại rừng sang sản xuất (tạo điều kiện trồng rừng mới giai đoạn 2016-2020) là 7.869,9 ha. Đồng thời diện tích chuyển vào là  411 ha (sản xuất sang phòng hộ 247,3 ha; sản xuất và ngoài 3 loại rừng sang đặc dụng 163,7 ha).

Từ khẳng định và thông tin trên, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu đề nghị UBND huyện Nam Giang cần phối hợp chặt chẽ với sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để hướng dẫn nhân dân triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch đã được phê duyệt.

Về cơ chế tăng cường kết hợp 4 nhà: Nhà nước - Nhà nông - Nhà khoa học và Doanh nghiệp để thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển, cử tri huyện Bắc Trà My kiến nghị tỉnh cần có chỉ đạo và giải pháp cụ thể hơn.

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu cho biết: Để thúc đẩy liên kết, liên doanh, phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hoá, Chính phủ đã ban hành Nghị định 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; UBND tỉnh ban hành Quyết định 41/2014/QĐ-UBND ngày 4/12/2014 về Quy định nội dung ưu đãi, hỗ trợ nhằm khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn, giai đoạn 2014-2020; Quyết định số 12/2014/QĐ-UBND ngày 23/5/20116 ban hành Quy định chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn của tỉnh giai đoạn 2016-2020…

“Vấn đề cử tri nêu, UBND tỉnh giao UBND huyện Bắc Trà My chủ động phối hợp với các sở, ngành chuyên môn của tỉnh để được hướng dẫn triển khai thực hiện và chỉ đạo các phòng chuyên môn của huyện để phổ biến, thông tin về các cơ chế, chính sách liên quan đến nhân dân để có giải pháp triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả” - Chủ tịch Đinh Văn Thu chỉ đạo.

Về chủ trương phát triển cây dược liệu, đại diện cử tri huyện Phước Sơn đề nghị tỉnh chỉ đạo rà soát việc triển khai phát triển cây dược liệu tại các huyện miền núi, có kế hoạch hướng dẫn cụ thể quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc cây dược liệu để các xã, thị trấn triển khai thực hiện.

Cùng với ý kiến trên, đại diện cử tri huyện Nam Trà My đề nghị tỉnh có kế hoạch đầu tư phát triển lên vùng sâm Ngọc Linh để tạo sinh kế bền vững cho đồng bào miền núi.

Về các kiến nghị này, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu cho biết: Thực hiện Quyết định 2950/QĐ-UBND ngày 17/8/2016 của UBND tỉnh về triển khai, thực hiện Nghị quyết số 202/2016/NQ-HĐND ngày 26/4/2016 của HĐND tỉnh về Cơ chế khuyến khích bảo tồn và phát triển một số cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2016-2020, UBND tỉnh đã giao Sở NN&PTNT xây dựng và ban hành Quy trình trồng và chăm sóc cây sâm Ngọc Linh; đang soạn thảo và lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị liên quan về Hướng dẫn tạm thời kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch 3 loài cây dược liệu gồm cây Đẳng sâm, cây Ba kích tím, cây Sa nhân tím.

Theo ông Đinh Văn Thu, hiện nay một số loại cây dược liệu như Đẳng sâm, Ba kích tím, Sa nhân tím đang triển khai trồng rộng rãi ở các địa phương, đơn vị như: Trung tâm giống Nông nghiệp, Ban quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh, huyện Nam Trà My, Phước Sơn, Tây Giang…. Trong năm 2017, huyện Phước Sơn được phân bổ 505 triệu đồng để hỗ trợ phát triển một số cây dược liệu trên địa bàn.

Liên quan đến nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo UBND huyện Phước Sơn chủ trì, phối hợp với Sở NN&PTNT cùng các ngành liên quan để được hướng dẫn, triển khai thực hiện.

 Kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Quảng Nam khoá IX (ảnh: Đình Tăng)

Với ý kiến của đại diện cử tri huyện Nam Trà My, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu cho biết: Xác định cây sâm núi Ngọc Linh là cây chủ lực, góp phần từng bước xoá đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế- xã hội của huyện Nam Trà My, thời gian qua HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm bảo tồn, duy trì và phát triển cây sâm, tạo đồng lực phát triển vùng. Đến nay, ngoài diện tích trồng sâm của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn huyện, có 02 trung tâm phát triển sâm Ngọc Linh của tỉnh và có thêm 04 doanh nghiệp thuê môi trường rừng trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn xã Trà Linh và Trà Cang (Công ty TNHH Sâm Sâm, Công ty CP Thương mại Dược sâm Quảng Nam, Công ty CP Dược phẩm Hoa Thiên Phú và Công ty CP Nguyên liệu giấy miền Trung).

Cạnh đó, UBND tỉnh thống nhất hỗ trợ 03 cây dược liệu và Ba kích, Đẳng sâm, Sa nhân để phát triển trên vùng miền núi theo Quyết định số 2950/QĐ-UBND ngày 17/8/2016 về cơ chế khuyến khích bảo tồn và phát triển một số cây dược liệu trên địa bàn giai đoạn 2016-2020 và thành lập Ban quản lý Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh trực thuộc Chi cục Kiểm lâm nhằm quản lý, bảo vệ, bảo tồn và phát triển diện tích rừng đặc dụng.

Ngoài ra, theo ông Đinh Văn Thu, Tỉnh uỷ Quảng Nam đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về phát triển kinh tế- xã hội miền núi gắn với định hướng thực hiện một số dự án lớn tại vùng Tây tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025, UBND tỉnh đã giao các cơ quan chuyên môn thuộc tỉnh chủ trì, phối hợp với các địa phương để xúc tiến, kêu gọi các dự án đầu tư vào khu vực miền núi của tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu cũng đề nghị UBND huyện Nam Trà My căn cứ vào tình hình phát triển thực tế, lợi thế, tiềm năng của địa phương để chủ động đề ra các giải pháp hiệu quả và tích cực phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh để triển khai thực hiện đồng bộ, từng bước giảm tỷ lệ hộ nghèo, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Liên quan đến các dự án tại khu vực nông thôn gây ô nhiễm môi trường, đại diện cử tri huyện Đại Lộc đề nghị nghiên cứu, cân nhắc lại việc cấp phép xây dựng nhà máy thép Việt - Pháp tại huyện Nam Giang sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường vùng hạ du.

Về vấn đề này, theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu, trước khi quyết định chính thức việc cho phép đầu tư Nhà máy thép Việt – Pháp kể trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo chủ đầu tư báo cáo và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án tại thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang tại Quyết định só 4048/QĐ-UBND ngày 16/11/2016. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Công ty TNHH thép Việt Pháp đầu tư xây dựng hoàn thiện các công trình xử lý chất thải của Dự án đảm bảo các chất thải được xử lý đạt các quy chuẫn kỹ thuật quốc gia trước khi thải vào nguồn tiếp nhận; thông báo bằng văn bản đến UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường về kế hoạch vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải phục vụ giai đoạn vận hành để kiểm tra, xác nhận trước khi đi vào vận hành chính thức.

Theo ông Thu, hiện nay UBND tỉnh đang kiến nghị với Trung ương để xem xét chủ trương đầu tư. Mặt khác cũng đang xem xét lại về chủ trương di dời Nhà máy thép Việt- Pháp./.

Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực