Thúc đẩy lập nghiệp cho thanh niên

Thứ bảy, 19/09/2020 13:34
(ĐCSVN) - Thanh niên chiếm 24% dân số nước ta. Thúc đẩy khởi nghiệp thành công trong thanh niên sẽ có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Do đó, giai đoạn 2016 - 2020, các cấp bộ Đoàn, Hội đã có nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ thanh niên lập thân, lập nghiệp.

Năm 2017, khi vừa tròn 25 tuổi, Vàng A Tùng đã được bầu là Phó Bí thư Đoàn Thanh niên xã Ngải Thầu (nay là xã A Lù) huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, được nhân dân trong thôn Ngải Thầu Thượng bầu là Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn. Vậy điều gì khiến người trẻ như Tùng sớm nhận được sự tín nhiệm của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương?

Tới đây, các cấp bộ Đoàn, Hội sẽ tập trung hướng dẫn thanh niên phát triển ý tưởng và mạnh dạn cụ thể hóa ý tưởng thành các mô hình sản xuất kinh doanh thực tế để lập nghiệp

Vàng A Tùng sinh năm 1992, lớn lên ở thôn có 100% là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Gia đình Tùng là một trong 38 hộ nghèo của thôn. Vượt lên hoàn cảnh khó khăn, Tùng chọn con đường vừa học vừa làm để theo học Trường Đại học Lâm nghiệp, với khát vọng học xong trở về cống hiến, phục vụ nhân dân ngay trên mảnh đất quê hương.

 Năm 2015 tốt nghiệp ra trường, tự thấy lập nghiệp không nhất thiết phải làm trong cơ quan nhà nước, Tùng quyết định khởi nghiệp tại nhà từ 30 kg giống củ khoai sâm đất. Khoai sâm đất có vị ngọt, mát, thơm, tốt cho bệnh nhân tiểu đường. Do nhiều tác dụng và dễ chế biến, khoai sâm đất được thương lái vào thu mua tận ruộng và mang lại cho nhà Tùng 5 triệu đồng/vụ. Thấy thị trường tiêu thụ tốt, năm sau, gia đình Tùng đã nhân giống và mở rộng diện tích cây trồng lên 200 kg giống, thu nhập cũng tăng gấp 10 lần, đạt 50 triệu đồng/vụ. Bên cạnh trồng khoai sâm đất, Tùng mạnh dạn vay ngân hàng 30 triệu đồng để mua giống chăn nuôi trâu, bò, lợn gà, trồng thảo quả. Hiện nay, mỗi năm, gia đình Tùng có thu nhập 120 triệu đồng, sau khi đã trừ chi phí.

 Từ mô hình của Tùng và được anh trực tiếp hướng dẫn, hầu hết bà con trong thôn đã chuyển sang trồng khoai sâm đất. Năm ngoái, toàn thôn trồng 10 ha, bán được 110 tấn sản phẩm. Năm nay, bà con trồng tới 20 ha, riêng nhà Tùng cũng có 01 ha. Nhờ khoai sâm đất, các hộ có thu nhập cao, là yếu tố chính góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong thôn mỗi năm 2,38%.

 Quyết tâm cá nhân và khả năng lan tỏa trong cộng đồng từ câu chuyện lập nghiệp của một người trẻ như Tùng cho thấy chàng trai đó đã có những suy nghĩ, việc làm hết sức thuyết phục. Chính vì thế, ngoài sự tín nhiệm của địa phương, Tùng còn vinh dự được bầu chọn là đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II dự kiến tổ chức cuối năm nay tại thủ đô Hà Nội.

 Vàng A Tùng là một minh chứng cho phong trào thanh niên nói chung, thanh niên dân tộc thiểu số nói riêng đang lập nghiệp mạnh mẽ trên mọi miền Tổ quốc. Theo báo cáo kết quả Tổng điều tra dân số năm 2019, nước ta có gần 23 triệu thanh niên, chiếm 24% dân số cả nước. Do đó, thúc đẩy khởi nghiệp thành công trong thanh niên sẽ có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

 Nhận thức được vấn đề này nên theo đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cho biết, giai đoạn 2016 - 2020, các cấp bộ Đoàn, Hội đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ, đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp. Trong đó, công tác hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số vay vốn phát triển kinh tế được Đoàn thanh niên các cấp triển khai hiệu quả. Dư nợ của Đoàn thanh niên trong chương trình ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội hiện đạt 50.000 tỷ đồng, cho khoảng 1,5 triệu hộ là người dân tộc thiểu số vay để sản xuất. Ngoài ra, nhiều tỉnh, thành Đoàn đã thành lập quỹ để các cấp bộ Đoàn tổ chức được gần 27 nghìn hoạt động chuyển giao khoa học kỹ thuật giúp thanh niên lập nghiệp.

Các cấp bộ Đoàn-Hội cũng đã hỗ trợ thanh niên tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); huy động mọi nguồn lực để tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn cho thanh niên, đặc biệt là thanh niên là người dân tộc thiểu số. Toàn Đoàn đã tập trung nghiên cứu đổi mới nội dung và phương thức đào tạo, tập huấn, cập nhật kiến thức, hình thành cơ chế tư vấn thường xuyên cho thanh niên. Các tỉnh, thành đoàn đã cụ thể hóa các tài liệu chuẩn do Trung ương Đoàn xây dựng và ban hành thành các tài liệu phù hợp với địa phương và đối tượng thanh niên… Ngoài ra, nhiều tỉnh, thành Đoàn đã thành lập quỹ tăng nguồn vốn vay cho thanh niên như: Quỹ đồng hành cùng thanh niên lập nghiệp; Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp… Phong trào “Thanh niên khởi nghiệp” đã trở thành một trong những phong trào tiêu biểu của thanh niên nước ta.

 Nhằm tiếp tục thúc đẩy khởi nghiệp trong thanh niên, nhất là trong điều kiện chịu tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cho biết, tới đây, các cấp bộ Đoàn, Hội sẽ chú trọng công tác hướng dẫn thanh niên phát triển ý tưởng và mạnh dạn cụ thể hóa ý tưởng thành các mô hình thực tế, theo hướng ưu tiên ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất kinh doanh, góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn, từng bước phát triển sản xuất hàng hoá quy mô lớn theo hướng hiện đại và bền vững.

 Từ thực tế đại đa số đoàn viên, thanh niên nông thôn, đặc biệt là thanh niên dân tộc có xuất phát điểm thấp. Vì vậy, để khởi nghiệp, phát triển kinh tế đặc biệt là kinh tế hộ gia đình, xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm thì cần có nguồn vốn ban đầu. Do vậy, Đoàn Thanh niên tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện chương trình liên tịch để tạo nguồn vốn vay ưu đãi cho thanh niên.

 Bên cạnh đó, các cấp bộ Đoàn, Hội sẽ chú trọng công tác phát triển nguồn nhân lực trong thanh niên, có các hoạt động khuyến tài dành cho các tài năng trẻ tiêu biểu trên các lĩnh vực, đang đóng góp cho sự phát triển kinh tế trên các địa bàn. Đây được xem là nhân tố quan trọng, điều kiện tiên quyết để xây dựng phong trào khởi nghiệp, phát triển kinh tế thông qua các mô hình mới do thanh niên đứng ra thực hiện làm nòng cốt./.                                                       

Bài, ảnh: Phương Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực