Xử lý ùn tắc giao thông tại Hà Nội: Ngày qua ngày, áp dụng giải pháp tình thế

Thứ năm, 04/03/2010 11:09

  
Xe cộ chen chúc trên đường Trường Chinh trong giờ cao điểm.
                             Ảnh: Trung Kiên
 
Thời gian qua, ngành chức năng ở Hà Nội đã có nhiều biện pháp giải quyết tình trạng tắc nghẽn giao thông, nhất là vào các giờ cao điểm, trong đó có biện pháp bịt các nút giao. Mặc dù biện pháp này cũng cho hiệu quả nhất định, nhưng cũng chỉ là giải pháp tình thế, bởi giải pháp này chưa thật khoa học...

Không chỉ đơn giản là "mở" và… "bịt"!

Từ thực tế cho thấy, trên các tuyến phố, giải pháp bịt các ngã tư đã làm tăng hành trình xe chạy, tiêu hao nhiều nhiên liệu và khí thải. Bên cạnh đó, không có đèn cho người đi bộ qua đường tại ngã tư, nguy cơ xảy ra tai nạn với người đi bộ rất cao, nhất là với người già và trẻ em. Đã vậy, hầu hết các tuyến đường tại Hà Nội đều hẹp, chưa đủ diện tích để bố trí những chỗ quay đầu xe theo đúng yêu cầu kỹ thuật, nên dễ tạo ra các điểm xung đột với cả 2 dòng xe, đặc biệt khi lưu lượng của 2 dòng xe (xuôi và ngược) đều lớn sẽ dẫn đến ách tắc cục bộ, gây mất an toàn giao thông... Như vậy, vấn đề tắc nghẽn giao thông hiện nay không thể giải quyết bằng cách bịt các ngã tư, mà cần nghiên cứu bài bản, có chiến lược "dài hơi" để giải quyết tình trạng giao thông như hiện nay trên đường phố Thủ đô. Được biết, ý thức của người tham gia giao thông chưa cao, cố tình vượt vạch dừng xe khi đèn tín hiệu đã chuyển sang màu vàng hay đỏ, làm giảm lưu lượng thông xe của các hướng đối diện hoặc gây ách tắc nút giao. Bên cạnh đó, mật độ xe đông, trong khi đó cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được, nên vào giờ cao điểm, tại phần lớn các nút giao thông lưu lượng xe đến nút thường lớn hơn so với khả năng thông xe của nút. Việc bố trí các nút giao gần nhau, nên khi bị ùn tắc cục bộ sẽ dẫn đến ùn tắc lan truyền. Thông số của đèn tín hiệu thiết kế chưa hợp lý, chưa được tính toán cụ thể với từng hướng đi, thời gian đèn vàng thiết kế chưa tối ưu... dẫn đến tổn thất thời gian trên toàn hành trình đi lại. Hiện nay, trên VOV mới có sóng ngắn 91.0 Mh thông tin về tình trạng giao thông trên đường, nhưng chỉ với người tham gia giao thông bằng ô tô, còn với người tham gia giao thông bằng các phương tiện khác chưa cập nhập được tin tức về giao thông với những tuyến đường đang tắc, mức độ tắc, dự báo thời gian hết tắc… để giúp người tham gia giao thông lựa chọn những hướng đi khác hoặc thay đổi thời gian xuất phát… Hơn thế nữa, hệ thống giao thông công cộng của Hà Nội còn kém, chưa tương xứng với nhu cầu vận tải của một Thủ đô hơn 6 triệu dân. Từ đó, chưa khuyến khích được người dân lựa chọn các giải pháp đi lại bằng phương tiện công cộng, đi xe đạp, đi bộ; dù đó là giải pháp khá hiệu quả với tất cả các đô thị hiện đại trên thế giới nhằm giảm thiểu ùn tắc, tai nạn và khí thải giao thông...

Chống tắc nghẽn: Giải pháp nào?

Qua thực tế trên, ngành chức năng cần sớm đưa ra các giải pháp nhằm hạn chế ùn tắc giao thông tại Hà Nội. Trước mắt, cần lắp đặt hệ thống camera để quan sát và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm luật giao thông; cải tạo lại các tuyến đường, nút giao, nâng cấp hệ thống và các chương trình điều khiển đèn tín hiệu; cung cấp tin tức thời sự về điều kiện giao thông (dưới nhiều hình thức); di dời một số cơ quan, bệnh viện, xây chung cư cao tầng ra ngoài khu vực trung tâm… Ngoài ra, Hà Nội cần sớm nâng cấp hình thức vận tải công cộng, gồm tàu điện trên cao, xe điện và xe buýt, trong đó xe buýt vẫn là phương tiện chủ lực do đặc tính của mạng lưới đường Hà Nội. Bên cạnh đó cần có biện pháp khuyến khích người dân đi bộ, đi xe đạp bằng cách mở rộng vỉa hè, trồng cây xanh, bố trí làn đường riêng và nâng cao ý thức cho người tham gia giao thông… Được biết, năm 2010, ngành chức năng của Hà Nội dự kiến sẽ đầu tư, cải tạo các tuyến đường, nút giao thông, như nút giao hầm Kim Liên, Phạm Hùng - Trần Duy Hưng - Khuất Duy Tiến, Cầu Giấy, Phạm Hùng - Mễ Trì, Phạm Hùng - Tôn Thất Thuyết, Đội Cấn - Liễu Giai, cầu vượt Mai Dịch, nút giao Ba La (QL 6 - QL 21B), Trần Bình Trọng - Trần Nhân Tông, Nguyễn Thị Định - Lê Văn Lương, Xã Đàn - Phạm Ngọc Thạch, cầu vượt Ngã Tư Sở, Trường Chinh - Tôn Thất Tùng, khu vực vườn hoa Hàng Đậu.

Sớm làm được những điều nêu trên, hy vọng việc giải quyết ách tắc giao thông nói chung, ở các nút giao nói riêng sẽ cơ bản được giải quyết.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực