Giữ ổn định tình hình ngay từ cơ sở, không được để hình thành điểm nóng

Thứ năm, 04/07/2019 21:22
(ĐCSVN)- Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho rằng, gần đến đại hội đảng các thế lực thù địch càng gia tăng hoạt động chống phá, do đó, hơn lúc nào hết, lúc này phải tập trung giữ vững được ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô, giữ ổn định tình hình ngay từ cơ sở, không được để hình thành điểm nóng….

Càng gần Đại hội, tránh tư tưởng nể nang, né tránh, ngại va chạm, “giữ an toàn”

Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh:TA)

Chiều 4/7, Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị giao ban công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2019. Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội chủ trì hội nghị.

Báo cáo tại hội nghị, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Thế Toàn cho biết, 6 tháng đầu năm 2019, tình hình an ninh quốc gia, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô tiếp tục được giữ vững ổn định. Các cấp, ngành đã chủ động giải quyết nhiều vụ khiếu kiện, tụ tập đông người; không để hình thành, phát sinh “điểm nóng” về an ninh trật tự; bảo vệ an toàn tuyệt đối 1.183 kỳ cuộc, nhất là Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ hai.

Về công tác phòng chống tội phạm, cơ quan điều tra đã khởi tố 3.945 vụ án, phê chuẩn quyết định khởi tố 6.103 bị can. Viện Kiểm sát hai cấp thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra 5.455 vụ với 8.519 bị can; thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm 2.466 vụ với 3.975 bị cáo. Tòa án nhân dân hai cấp thành phố đã thụ lý 30.920 vụ án các loại, trong đó có 4.330 vụ án hình sự.

Về công tác phòng, chống tham nhũng, Thành ủy Hà Nội tiếp tục quan tâm, chỉ đạo, đồng thời tham mưu thực hiện Chỉ thị 27-CT/TƯ ngày 10-1-2019 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác; người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực”; Xây dựng kế hoạch thực hiện đề án “Đẩy mạnh công tác phát hiện, xử lý tình trạng tiêu cực, gây phiền hà, nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc trên địa bàn thành phố”… Các cơ quan nội chính đã triển khai kiểm tra 490 cơ quan, đơn vị về việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động.

Tuy vậy, tình hình tham nhũng, lãng phí trên địa bàn thành phố vẫn diễn biến phức tạp thủ đoạn tinh vi, phạm vi, lĩnh vực tham nhũng rộng, tiềm ẩn trong một số lĩnh vực: quản lý, sử dụng đất đai, giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng, tài chính…

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu nhận định, 6 tháng cuối năm 2019, tình hình tội phạm sẽ có xu hướng phức tạp, nghiêm trọng hơn. Đặc biệt, càng gần đến Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các thế lực thù địch, phản động sẽ gia tăng hoạt động chống phá… Do đó, các đại biểu đề nghị, thành phố cần làm tốt hơn nữa công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nâng cao lòng tin của nhân dân đối với các cơ quan thực thi công lý...

Dự và phát biểu tại hội nghị, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học nhấn mạnh, Hà Nội là Thủ đô của cả nước, là nơi diễn ra rất nhiều sự kiện chính trị quan trọng của quốc gia, nên trách nhiệm của các cơ quan khối nội chính của thành phố rất nặng nề. Do đó, đồng chí Nguyễn Thái Học lưu ý, Hà Nội cần làm tốt công tác giải quyết khiếu nại tố cáo; nâng cao tỷ lệ phá án; tăng tính nghiêm minh trong hoạt động thanh tra. Phải khẩn trương, tập trung điều tra xét xử các vụ án tham nhũng, không để kéo dài gây mất lòng tin trong nhân dân. Đặc biệt, bản thân các cơ quan nội chính, tư pháp phải làm tốt công tác phòng chống tham nhũng, không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng ngay trong chính cơ quan phòng chống tham nhũng…

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong công tác nội chính; phòng, chống tham nhũng 6 tháng đầu năm, góp phần quan trọng giữ vững sự bình yên của Thủ đô. Đây là sự nỗ lực rất lớn của toàn thành phố, trước hết là các cơ quan nội chính, tư pháp.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu kết luận hội nghị. (Ảnh:TA)

Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng cũng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế cần tập trung khắc phục, như: Tội phạm tín dụng “đen”, đòi nợ thuê diễn biến phức tạp; tình hình cháy nổ còn xảy ra những vụ gây thiệt hại lớn về người và của; tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà trong giải quyết công việc của nhân dân vẫn tồn tại...

Về nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh, đây là thời điểm tăng tốc để hoàn thành các chỉ tiêu đặt ra trong cả nhiệm kỳ này, đồng thời chuẩn bị một bước cho công tác chuẩn bị đại hội đảng các cấp. Vì vậy, khối lượng công việc đặt ra vô cùng lớn và nặng nề, nhất là trong bối cảnh các thế lực thù địch cũng gia tăng chống phá. Do vậy, từng địa phương phải rà soát lại, nắm chắc và dự báo tình hình, không để bị động trong mọi tình huống. “Hơn lúc nào hết, lúc này phải tập trung giữ vững được ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô, giữ ổn định tình hình ngay từ cơ sở, không được để hình thành điểm nóng” – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy lưu ý.

Ngoài ra, cần tiếp tục đấu tranh trấn áp, triệt phá các băng nhóm tội phạm, xã hội đen, ngăn chặn các đường dây buôn bán, trung chuyển ma túy, không để tồn tại các ổ nhóm tội phạm, côn đồ hung hãn gây rối trật tự công cộng, gây lo lắng, bất an cho nhân dân. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm; nhận diện những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng…Trong quý 3/2019, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội sẽ tổ chức 3 đoàn đi kiểm tra 12 đơn vị (các quận, huyện, thị xã, sở ngành) về kết quả thực hiện chương trình 07 của Thành ủy về nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm chống lãng phí...

Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng cũng đề nghị các đơn vị cần thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết kịp thời khiếu nại, tố cáo, hạn chế các vụ việc khiếu kiện đông người theo đúng tinh thần Chỉ thị 15-CT/TU về "Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thành phố Hà Nội”gắn với Quy định 11 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân. Trước mắt tập trung giải quyết 75 vụ việc, đối với những nơi còn vụ việc khiếu kiện đông người thì Bí thư cấp ủy phải chịu trách nhiệm trực tiếp…/.

 

 

Phương Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực