Khẳng định giá trị, những vấn đề về văn hóa và con người mà Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn trong Di chúc luôn là kim chỉ nam trong mọi hành động, các chuyên gia, nhà khoa học nhấn mạnh, dù đã qua hơn nửa thế kỷ, bản Di chúc vẫn còn nguyên giá trị, là cương lĩnh để tiến tới mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, sánh vai cùng các cường quốc năm châu.
|
Triển lãm "Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trên báo chí cách mạng Việt Nam” tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế được tổ chức đã thu hút hàng nghìn lượt cán bộ, đảng viên, Nhân dân, học sinh đến tìm hiểu. |
Thạc sĩ Nguyễn Thu Hằng, Trường Đại học Khoa học (Đại học Huế) nhấn mạnh, bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã soi rọi vào tiến trình, hành trình xây dựng đất nước. Những tư tưởng mà Người để lại về văn hóa đã dẫn dắt, định hướng việc xây dựng, phát triển, nâng cao tầm vóc nền văn hóa của dân tộc Việt Nam. Những thành tựu đất nước đã đạt được trên tất cả các lĩnh vực về: văn hóa, tư tưởng, con người, môi trường văn hóa, văn hóa trong Đảng, văn hóa trong kinh tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nước ngoài… ở nhiều góc độ, đã kế thừa, phát triển trên tinh thần văn hóa trong bản Di chúc của Người.
Bàn về quan điểm trọng dụng tài trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, TS. Phan Tiến Dũng - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế nhận định, Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ra trong một gia đình trí thức và chính Người sớm nhận thức được vai trò của tầng lớp trí thức đối với xã hội. Người khẳng định: “Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc. Ở nước khác như thế, ở Việt Nam càng như thế”. Với quan điểm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành một tấm gương mẫu mực về việc quy tụ, trọng dụng nhân tài cho sự phát triển của quốc gia.
Nhiều đại biểu phân tích Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở những vấn đề mang tính lý luận, tư tưởng; đánh giá những thành tựu trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người tại Thừa Thiên - Huế; từ đó khẳng định giá trị và sức sống mãnh liệt của Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay. Thừa Thiên - Huế tự hào là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn bó hơn 10 năm trong thời niên thiếu, để từ đó di sản, di tích về Người trở thành giá trị đặc biệt, một mảnh ghép quan trọng trong hệ thống di sản văn hóa của Thừa Thiên - Huế. 55 năm qua, thực hiện Di chúc của Người, Đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên -Huế trong từng giai đoạn lịch sử luôn hoàn thành sứ mệnh "biến đau thương thành hành động cách mạng" giải phóng quê hương, góp phần vào công cuộc giải phóng miền Nam thống nhất đất nước; nỗ lực hàn gắn những vết thương chiến tranh, hoạch định những chủ trương chính sách để nâng cao đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội, bảo tồn di sản, môi trường văn hóa lành mạnh, xây dựng xã hội học tập, để Cố đô Huế trở thành thành phố "Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường".
|
Thành phố Huế nhìn từ trên cao. Ảnh: thuathienhue.gov.vn |
Theo Tiến sĩ Hồ Châu - Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh - qua 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thừa Thiên - Huế đã quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, phát huy tinh thần đoàn kết, xây dựng địa phương ngày càng giàu đẹp, văn minh, góp phần xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Đặc biệt, thông qua những giá trị tư tưởng về con người trong Di chúc, các tổ chức đảng, chính quyền các cấp ở Thừa Thiên - Huế đã vận dụng một cách phù hợp, sáng tạo để xây dựng văn hóa, con người nơi đây ngày càng tốt đẹp theo tinh thần Nghị quyết số 54- NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XIII.
Liên hệ qua thực tiễn ở Thừa Thiên Huế, TS. Phan Tiến Dũng cho rằng, tỉnh đã luôn hoàn thiện môi trường và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của trí thức; thường xuyên chăm lo xây dựng đội ngũ trí thức tạo điều kiện để họ tham gia tích cực sáng tạo trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hình thành kinh tế tri thức; thực hiện dân chủ trong hoạt động khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa nghệ thuật phù hợp với đặc điểm của tỉnh, triển khai một số giải pháp để trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức. Đồng thời với đó, đề cao trách nhiệm của trí thức, củng cố và nâng cao chất lượng của các hội, HĐND và UBND tỉnh đã ban hành quy định về chế độ đào tạo, đãi ngộ để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào làm trong khu vực công.
Các đại biểu cũng đã đóng góp, đề ra nhiều giải pháp phong phú, tiếp cận vấn đề từ nhiều khía cạnh để Thừa Thiên Huế tiếp tục thực hiện tốt lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc, xây dựng Thừa Thiên Huế đạt mục tiêu đến năm 2025 trở thành thành phố trực thuộc trung ương; đến năm 2030 là đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam.